Việc đề xuất xây cầu Mã Đà và làm đường quốc lộ sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng lõi của Khu Dự trữ Sinh quyển Đồng Nai do hệ sinh thái bị chia cắt.
Văn phòng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) tại Việt Nam vừa có công văn phản hồi UBND tỉnh Đồng Nai về dự án xây cầu Mã Đà nối Đồng Nai – Bình Phước và làm đường quốc lộ xuyên qua vùng lõi Khu dự trữ Sinh quyển thế giới.
UNESCO cho biết nhận được các kế hoạch xây dựng cầu Mã Đà kết nối tỉnh Đồng Nai và Bình Phước và làm khoảng 40 km quốc lộ đi qua Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai, là vùng lõi của Khu Dự trữ Sinh quyển Đồng Nai. Các Khu Dự trữ Sinh quyển được công nhận bởi UNESCO theo đề nghị của các Quốc gia, là nơi bảo tồn đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên – mục tiêu của vùng lõi Khu Dự trữ Sinh quyển.
Việc đề xuất xây dựng quốc lộ sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng lõi của Khu Dự trữ Sinh quyển Đồng Nai do hệ sinh thái bị chia cắt dẫn đến mất tính liên tục. Sự liên kết của các hành lang đa dạng sinh học bị phá vỡ sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài động vật quý hiếm và sẽ là nguyên nhân dẫn đến cái chết của động vật hoang dã do phương tiện lưu thông trên đường.
Ngoài ra, UNESCO nhận định việc này sẽ gây ra ô nhiễm đất, nước và không khí do quá trình xây dựng đường và các tác động khác do gia tăng các hoạt động của con người. Những tác động này sẽ dẫn đến suy thoái môi trường, sinh cảnh, mất đa dạng sinh học và không đáp ứng được các tiêu chí cũng như chức năng của vùng lõi của Khu Dự trữ Sinh quyển.
Hơn nữa, theo như các văn bản nêu trên, dự án xây dựng cầu Mã Đà và quốc lộ xuyên khu bảo tồn sẽ vi phạm các mục tiêu về bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học của pháp luật Việt Nam. Điều này sẽ không đáp ứng được tiêu chí của Mạng lưới các Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới và sẽ bị xóa tên khỏi danh sách Mạng lưới các Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận, sau đó sẽ bị thu hồi danh hiệu Khu Dự trữ Sinh quyển.
“Được biết rằng các bên liên quan chính cũng bày tỏ sự lo ngại về dự án này, đặc biệt là lãnh đạo tỉnh Đồng Nai. Do đó, việc thực hiện một dự án gây tranh cãi như vậy sẽ không tuân thủ các nguyên tắc quản trị của một Khu Dự trữ Sinh quyển. Vì đề xuất xây dựng cầu Mã Đà và quốc lộ qua lõi của Khu Dự trữ chỉ là một trong 4 phương án nên Ban Thư ký MAB khuyến nghị các cơ quan chức năng không xem xét lựa chọn phương án đi qua vùng lõi Khu Dự trữ Sinh quyển Đồng Nai”- công văn UNESCO nêu rõ.
Trước đó, như PLO đã đưa, UBND tỉnh Bình Phước đề xuất Chính phủ phê duyệt phương án mở rộng đường ĐT 753 và xây dựng cầu Mã Đà kết nối với tỉnh Đồng Nai. Theo đó, tuyến đường ĐT 753 sẽ kết nối với đường ĐT 761, sau đó nâng cấp thành quốc lộ 13C đi qua vùng lõi khu bảo tồn đến quốc lộ 1 (thuộc huyện Trảng Bom, Đồng Nai).
Tuy nhiên tỉnh Đồng Nai cương quyết không đồng ý với đề xuất của tỉnh Bình Phước. Tỉnh Đồng Nai chỉ đồng ý làm theo phương án kết nối tuyến ĐT.753 với đường Đồng Phú – Bình Dương và đường Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng kết nối về đường Vành đai 4 TP.HCM (qua Bình Dương).
Tuyến này tận dụng được các tuyến đường theo quy hoạch của tỉnh Bình Phước và Bình Dương. Cự ly kết nối từ TP Đồng Xoài đến đường Vành đai 4 ngắn nhất. Sau khi đường Vành đai 4 TP.HCM được đầu tư hoàn thành thì đây là phương án rất tốt về mặt giao thông để kết nối đến cảng biển Cái Mép – Thị Vải, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các tỉnh trong Vùng Kinh tế trọng điểm Phía Nam.