Ngày 27/6, bà Michelle Bachelet, người đứng đầu cơ quan nhân quyền của Liên Hợp Quốc cho biết, mặc dù, biến đổi khí hậu đe dọa tất cả mọi người, nhưng phụ nữ và trẻ em gái thường phải gánh chịu những hậu quả khắc nghiệt nhất và bạo lực nhất của biến đổi khí hậu.
Trao đổi với Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Geneva (Thụy Sĩ), bà Michelle Bachelet cho biết: “Mặc dù, tôi đánh giá cao sự quan tâm của quốc tế về tác động của biến đổi khí hậu đối với phụ nữ và trẻ em gái trong thập kỷ qua, nhưng chúng ta cũng phải khẩn trương tập trung vào vấn đề bạo lực nghiêm trọng đối với họ, vốn đã trở nên trầm trọng hơn bởi cuộc khủng hoảng khí hậu”.
Các quốc gia đang xem xét vấn đề này trong khuôn khổ cuộc thảo luận thường niên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc về quyền của phụ nữ kéo dài cả ngày.
Chuyển từ lời nói thành hành động cụ thể
Bà Bachelet cho rằng, cuộc khủng hoảng khí hậu đang khiến cuộc sống của phụ nữ gặp nguy hiểm, cho dù họ đang chạy trốn thiên tai hay lên tiếng phản đối tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Bà nhấn mạnh sự cần thiết phải có hành động mạnh mẽ hơn.
“Cần phải thảo luận, đánh giá và phân tích sâu hơn về những vấn đề này. Nhưng nếu chúng ta không chuyển từ biện pháp hùng biện sang hành động cụ thể, cuộc sống, sự an toàn và phẩm giá của hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái sẽ tiếp tục mất cân bằng”, bà Bachelet nhấn mạnh.
Dẫn số liệu từ Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), bà Bachelet cho biết, phụ nữ chiếm 80% trong số những người chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Việc dời chỗ ở khiến họ có nguy cơ bị bạo lực cao hơn nhiều, bao gồm cả bạo lực tình dục.
Bà Bachelet cho biết thêm: “Trong khi họ ngủ, giặt giũ, tắm rửa hoặc mặc quần áo trong những nơi trú ẩn khẩn cấp, lều hoặc trại, nguy cơ bạo lực tình dục là một thực tế bi thảm trong cuộc sống của họ khi họ là người di cư hoặc người tị nạn. Thêm vào đó, nguy cơ buôn bán người và trẻ em, kết hôn sớm và ép buộc ngày càng gia tăng, những điều mà phụ nữ và trẻ em gái đang di cư phải chịu đựng”.
Bà đã liệt kê các ví dụ về nơi mà điều này đã xảy ra, chẳng hạn như sau cơn bão Katrina, cơn bão hủy diệt và gây chết người đã tấn công miền Nam nước Mỹ vào năm 2005, đặc biệt là thành phố New Orleans. Tỷ lệ những phụ nữ bị cưỡng hiếp chuyển đến các nhà di dộng đã tăng gần 54 lần so với tỷ lệ cơ bản ở bang Mississippi (Mỹ) trong năm đó. Nepal cũng chứng kiến tình trạng buôn người tăng gấp 4 lần sau trận động đất năm 2015.
Hơn nữa, khi biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến nông nghiệp, những suy thoái kinh tế xã hội tác động đến phụ nữ và trẻ em gái khiến họ dễ bị tổn thương hơn trước các mối đe dọa như bạo lực gia đình, kết hôn sớm hoặc ép buộc, buôn bán và ép buộc mại dâm.
Những phụ nữ phải di dời thuộc nhóm người LGBTQI (đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới, đồng tính hoặc khác giới) cũng có nhiều khả năng đối mặt với nguy cơ bị lạm dụng bạo lực hơn.
Trong khi đó, hàng nghìn phụ nữ trên toàn cầu cũng đang lên tiếng đấu tranh với biến đổi khí hậu, trong đó có những người bảo vệ quyền môi trường – những người đang làm việc để bảo vệ đất đai, nước, thiên nhiên và cộng đồng.
Bà Bachelet cho biết: “Họ bị hình sự hóa và im lặng. Họ bị đe dọa và kỳ thị. Họ có thêm nguy cơ bị bạo lực trên cơ sở giới. Và nhiều người thậm chí đã bị giết”.
Bà cho rằng, ở cả Mexico và Trung Mỹ, gần 1.700 hành vi bạo lực đã được ghi nhận đối với những người bảo vệ quyền môi trường cho phụ nữ từ năm 2016 đến năm 2019.
Xác nhận mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và bạo lực với phụ nữ
Bà Bachelet kêu gọi đặt quyền của phụ nữ và trẻ em gái là “trung tâm” trong các chính sách về biến đổi khí hậu. Bà nêu ra 5 bước mà các quốc gia có thể thực hiện, bắt đầu bằng việc thừa nhận rằng biến đổi khí hậu và bạo lực đối với phụ nữ có mối liên hệ với nhau.
Phụ nữ cũng phải tham gia đầy đủ vào việc ra quyết định về vấn đề khí hậu, vì những hiểu biết, kinh nghiệm sống và hướng dẫn của họ sẽ dẫn đến việc bảo vệ quyền tốt hơn cũng như hành động khí hậu hiệu quả hơn. Các chính phủ cũng sẽ phải tăng cường các chính sách và chương trình giảm nhẹ rủi ro thiên tai và môi trường chịu trách nhiệm về giới.
Bà Bachelet nói: “Điều này sẽ liên quan đến việc đảm bảo sự lãnh đạo của phụ nữ trong quản lý rủi ro thiên tai, cung cấp đủ nguồn lực tài chính và áp dụng các cơ chế giám sát hiệu quả. Điều đó ngụ ý đảm bảo rằng, trong thời điểm thiên tai, phụ nữ được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sức khỏe tình dục và sinh sản, hỗ trợ các dịch vụ, nơi ở và an ninh”.
Người đứng đầu cơ quan nhân quyền của Liên Hợp Quốc kêu gọi các quốc gia tăng cường trách nhiệm giải trình, bởi vì không có trách nhiệm nào đối với thủ phạm bạo lực trên cơ sở giới, bất kể họ là vợ/chồng, thành viên gia đình, lãnh đạo tôn giáo, nhân viên cứu trợ hay quan chức chính phủ.
Cuối cùng, các chính phủ phải thực hiện các bước khẩn cấp để tôn trọng, bảo vệ và thực hiện các nghĩa vụ về quyền con người của họ đối với phụ nữ và trẻ em gái, và đặc biệt là đối với các nhà hoạt động môi trường là phụ nữ.
“Điều này bao gồm việc đảm bảo quyền tự do ngôn luận, hội họp, lập hội và tham gia vào quá trình ra quyết định ở tất cả các cấp và họ cũng phải cung cấp cho phụ nữ cách khắc phục và chịu trách nhiệm về các mối đe dọa và tổn hại mà họ phải chịu đựng”, lãnh đạo cơ quan nhân quyền của Liên Hợp Quốc nhấn mạnh.