Trong vòng 7 năm nữa, tình trạng mất đa dạng sinh học có thể khiến bậc xếp hạng tín dụng nhà nước của các nước giảm hơn một nửa.
Cuối tháng 6 vừa qua, các trường đại học Anh (Đại học East Anglia, Cambridge, Đại học Sheffield Hallam, Đại học SOAS London) đã công bố báo cáo quan trọng về tình trạng mất đa dạng sinh học quy mô lớn đến năm 2030. Trong quá trình thực hiện khảo sát, các nhà nghiên cứu tiến hành đánh giá các trường hợp có thể xảy ra. Trong đó, nghiêm trọng nhất là trường hợp các hệ sinh thái quan trọng bị sụp đổ một phần, gây ảnh hưởng lớn đến các ngành phụ thuộc vào thiên nhiên như chăn nuôi, đánh bắt cá.
Theo đó, xếp hạng tín dụng sẽ ảnh hưởng đến số tiền mà các chính phủ phải thanh toán khi vay nợ trên thị trường vốn toàn cầu. Chẳng hạn như việc bị hạ bậc xếp hạng sẽ làm tăng chi phí lãi vay hằng năm thêm 28-53 tỉ USD. Báo cáo cũng chỉ ra rằng chi phí vay nợ tăng lên đồng nghĩa rằng chính phủ sẽ có ít tiền hơn để chi tiêu, và khiến lãi suất vay thế chấp tăng lên.
Báo cáo của nhóm các trường đại học cho biết trong trường hợp hệ sinh thái sụp đổ một phần, Trung Quốc và Malaysia sẽ là những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất, với xếp hạng tín nhiệm bị giảm 6 bậc. Đối với Trung Quốc, việc giảm xếp hạng tín nhiệm sẽ khiến chi phí lãi vay của nước này tăng từ 12-18 tỉ USD/năm, trong khi mức đóng góp của khu vực doanh nghiệp sẽ là 20-30 tỉ USD/năm. Chi phí lãi vay của Malaysia sẽ tăng trong khoảng từ 1-2,6 tỉ USD, trong khi các công ty nước này phải trả thêm từ 1-2,3 tỉ USD. Một số nước như Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia và Ethiopia sẽ có nguy cơ giảm 4 bậc, trong khi gần 1/3 số quốc gia được đánh giá có thể giảm hơn 3 bậc.
Tiến sĩ Patrycja Klusak- Đại học East Anglia, đồng tác giả của nghiên cứu trên nhận định rằng tình trạng mất đa dạng sinh học có thể tác động kinh tế theo nhiều cách. Một ví dụ điển hình là việc suy giảm số lượng đánh bắt cá sẽ dẫn đến cú sốc về chuỗi cung ứng quốc gia và lan sang cả những ngành khác.