Đất ngập nước: Người anh hùng thầm lặng của hành tinh

Các vùng đất ngập nước là một trong những hệ sinh thái quan trọng nhất của hành tinh. Các vùng đất này là thiên đường của những loài động vật hoang dã, vừa có chức năng lọc ô nhiễm vừa là kho lưu trữ carbon quan trọng.

Tuy nhiên, những vùng đất này cũng là một trong những môi trường sống bị đe dọa hàng đầu trên Trái Đất. Khoảng 85% diện tích đất ngập nước năm 1700 đã biến mất vào 2000, nhiều vùng đất ngập nước bị cạn kiệt để nhường chỗ cho phát triển kinh tế, canh tác hoặc cho các mục đích sử dụng “hiệu quả” khác. Biến mất nhanh gấp ba lần rừng, sự mất mát của các vùng đất ngập nước cho thấy mối đe dọa hiện hữu với hàng trăm nghìn loài động thực vật.

Bà Leticia Carvalho, Điều phối viên về Biển và Nước ngọt của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết: “Đất ngập nước rất quan trọng trong việc giảm thiểu và thích ứng biến đổi khí hậu, duy trì đa dạng sinh học, bảo vệ sức khỏe và sự phát triển của con người.. Để đảm bảo, các vùng đất ngập nước sẽ tiếp tục cung cấp các chức năng thiết yếu của hệ sinh thái để phục vụ cho nhu cầu của con ngườ, chúng cần phải được ưu tiên bảo vệ, phục hồi, quản lý và giám sát tốt hơn.”

Năm nay, lần đầu tiên kể từ khi được thành lập Công ước Ramsar về Đất ngập nước năm 1972, Ngày Đất ngập nước Thế giới 2/2 được xem là ngày Quốc tế của Liên hợp quốc.

Các vùng đất ngập nước, bao gồm đầm lầy và đất than bùn, là những người hùng thầm lặng của cuộc khủng hoảng khí hậu. Chúng lưu trữ lượng carbon nhiều hơn bất kỳ hệ sinh thái nào khác, chỉ riêng vùng đất than bùn đã lưu trữ carbon gấp đôi so với tất cả các khu rừng trên thế giới. Các hệ sinh thái đất ngập nước nội địa hấp thụ lượng nước dư thừa, giúp ngăn ngừa lũ lụt và hạn hán, đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cộng đồng thích ứng biến đổi khí hậu.

Đây là lý do tại sao bà Carvalho cho rằng việc bảo vệ các vùng đất ngập nước là một ưu tiên hàng đầu của UNEP và là trọng tâm đặc biệt của Thập kỷ Liên Hợp Quốc về Phục hồi Hệ sinh thái – một nỗ lực toàn cầu để bảo vệ và hồi sinh thế giới tự nhiên.

“Thật đáng khích lệ khi ngày càng có nhiều sự công nhận rằng các vùng đất ngập nước như một giải pháp vô giá dựa vào thiên nhiên. COP26 bắt đầu chú ý đến vai trò của tài chính và cam kết chính trị để bảo vệ các vùng đất này. Các vùng đất ngập nước cần phải được quan tâm, đưa vào trong các Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) và lồng ghép tốt hơn vào các kế hoạch phát triển của các quốc gia” – Bà Carvalho nói.

Các vùng đất ngập nước nhân tạo như các hồ chứa cũng mang lại lợi ích cho con người. Chẳng hạn như dự án cải thiện chất lượng nước ở các đầm phá bị ô nhiễm do phân bón ở Baltic đã sử dụng các vùng đất ngập nước giàu thực vật để loại bỏ các chất dinh dưỡng như nitơ và phốt pho.

Cuối cùng, các vùng đất ngập nước, với vô số các loài sinh vật, là đồng minh quan trọng trong cuộc chiến ngăn chặn sự mất đa dạng sinh học của con người. Hơn 140.000 loài được mô tả – gồm 55% là loài các cá – sống dựa vào môi trường nước ngọt. Các loài nước ngọt vô cùng quan trọng đối với hệ sinh thái địa phương, cung cấp nguồn thực phẩm và thu nhập cho người dân và là chìa khóa để kiểm soát lũ lụt và xói mòn. Tuy nhiên, nhiều loài ở các vùng đất ngập nước đang biến mất với tốc độ nhanh chóng hơn so với các loài trên cạn hoặc dưới biển, với gần 1/3 số loài sống ở các vùng nước ngọt đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do tình trạng xâm lấn của các loài ngoại lai, ô nhiễm, mất môi trường sống và nạn khai thác quá mức.

Tin tốt là việc bảo vệ, quản lý bền vững và phục hồi các vùng đất ngập nước đang dần có hiệu quả. Tổ chức Global Wetland Outlook cho biết việc cải thiện quản lý các vùng đất ngập nước đang mang lại những lợi ích về sức khỏe, an ninh lương thực, nước và sinh kế cho người dân, với 4 tỷ người đang sống dựa vào chúng.

Theo Mục tiêu Phát triển Bền vững số 6, tất cả các quốc gia đã cam kết bảo vệ và khôi phục các vùng đất ngập nước cho tới năm 2030, và UNEP có vai trò đặc biệt trong việc giám sát và giúp đỡ các quốc gia đạt được mục tiêu đó.

Đồng bằng Okavango ở Botswana và Pantanal ở Brazil là những ví dụ mang tính biểu tượng của vùng đất ngập nước nội địa với thảm động thực vật phong phú. Các vùng đất ngập nước có nhiều hình dạng và kích thước, chúng phải chịu áp lực từ tình trạng gia tăng dân số và phát triển kinh tế, đặc biệt là từ ngành nông nghiệp. Chúng ta hãy tìm hiểu năm vùng đất ngập nước tiêu biểu này để hiểu thêm vệ hệ sinh thái quan trọng này.

Ao cá ở Yangambi, gần Kisangani, Cộng hòa Dân chủ Congo. (Nguồn: CIFOR / Axel Fassio)

1. Đất ngập nước nhân tạo

Không phải tất cả các vùng đất ngập nước đều là đất ướt vĩnh viễn và không phải tất cả các vùng đất ngập nước đều là tự nhiên. Các vùng đất ngập nước nhân tạo, chẳng hạn như hồ chứa và ao cá, cũng giúp làm mát hành tinh và hấp thụ carbon.

Các vùng đất ngập nước nhân tạo đã tận dụng các quá trình thanh lọc tự nhiên của thảm thực vật, đất và vi khuẩn để loại bỏ các chất gây ô nhiễm từ nước thải, và khi được thiết kế phù hợp có thể trở thành điểm nóng về đa dạng sinh học và điểm dừng chân của các loài di cư.

Công nghệ chi phí tương đối thấp này giúp cải thiện an ninh nguồn nước, đóng vai trò quan trọng trong việc thích ứng biến đổi khí hậu.

Nguy cơ hỏa hoạn ở các vùng đất than bùn vùng Bắc Cực ngày càng lớn khi nhiệt độ tăng cao. (Nguồn: Greifswald Mire Center/ Hans Joosten)

2. Vùng đất than bùn Bắc Cực

Khu vực cực bắc lưu giữ gần một nửa lượng cacbon hữu cơ trong đất của Trái Đất, phần lớn ở dạng than bùn đóng băng vĩnh viễn. Bắc Cực đang chứng kiến tốc độ nóng lên toàn cầu rõ rệt, hiện có nhiều lo lắng về việc băng tan sẽ phân hủy và thải ra khối lượng lớn CO2 và khí methan nơi đây, có nguy cơ gây ra một thảm họa khí hậu toàn cầu.

Hồ nước ngọt-mặn Van – một trong những hồ nội sinh lớn nhất thế giới mà không có cửa xả. (Nguồn: Carl Campbell)

3. Hồ nước ngọt

Hầu hết các vùng đất ngập nước nội địa thuộc hệ sinh thái nước ngọt. Các hồ nước ngọt, như hồ Van ở Thổ Nhĩ Kỳ và hồ Bogoria ở Kenya, có tính kiềm mạnh và chứa nước không thể uống được, nhưng chúng cung cấp một hệ sinh thái đắt giá gồm các khoáng chất và enzym. Những môi trường sống bất thường này cũng tạo cơ hội cho việc giải trí, giáo dục và nghiên cứu.

Kole Wetlands, Thrissur, Kerala (nằm ở miền nam Ấn Độ) là một trong 47 Ramsar “có tầm quan trọng quốc tế” ở Ấn Độ. “Vùng nước ngược Kerala” là một mạng lưới các đầm phá và hồ nước lợ nằm song song với bờ biển Ả Rập. (Nguồn : Manoj Karingamadathil)

4. Đầm lầy nước mặn

Không phải tất cả các vùng đất ngập nước đều là nước ngọt. Vùng nước mặn hoặc đầm lầy thủy triều, xuất hiện ở các vùng ven biển, đặc biệt là ở các khu vực vĩ độ trung bình tới cao. Đây là môi trường sống quan trọng cho các loài động vật hoang dã, phục vụ cho quá trình sinh sản của các loài cá, lưu trữ carbon và bảo vệ bờ biển. Tuy nhiên, các vùng đầm lầy nước mặn này cũng đang bị đe dọa: “Tùy thuộc vào lượng nước biển dâng, sẽ có từ 20-90% diện tích đất ngập nước ven biển hiện tại có thể bị mất vào cuối thế kỷ này”. – Báo cáo Hòa bình với Thiên nhiên của UNEP cho biết.

Rừng đầm lầy than bùn Danau Sentarum ở tỉnh Tây Kalimantan, Indonesia. (Nguồn: CIFOR / Ramadian Bachtiar)

5. Rừng đầm lầy than bùn

Hệ sinh thái rừng đất thấp, hay rừng đầm lầy, được hình thành trên đất than bùn chủ yếu xuất hiện ở các đảo của Indonesia và Malaysia. Nhiều khu vực rừng này đã bị chặt phá và khai thác cạn kiệt để nhường chỗ cho các đồn điền trồng dầu cọ. Thời gian gần đây, giá trị của chúng đã được thừa nhận với vai trò là nơi bảo tồn động vật hoang dã và lưu trữ cacbon.

Các vùng đất than bùn chỉ bao phủ 3% bề mặt Trái Đất nhưng lại là kho lưu trữ cacbon hữu cơ trên cạn lớn nhất của hành tinh. Theo báo cáo mới đây của UNEP, bảo vệ và phục hồi các vùng đất than bùn có thể làm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu lên tới 800 triệu tấn mỗi năm – tương đương với lượng khí thải hàng năm của nước Đức.

Huyền Trang (Theo Dan Meyers)

Nguồn: