Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị áp một loại thuế nhập khẩu liên quan đến phát thải các-bon trong sản xuất và dự kiến trở thành rào cản không nhỏ cho doanh nghiệp. Thông tin được đưa ra tại Hội thảo Tập huấn “Tổng quan về các yêu cầu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và Cơ chế các-bon: Thách thức và Giải pháp ban đầu cho doanh nghiệp” sáng 28/6, tại TP. Hồ Chí Minh.
Theo ông Rasmus Nedergaard – chuyên gia về năng lượng tái tạo của Tổ chức Act Renewable có trụ sở tại CHLB Đức, EU đang tiến hành kế hoạch để đạt được mục tiêu tham vọng trở thành lục địa trung hòa khí hậu vào năm 2050. Tuy nhiên, các doanh nghiệp EU có thể chuyển những hoạt động sản xuất phát thải nhiều các-bon ra nước ngoài để tranh thủ các tiêu chuẩn còn lỏng lẻo, hay còn gọi là “rò rỉ các-bon”.
Để ngăn chặn nguy cơ này, EU quyết định sẽ cân bằng giá carbon giữa sản phẩm nội địa và nhập khẩu bằng Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM). CBAM sẽ áp giá các-bon cho hàng nhập khẩu dựa trên cường độ phát thải KNK của quy trình sản xuất. Cơ chế này có thể ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu của một số nước khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Các đơn vị nhập khẩu tại EU sẽ mua chứng chỉ các-bon tương ứng với giá các-bon phải trả nếu hàng hóa được sản xuất theo quy tắc định giá các-bon của EU. Cơ quan quản lý CBAM cấp EU duy nhất là Ủy ban Môi trường, Sức khỏe cộng đồng và An toàn thực phẩm (ENVI) của Nghị viện Châu. Các quốc gia ngoài EU có chính sách định giá các-bon rõ ràng (ví dụ, thuế carbon hoặc thị trường các-bon ETS) có thể được miễn trừ CBAM cho 1 số hàng nhập khẩu cụ thể. Giai đoạn chuyển tiếp trước khi chính thức áp dụng quy định này tính ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024.
Bước đầu, đối tượng áp dụng là hàng hóa của các ngành: điện, sắt thép, phân bón, nhôm và xi măng. Những nước chịu ảnh hưởng đầu tiên từ cơ chế này là 5 đối tác thương mại hàng đầu tại châu Á của EU gồm: Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.
Việt Nam là đối tác đứng thứ 11 về hàng hóa nhập khẩu vào EU. Dù hiện tại, phần lớn hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam không thuộc các nhóm này nhưng phạm vi có thể sẽ mở rộng và bao gồm nhiều sản phẩm hơn trong tương lai.
Về cơ chế cụ thể, đơn vị nhập khẩu hàng vào EU theo CBAM đăng ký với cơ quan quản lý trong nước và mua chứng chỉ CBAM. Giá của chứng chỉ dựa vào giá tín chỉ phát thải hàng tuần của ETS. Đơn vị nhập khẩu trong EU kê khai hàm lượng phát thải trong hàng nhập khẩu và giao nộp số lượng tín chỉ tương ứng của mỗi năm. Nếu đơn vị nhập khẩu chứng minh được giá các-bon đã được thanh toán khi sản xuất hàng nhập khẩu, lượng phát thải tương ứng có thể được khấu trừ. Như vậy, hàng hóa sau CBAM sẽ trở nên đắt đỏ hơn, trừ khi doanh nghiệp thực hiện cắt giảm phát thải KNK.
Mỗi quốc gia, mỗi thị trường còn có thể áp dụng những quy định khác nhau về vấn đề này nhằm đáp ứng yêu cầu, mục tiêu giảm phát thải của quốc gia đó, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiếp cận thị trường, sản xuất, kinh doanh, phân phối, tiêu thụ và xử lý sản phẩm sau tiêu dùng của doanh nghiệp. Thực tế này, đòi hỏi các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, cập nhật thông tin về các quy định, nguy cơ và giải pháp liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính tác động trực tiếp và gián tiếp tới doanh nghiệp.
Theo Bà Nguyễn Thị Hiền Trang, chuyên gia về giảm phát thải của Act Renewable: giảm phát thải chưa được nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, Việt Nam đang đi theo xu thế của thế giới, với mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kínhngày càng tham vọng. Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 đã có Điều 91 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Điều 139 quy định về tổ chức và phát triển thị trường các-bon. Mới đây, Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính Phủ đã được ban hành ngày 7/1/2022 quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Tất cả cho thấy Chính phủ đã có lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Trước mắt, đã có danh mục gần 2.000 doanh nghiệp phải thực hiện thí điểm việc báo cáo phát thải khí nhà kính vào năm 2025. Những năm tiếp theo, thị trường các-bon được hình thành, phát triển sẽ tác động sâu rộng đến nhiều mặt đời sống kinh tế của đất nước. Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất có cường độ phát thải lớn phải chuyển mình.
Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) cho biết, thực tế, tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tham gia, xây dựng và thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, đặc biệt là các hoạt động theo Cơ chế phát triển sạch CDM và Cơ chế tín chỉ chung JCM do Nhà nước quản lý. Một số cơ chế tạo tín chỉ các-bon theo hình thức tự nguyện cũng đã được nhiều tổ chức trong nước áp dụng triển khai cho các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính như Tiêu chuẩn vàng (GS), Tiêu chuẩn các-bon được thẩm tra (VCS). Tuy nhiên, nhìn chung các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam, hiện tại chưa được truyền tải các thông tin về vấn đề này một đầy đủ, trọn vẹn, cũng như thiếu sự chuẩn bị kỹ càng cho các thay đổi trong thời gian sắp tới.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ các kiến thức về thị trường các-bon một cách có hệ thống, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xác định định hướng, xây dựng tầm nhìn chiến lược tổng thể, dài hạn về các giải pháp giảm phát thải đáp ứng theo các yêu cầu của thị trường và duy trì tăng trưởng. Các doanh nghiệp đồng tình rằng, nắm bắt những yêu cầu mới trong nước và quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính góp phần giúp doanh nghiệp sớm triển khai nghiên cứu, tìm hiểu, xây dựng cho mình lộ trình, chiến lược giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao năng lực cạnh tranh, tránh được thuế, phí các-bon trong nước và các thị trường khó tính.
Hội động tập huấn nằm trong khuôn khổ Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam (USAID IPSC) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cục Phát triển doanh nghiệp) phối hợp triển khai.
Trong 5 năm (2021 – 2025), Dự án đặt mục tiêu cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho 5.000 doanh nghiệp nhỏ đang tăng trưởng nhằm giúp họ nâng cao năng suất; hỗ trợ 240 doanh nghiệp nhỏ đang tăng trưởng gia nhập thành công thị trường khu vực và quốc tế, bao gồm cả việc định vị thành công các sản phẩm mang thương hiệu Việt; 60 doanh nghiệp tiên phong được nhận các gói hỗ trợ tổng thể, chuyên biệt để tạo ra sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng và trí tuệ của người Việt Nam, định vị thương hiệu sản phẩm “Made by Viet Nam”. Dự án hiện vẫn đang tiếp nhận doanh nghiệp đăng ký tham gia tại địa chỉ website: http://growing.business.gov.vn hoặc http://ipsc.vn. |