ĐTO – Để thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài động vật hoang dã trong môi trường tự nhiên, nhất là các loài nguy cấp, quý, hiếm, UBND tỉnh vừa có văn bản yêu cầu các sở, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, thông tin tuyên truyền về bảo vệ động vật hoang dã.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra các tụ điểm bẫy, bắt, mua bán, vận chuyển các loài động vật hoang dã, nhất là các loài nguy cấp, quý, hiếm; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh không bẫy, bắt, mua bán, tiêu thụ, sử dụng, nuôi nhốt trái phép các loài động vật hoang dã; đặc biệt là các loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm.
Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ quan chuyên ngành tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn kịp thời các hành vi bẫy, bắt, vận chuyển, mua, bán trái phép các loài động vật hoang dã và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; lực lượng Công an địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng dân cư để nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ động vật hoang dã.
Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành liên quan và địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các quy định của pháp luật về công tác bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh; tập trung về công tác bảo vệ các loài động vật hoang dã trong môi trường tự nhiên.
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền lồng ghép vào các buổi họp dân xóm (ấp) tại địa phương; thông báo trên Đài truyền thanh để thông tin cho người dân địa phương biết những quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, nhất là các loài động vật hoang dã thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm, đặc biệt là chim điêng điểng (chim cổ rắn) hiện phân bố nhiều trên địa bàn tỉnh.
UBND yêu cầu các sở, ngành tỉnh, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã. Theo chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị, tăng cường công tác tuyên truyền cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh không mua, bán, vận chuyển, sử dụng, nhận, cho quà biếu là động vật hoang dã hoặc các sản phẩm của chúng không có nguồn gốc hợp pháp.