Trong đại dịch Covid-19, nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, nhưng mức ô nhiễm vật chất dạng hạt-bụi mịn (PM2.5) trung bình hằng năm trong không khí gần như không thay đổi so mức năm 2019 trên toàn cầu. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy ô nhiễm không khí, ngay cả khi tiếp xúc ở mức thấp, vẫn gây tổn hại lâu dài cho sức khỏe con người.
Hiện Chính sách năng lượng (EPIC) thuộc Đại học Chicago (Mỹ), mới đây công bố báo cáo cảnh báo, ô nhiễm không khí, chủ yếu do hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch, khiến tuổi thọ trung bình của mỗi người trên toàn thế giới giảm 2,2 năm. Các thống kê của chỉ số Chất lượng không khí sống (AQLI) ước tính, ô nhiễm không khí làm mất đi 17 tỷ năm tuổi thọ tập thể của dân số thế giới. Song, nếu mức ô nhiễm không khí đáp ứng các hướng dẫn y tế quốc tế, tuổi thọ trung bình toàn cầu có thể tăng từ khoảng 72 lên 74,2 tuổi. Theo ước tính, 60% ô nhiễm không khí dạng hạt là do đốt nhiên liệu hóa thạch, 18% đến từ các nguồn tự nhiên (như bụi, muối biển hay cháy rừng) và 22% đến từ các hoạt động khác của con người.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí có thể dẫn đến đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi và các bệnh đường hô hấp. So với các nguyên nhân gây tử vong sớm khác, tác động của ô nhiễm bụi mịn PM2.5 có thể được so sánh với việc hút thuốc lá, cao gấp ba lần so với sử dụng rượu và nước không vệ sinh, gấp sáu lần so với bệnh HIV/AIDS. Theo báo cáo, khói thuốc lá trực tiếp làm giảm tuổi thọ trung bình 1,9 năm; sử dụng rượu và ma túy làm giảm tuổi thọ trung bình 9 tháng; nguồn nước không an toàn và thiếu vệ sinh làm giảm tuổi thọ 7 tháng; HIV/AIDS giảm 4 tháng; bệnh sốt rét làm giảm tuổi thọ trung bình 3 tháng; còn xung đột và khủng bố giảm 7 ngày tuổi thọ. Tuy nhiên, không giống như khói thuốc lá, ô nhiễm không khí tác động đến tất cả mọi người và gần như không thể tránh khỏi.
Năm 2013, Liên hợp quốc đã xếp bụi mịn PM2.5 vào danh sách các tác nhân gây ung thư. WHO khuyến cáo mật độ bụi mịn PM2.5 trong không khí không được vượt 15 microgam/m3 trong bất kỳ khoảng thời gian 24 giờ nào, hoặc 5 microgam/m3 tính trung bình trong cả năm. Trước những bằng chứng cho thấy tác động nghiêm trọng đến sức khỏe của ô nhiễm không khí, năm 2021, WHO đã siết chặt các tiêu chuẩn an toàn, thay đổi tiêu chuẩn hướng dẫn (từ 10microgam/m3 xuống 5 microgam/m3) cho mức phơi nhiễm ô nhiễm dạng hạt an toàn, xếp khoảng 97,3% dân số toàn cầu vào mức phơi nhiễm không an toàn.
Theo báo cáo, mật độ bụi mịn tại hầu hết tất cả các khu vực đông dân trên thế giới đều vượt quá tiêu chuẩn của WHO, trong đó châu Á ghi nhận mức cao nhất. Mật độ bụi mịn tại Bangladesh cao gấp 15 lần tiêu chuẩn của WHO, ở Ấn Độ gấp 10 lần, trong khi ở Nepal và Pakistan gấp 9 lần. Khu vực Trung và Tây Phi, cùng với phần lớn Đông Nam Á và một phần của Trung Mỹ, cũng phải đối mặt với mức độ ô nhiễm cao hơn mức trung bình toàn cầu.
Các nhà nghiên cứu tại EPIC đánh giá, tác động tồi tệ nhất của việc phơi nhiễm PM2.5 được ghi nhận ở khu vực Nam Á, nơi chiếm hơn một nửa gánh nặng ô nhiễm trên toàn thế giới. Nếu các quốc gia duy trì mức độ ô nhiễm cao như hiện nay, cư dân khu vực này dự kiến sẽ mất trung bình khoảng 5 năm tuổi thọ. Theo nghiên cứu, cư dân sinh sống tại các thành phố lớn của Đông Nam Á có thể mất trung bình 3 đến 4 năm tuổi thọ.
Hơn 97% khu vực Trung và Tây Phi cũng thuộc diện không an toàn theo khuyến cáo mới của WHO. Mặc dù các biện pháp mạnh mẽ đã giúp giảm ô nhiễm dạng hạt ở cả Mỹ và châu Âu, nhưng khoảng 95,5% dân số không được đáp ứng theo tiêu chuẩn của WHO. Tại Mỹ, mức ô nhiễm bụi mịn trung bình là 7,1microgam/m3, cao hơn mức 5microgam/m3 tiêu chuẩn, trong khi ở châu Âu là 11,2 microgam/m3.
Các chuyên gia nhận định, việc tích hợp các tiêu chuẩn an toàn mới với chỉ số AQLI sẽ thúc đẩy nhận thức rõ hơn về chi phí thực sự mà toàn cầu phải trả khi hít thở không khí ô nhiễm. Kết luận báo cáo, giáo sư Michael Greenstone (M.Grin-xtôn), người đồng sáng tạo chỉ số AQLI nhấn mạnh, vấn đề ô nhiễm không khí cần được coi là một tình huống khẩn cấp toàn cầu.