Bức tranh về cuộc sống bị hóa đá ở đô thành Pompeii cổ đại đã được bổ sung một mẫu vật bất ngờ: một con rùa bị “ngưng đọng thời gian” suốt 2.000 năm với quả trứng nguyên vẹn trong bụng.
Theo đài BBC, một cư dân “nhập cảnh lậu” của Pompeii đã chịu chung số phận với phần còn lại của thành phố khi núi Vesuvius phun trào gần 2.000 năm trước: một con rùa đang mang thai.
Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy hài cốt của loài bò sát này bị chôn vùi dưới tro và đá, bên dưới một cửa hàng bị phá hủy nặng nề, nơi mà nó đã nằm yên kể từ năm 79 sau Công Nguyên.
Đó là một khu vực từng hứng chịu nhiều thảm họa, trước đó cư dân cổ đại của thành phố đã xây dựng lại các tòa nhà của khu phố này khi một trận động đất trước đó tàn phá Pompeii vào năm 62 sau Công Nguyên.
Con rùa được mô tả là gây bất ngờ cho các nhà khoa học. Nó có chiều dài mai khoảng 14 cm. Khi nhấc lớp vỏ lên, bên dưới còn nguyên bộ xương và một quả trứng có vỏ màu nâu nhạt.
Rõ ràng nó đang tìm kiếm một nơi bình yên để đẻ trứng, sau đó bị hóa đá bất ngờ, nhanh chóng, y như đa số mọi người và động vật ở Pompeii – có khi 2.000 năm sau vẫn giữ nguyên tư thế mà họ đang làm dang dở khi còn sống.
Nhà khảo cổ học Mark Robinson của Đại học Oxford – Anh, người đã phát hiện ra hài cốt của một con rùa khác tại một địa điểm gần Pompeii vào năm 2002, nói với BBC rằng có hai lời giải thích về việc loài bò sát này đã đến đó như thế nào.
“Một là nó là một con rùa cưng có thể đã trốn thoát và tìm đường tới những tàn tích của trận động đất lớn. Một khả năng có thể xảy ra hơn là đó là một con rùa từ vùng nông thôn gần đó đã lang thang vào thành phố cổ đại”” – ông nói.
“Pompeii về cơ bản đã bị đắm và không phải nơi nào cũng có thể được xây dựng lại sau trận động đất. Hệ thực vật và động vật từ vùng nông thôn xung quanh đã di chuyển vào thị trấn.”
Các chuyên gia cho rằng phát hiện này minh chứng cho sự phong phú của hệ sinh thái tự nhiên ở Pompeii trong thời kỳ sau trận động đất.
Tổng giám đốc của Công viên Khảo cổ Pompeii Gabriel Zuchtriegel cho biết: “Cả thành phố là một công trường xây dựng, và rõ ràng là một số không gian không được sử dụng đến mức các loài động vật hoang dã có thể đi lang thang, xâm nhập và cố gắng đẻ trứng của chúng”.
Rất tiếc sau những nỗ lực khôi phục thành phố, cư dân Pompeii vẫn phải hứng chịu “ngày tận thế” thảm khốc hơn chưa đầy 2 thập kỷ sau đó – thảm họa núi lửa khiến toàn bộ thành phố bị chôn vùi tích tắc bởi tro bụi nóng.