Trước xu thế phát triển bền vững, ngành nông nghiệp Việt Nam hướng đến mục tiêu kép, vừa giảm phát thải khí nhà kính, vừa nắm bắt cơ hội từ thị trường tín chỉ carbon.
Bỏ lỡ hàng trăm triệu USD từ thị trường tín chỉ carbon
Với mục đích hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến, tham gia vào hệ thống chứng nhận mô hình sản xuất carbon thấp và thị trường tín chỉ carbon đầy tiềm năng, ngày 28/6 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Công ty Cổ phần Đại Thành và Công ty Carbon Friendly tổ chức hội thảo “Hợp tác nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị nông sản bền vững toàn cầu thông qua hệ thống chứng nhận và thị trường tín chỉ Carbon”.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu với sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan và tình trạng nước biển dâng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững, thậm chí đe dọa sự tồn vong của quốc gia và cộng đồng dân cư. Hiện nay, Việt Nam đã và đang chủ động, tích cực tìm kiếm các giải pháp cụ thể, thiết thực và hiệu quả để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo đó, Việt Nam cùng gần 180 quốc gia đã tham gia vào Công ước khí hậu ký vào tháng 4/2016 tại Trụ sở của Liên Hợp Quốc. Ngày 3/11/2016, Thông báo Thỏa thuận Paris thực hiện Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt và chính thức gửi lên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, trong đó cam kết cắt giảm 8% phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, với mục tiêu cắt giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, thông qua Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và Chiến lược Tăng trưởng xanh.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ các cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia cam kết giảm phát thải khí metan toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010, 141 quốc gia tham gia tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất cùng gần 50 quốc gia tham gia tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.
Chính phủ Việt Nam đã xây dựng lộ trình triển khai các chiến lược, kế hoạch, chương trình thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn kết với phát triển kinh tế – xã hội, phù hợp với xu thế chung của thế giới về áp dụng các tiêu chuẩn trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, từ đó giúp nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu và quảng bá thương hiệu Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cụ thể, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định thị trường tín chỉ carbon Việt Nam là một trong những công cụ kinh tế cần được quan tâm phát triển.
“Trên thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất và thương mại tín chỉ carbon trên các sàn giao dịch quốc tế, song những giao dịch này chưa được chú ý nhiều, dẫn tới nguy cơ bỏ lỡ khoảng 57 triệu tín chỉ carbon với giá trị lên tới hàng trăm triệu USD”, ông Hoàng Quang Phòng phân tích.
Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí carbon dioxide (CO2) hoặc một tấn khí carbon dioxide tương đương (CO2e). Nói cách khác, tín chỉ carbon là thuật ngữ chung cho tín chỉ có thể kinh doanh hoặc giấy phép đại diện cho 1 tấn carbon dioxide (CO2) hoặc khối lượng của một khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2 (tCO2e). Việc mua bán sự phát thải khí CO2 hay mua bán carbon trên thị trường được thực hiện thông qua tín chỉ. |
Ngành nông nghiệp trước mục tiêu kép
Đứng trước xu hướng phát triển một nền kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững, ngành nông nghiệp Việt Nam là một trong những mắt xích quan trọng khi phải hướng đến mục tiêu kép. Đó là vừa giảm phát thải khí nhà kính, vừa nắm bắt những cơ hội, tiềm năng lớn đến từ thị trường tín chỉ carbon.
Chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam bên lề hội thảo, ông Nguyễn Đức Trường, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Thành đánh giá, hiện nay Việt Nam là một trong những quốc gia có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn, ngoài sản xuất lúa, còn có nhiều diện tích trồng rừng cũng như cây ăn quả. Thực tế cho thấy, quá trình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam đang lạm dụng các sản phẩm phân bón và thuốc BVTV hóa học, qua đó tác động mạnh đến tình trạng phát thải khí nhà kính.
“Xu hướng toàn cầu hiện nay là hướng đến việc giảm phát thải khí nhà kính xuống mức 0%, Chính phủ Việt Nam cũng đã có những cam kết với thế giới về vấn đề này. Để thực hiện được mục tiêu đó, ngành nông nghiệp Việt Nam cần ứng dụng những phương pháp, công nghệ mới trong sản xuất. Ví dụ như sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón sinh học để giúp giảm thiểu lượng phân bón cần thiết. Phân bón hữu cơ, phân bón sinh học cũng chứa những sinh vật có lợi cho môi trường, qua đó không làm phát thải khí nhà kính”, ông Nguyễn Đức Trường phân tích.
Bên cạnh đó, ông Trường cũng chỉ ra việc ứng dụng máy bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp cũng là một giải pháp giúp giảm phát thải khí nhà kính. Theo đó, máy bay không người lái sẽ sử dụng nhiên liệu là pin, không sử dụng nhiên liệu hóa thạch như xăng, dầu…, qua đó cắt giảm một lượng lớn phát thải khí nhà kính.
Ngoài ra, trong sản xuất lúa gạo ở Việt Nam, đặc biệt là khu vực sản xuất lớn như ĐBSCL, việc ứng dụng máy bay không người lái sẽ hỗ trợ người nông dân tự động hóa hoàn toàn các công đoạn gieo giống, phun dung dịch, rải phân… Nhờ đó, nông dân có thể cắt giảm một lượng lớn, ít nhất là 20% thuốc BVTV trong sản xuất.
Đánh giá về tiềm năng của Việt Nam trong việc tham gia thị trường tín chỉ carbon, ông Nguyễn Đức Trường nhận định, do có diện tích sản xuất nông nghiệp cũng như diện tích trồng rừng, trồng cây ăn quả lớn như vùng ĐBSCL, ĐBSH… nên nền nông nghiệp nước ta có tiềm năng rõ rệt trong lĩnh vực này.
Theo đó, tại hội thảo, đại diện Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã chỉ ra 3 đối tượng có thể tham gia thị trường carbon trong nước. Một là các cơ sở thuộc danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Hai là tổ chức tham gia thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước, quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Ba là tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon trên thị trường carbon.
Theo Cục Biến đổi khí hậu, để có thể giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, cần có các biện pháp chính sách, quản lý hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực, cấp cơ sở; công nghệ, quy trình sản xuất, dịch vụ ít phát thải khí nhà kính; các cơ chế, phương thức hợp tác về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. |