Tổ chức Khí tượng thế giới và Tổng cục Khí tượng thủy văn Việt Nam đã chính thức công bố Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét Đông Nam Á (SEAFFGS).
Ngày 28/6, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) và Tổng cục Khí tượng thủy văn Việt Nam đã chính thức ra mắt Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét Đông Nam Á (SEAFFGS).
Đây là thông tin từ hội thảo công bố Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét Đông Nam Á (SEAFFGS) và kết thúc hợp phần Đông Nam Á thuộc dự án CREWS Canada diễn ra tại Hà Nội cùng ngày.
Tham dự chương trình có gần 100 đại biểu đến từ WMO, các nước trong khu vực và đại diện của 4 nước tham gia vào Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét Đông Nam Á gồm Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia.
Cách đây 6 năm, nhờ nỗ lực của WMO và Chính phủ Canada, một hợp phần trong dự án “Xây dựng khả năng chống chịu tác động của các hiện tượng khí tượng thủy văn qua việc tăng cường các hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai ở các quốc đảo nhỏ đang phát triển và Đông Nam Á (dự án CREWS). Nội dung chính trong khuôn khổ của Chương trình này là xây dựng và triển khai SEAFFGS. Hệ thống này hoạt động sẽ mang lại lợi ích cho khu vực trong việc cảnh báo lũ quét kịp thời và chính xác hơn. |
Phát biểu tại lễ công bố SEAFFGS, GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Việt Nam, đại diện của Việt Nam tại WMO, và bà Hwirin Kim, Trưởng bộ phận dịch vụ thủy văn và tài nguyên nước (HWR) của WMO, đã nêu rõ, cộng đồng các nước khu vực Đông Nam Á sẽ có một sản phẩm về cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và tin tưởng rằng sự vận hành của hệ thống này sẽ giúp cho rất nhiều người dân được an toàn và giảm thiểu thiệt hại đáng kể về lũ quét cho khu vực. Hệ thống tích hợp nhiều nguồn dữ liệu khác nhau từ vệ tinh, radar, trạm tự động và đo đạc địa hình nhằm hỗ trợ người làm công tác dự báo có thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất hiệu quả.
Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Việt Nam cảm ơn Ban Thư ký WMO, chính phủ Canada, các dự án CREWS, Công ty HRC và 4 nước thành viên gồm: Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam vì những nỗ lực và cống hiến đáng kể trong việc phát triển sản phẩm cho khu vực. Đây là sự hợp tác thành công trên nhiều quy mô khác nhau như quy mô quốc gia, khu vực và toàn cầu. Đồng thời, đây là hệ thống thứ 15 được WMO triển khai trên toàn thế giới.
Việt Nam đã cam kết sẽ cố gắng không ngừng để vận hành và duy trì hiệu quả SEAFFGS. Đồng thời, chúng ta mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ WMO và các nước thành viên nhằm cung cấp thông tin tốt hơn về cảnh báo lũ quét và sạt lở đất. Từ đó, cùng chung sức tạo ra một nền tảng toàn cầu về Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét (FFGS), nơi các trung tâm khu vực có thể tham gia để trao đổi kinh nghiệm, kiến thức nhằm nâng cao năng lực về cảnh báo lũ quét và sạt lở đất góp phần giảm nhẹ rủi ro thiên tai và phát triển bền vững trong khu vực và tại Việt Nam.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đề cập, trao đổi quá trình triển khai thực hiện của dự án CREWS Canada, thảo luận và đánh giá những thành quả đạt được cũng như những vấn đề còn tồn tại của dự án, từ đó đúc rút bài học kinh nghiệm cho những dự án khác sẽ triển khai hoặc những giai đoạn thực hiện tiếp theo của dự án CREWS Canada. Bên cạnh đó, các quốc gia thành viên cùng trình bày quan điểm, đưa ra các ý kiến đóng góp cho hoạt động của dự án.
SEAFFGS được thiết kế và phát triển nhằm mục đích cung cấp một hệ thống công cụ hiện đại, hỗ trợ các cán bộ dự báo khí tượng thủy văn phân tích, giám sát và cảnh báo thiên tai lũ quét thông qua các dữ liệu quan trắc tự động, dữ liệu mô hình theo thời gian thực. Trong đó, bao gồm các sản phẩm chính như: Các chỉ số định hướng cảnh báo lũ quét dựa trên ngưỡng dòng chảy tràn (FFG), Chỉ số độ ẩm đẩt trung bình (ASM), Chỉ số dự báo nguy cơ lũ quét (FFFT), Chỉ số rủi ro lũ quét (FFR) và Định hướng cảnh báo sạt lở thông qua ngưỡng độ ẩm, ngưỡng sạt lở (LST).
Với đặc thù của khu vực là lũ quét, sạt lở đất thường xảy ra trên quy mô nhỏ hẹp, xuất hiện trong thời gian ngắn khi có mưa lớn kích hoạt và ảnh hưởng của nhiều nhân tố địa phương khác như: địa hình, địa chất, hoạt động kinh tế xã hội của con người trên khu vực nhỏ, lũ quét được đánh giá là loại hình thiên tai vô cùng khó khăn trong dự báo trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Hiện nay, lũ quét, sạt lở đất chưa thể dự báo được vị trí cụ thể xảy ra sạt lở, chỉ có thể cảnh báo nguy cơ theo các mức độ khác nhau tại các khu vực. Hệ thống SEAFFGS hỗ trợ các dự báo viên phân tích, cảnh báo các ngưỡng mưa, sinh lũ quét trong 1 giờ, 3 giờ, 6 giờ, vùng nguy cơ rủi ro lũ quét trong 12, 24, 36 giờ, ngưỡng sạt lở đất trong phạm vi 24 giờ và được cập nhật thường xuyên theo các khoảng thời gian tương ứng.
Việt Nam có 19 đến 21 loại hình thiên tai. Trong những năm qua, ngành khí tượng thủy văn đã quan tâm tới tất cả các loại hình này và có kế hoạch đầu tư để từng bước giải quyết những vấn đề lớn. Cái khó nhất và đe doạ nhiều nhất là bão với cường độ gió lớn, mức độ, phạm vi ảnh hưởng rộng. Công tác dự báo cường độ, quỹ đạo bão… đã được cải thiện. Thiệt hại do bão gây ra đã từng bước giảm.
Từ năm 2014, ngành khí tượng thủy văn đã đưa bản tin cảnh báo sạt lở đất vào trong bản tin hằng ngày. Việt Nam đã từng bước tiếp cận khoa học công nghệ, nghiên cứu các ngưỡng mưa, các khu vực sạt lở và đã có bản đồ phân vùng ở những nơi thường xuyên xảy ra sạt lở đất; đã có bản đồ 1/5000 đánh giá, phân vùng những nơi nguy hiểm, những nơi đe dọa đến chúng ta đã dự báo được…
“Với việc tiếp nhận vai trò Trung tâm vùng của dự án này, Việt Nam đã có 6 năm chuẩn bị, cùng các chuyên gia quốc tế đóng góp để hoàn thiện mô hình. Ngày hôm nay, chính thức mô hình này đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Chúng tôi tin rằng, trong quá trình triển khai, vấn đề cảnh báo lũ quét, sạt lở đất sẽ được nâng lên về chất lượng; khẳng định vai trò của Việt Nam trong việc đưa ra các ý kiến đối với các quốc gia về công tác dự báo khí tượng thủy văn này, để bản tin càng ngày càng chính xác hơn”- GS.TS Trần Hồng Thái nhấn mạnh.
Nhằm nâng cao năng lực cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, nhiều hoạt động khác cần thực hiện như: nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai mưa lớn, lũ trong khu vực nhỏ thông qua việc tiếp tục nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới, tiếp tục đẩy mạnh sự hợp tác giữa các quốc gia với WMO, giữa chính quyền và địa phương trong công tác chia sẻ dữ liệu địa phương, nâng cao nhận thức cộng đồng về lũ quét, sạt lở đất, xây dựng các nghiên cứu về phân vùng rủi ro thiên tai khu vực nhỏ…nhằm tăng cường chất lượng cảnh báo cho hệ thống SEAFFGS nói riêng và công tác cảnh báo lũ quét, sạt lở đất nói chung trong những năm tiếp theo.