NATO sẽ phấn đấu giảm ít nhất 45% lượng phát thải khí nhà kính ở cả lĩnh vực dân sự và quân sự vào năm 2030, đồng thời đạt trung hòa carbon vào giữa thế kỷ này.
Trên đây là mục tiêu khí hậu đầu tiên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được Tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg, công bố trong bài phát biểu bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO ở thủ đô Madrid, Tây Ban Nha ngày 28/6.
Mặc dù thừa nhận việc thực hiện sẽ không hề dễ dàng, song ông Stoltenberg cho rằng mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được.
Với cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, NATO đã chính thức tham gia vào tiến trình hiện thực hóa tham vọng của Thỏa thuận Paris là hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5oC.
Mục tiêu nói trên của NATO đề cập đến các tài sản riêng của khối như máy bay giám sát AWACS, máy bay không người lái (căn cứ tại Italia), trụ sở chính ở Brussels cũng như các căn cứ quân sự NATO ở những nơi khác như Mons (Bỉ), Naples (Italia), hay Brunssum (Hà Lan) .
Ngoài ra, NATO cũng sẽ giúp đỡ các đồng minh giảm lượng khí thải carbon trong các hoạt động quân sự của những nước này.
Theo một nghiên cứu được Nghị viện châu Âu (EP) thực hiện năm 2021, lượng phát thải carbon của quân đội các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) năm 2019 đạt khoảng 24,8 triệu tấn CO2 quy đổi, tương đương với lượng khí thải CO2 từ khoảng 14 triệu chiếc ô-tô.
Ông Stoltenberg cho biết, việc giảm phát thải khí nhà kính từ các hoạt động quân sự không chỉ mang lại lợi ích về mặt môi trường mà còn giúp cải thiện các phương tiện quân sự.
“Tôi tin rằng trong tương lai, những phương tiện quân sự tiên tiến nhất và những lực lượng vũ trang kiên cường nhất sẽ là những phương tiện và lực lượng không phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch”, Tổng thư ký NATO cho hay.