Biên phòng – Bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) được coi là “hoan tiệc” của các loài chim bản địa và cả những loài chim di cư theo mùa. Và tất nhiên, nơi đó không thể thiếu những “tay máy” từ khắp nơi đổ lên Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà tìm “vận may”. Đó là những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc đẹp nhất về các loài chim đặc hữu, quý hiếm hay di cư ở vùng đất này.
Miền “hoan tiệc” của các loài chim
Nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng gần 10km về phía Đông Bắc, bán đảo Sơn Trà thật sự là “lá phổi xanh” của Đà Nẵng. Nơi đây cũng là ngôi nhà chung của rất nhiều loại động vật như voọc chà vá chân nâu, các loại chim quý hiếm đã được đưa vào Sách đỏ.
Sơn Trà mang vẻ đẹp riêng vào từng thời điểm khác nhau. Cảnh rừng thàn mát rực sắc tím vào tháng 5, chàng ràng đầy trái chín vào tháng 7 hay rừng chò nảy lộc đỏ vàng lúc cuối Thu làm bức tranh phong cảnh nơi đây phong phú quanh năm. Không chỉ có loài khỉ vàng, voọc chà vá chân nâu, mà rừng nguyên sinh ở bán đảo Sơn Trà còn có vô vàn các loài chim.
Trên những rặng cây, khi những cơn mưa cuối cùng của mùa mưa trút xuống, rũ bỏ đi khối mây u đục ngự trị tầng không, bầu trời trong xanh với nắng vàng và biển biếc, đây là thời điểm các loài chim đua nhau “khoe” giọng hót để khẳng định sự hiện diện, làm chủ một khu vực lãnh thổ và thu hút sự chú ý của bạn đời. Đó cũng chính là thời điểm thích hợp nhất để các “tay máy” từ khắp nơi đổ lên Sơn Trà săn tìm những tấm hình ghi lại khoảnh khắc đẹp nhất về cuộc sống của các loài chim quý hiếm, đặc hữu.
Nhiếp ảnh gia Bùi Thanh Lang, một tay máy chuyên săn voọc chà vá chân nâu chia sẻ: “Đây là vùng nhiều năm qua đang thu hút nhiều “tay máy” từ khắp nơi đổ về đây “ăn dầm, ở dề” nhiều ngày với mong muốn nhìn thấy, lắng nghe các loài chim quý hiếm cất tiếng hót và ghi lại những khoảnh khắc đẹp nhất. Kinh nghiệm săn ảnh voọc chà vá chân nâu thì đã nhiều người chia sẻ, nhưng săn ảnh chim thì có vẻ khó hơn, bởi chim là loài rất nhạy bén, bay nhanh, để có thể có ảnh đẹp thật sự, có khi chụp cả ngàn tấm mới chọn ra được vài tấm. Săn ảnh chim ở Sơn Trà không đơn giản chỉ là một lần cầm máy ảnh lên, đi quanh một vòng là có thể có ảnh đẹp, mà đó là cả quá trình đòi hỏi nhiếp ảnh gia phải kiên nhẫn, có kinh nghiệm, tập trung tối đa và đương nhiên, cần phải có một bộ “đồ nghề” thật tốt”.
Anh Trương Huỳnh Sơn, phóng viên ảnh và là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Đà Nẵng dù công việc khá bận bịu, nhưng anh vẫn thường xuyên lên Sơn Trà, rong ruổi trong các tàng cây để tìm hiểu về các loại chim quý. Anh Trương Huỳnh Sơn cho biết, săn ảnh chim quý là đam mê từ lâu của anh. Hơn chục năm qua, mặc dù công việc rất bận rộn nhưng mỗi dịp có điều kiện, anh lại tìm tới Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà để thỏa mãn đam mê. Hàng nghìn bức ảnh về khoảnh khắc của các loài chim đã được anh Trương Huỳnh Sơn ghi lại.
Còn nhiếp ảnh gia Đinh Dũng (Kon Tum) cũng thường cùng nhóm nhiếp ảnh tìm tới Sơn Trà vào những dịp thuận lợi để săn chim quý. Anh Đinh Dũng chia sẻ, với những người săn chim thì trước ngày lên đường vào rừng “săn” chim, bắt buộc kiểm tra kỹ những dụng cụ cần thiết để đảm bảo cho một chuyến đi gặt hái được nhiều thành quả, dĩ nhiên, không thể thiếu những chiếc máy ảnh “khủng” với đủ loại ống kính trị giá hàng trăm triệu đồng.
Anh Dũng cho biết: “Nếu muốn đi nghe chim hót và ghi lại những khoảnh khắc đẹp về nó, nên tránh đi vào mùa chim kết đôi, sinh sản (thường là tháng 4 tới tháng 10 hằng năm). Đây là thời điểm các loài chim thường ít hót và có hót cũng không hay. Về hình thức bề ngoài (lông chim) thì thường xấu hơn, do hầu hết các loại chim vào mùa sinh sản đều “bận” kiếm mồi, nuôi con, không có thời gian rảnh để trau chuốt bản thân và bộc lộ giọng hót…”. Hệ chim ở bán đảo Sơn Trà rất đa dạng, từ các loài định cư như bói cá, hút mật, gà lôi, gà rừng, gà nước, sơn ca, họa mi, hoét đá cho đến các loài di cư như chìa vôi núi, oanh mặt đỏ Nhật, oanh đuôi cụt lưng xanh…
Góp phần bảo tồn động vật hoang dã
Với những “tay máy” yêu quý các loài chim thì hành trình đi “săn” chim quả là gian nan. Nếu không có sức khỏe để leo rừng và đam mê, rất khó có đủ kiên trì để vượt qua những thách thức suốt hành trình dài. Cách duy nhất để đi “săn” chim là lặng lẽ đi bộ len lỏi trong các cánh rừng già và căng hết các giác quan để lắng nghe, quan sát.
Kinh nghiệm của các “tay máy” và sự may mắn cũng là những điều kiện quan trọng góp phần vào sự thành công hay thất bại của một chuyến đi “săn” chim trong rừng. Như anh Bùi Thanh Lang chia sẻ, thực tế, phần lớn các chuyến đi “săn” chim quý hiếm của những người có đam mê này thường phải về tay không. Tất cả nhờ vào sự ngẫu nhiên và may mắn.
Thông thường, đồ nghề “săn” chim ngoài máy ảnh, ống kính, còn có các loại trang phục đi rừng, lều bạt, các loại thuốc chống côn trùng. Vì để “săn” được chim, có khi phải nằm cả ngày trong rừng, không thể tránh khỏi côn trùng hay thú dữ. Đặc biệt là những bộ đồ ngụy trang, hay những lều bạt ngụy trang cây rừng là cực kỳ cần thiết để tránh bị chim phát hiện và bay mất. Cách duy nhất của những người đi “săn” chim là ẩn mình di chuyển dưới các lùm cây, tiến sát lại vị trí đôi chim đang nhảy nhót, tắm nắng, trau chuốt lại bộ lông sau một đêm nghỉ ngơi. Và khi “cảm giác” có thể chụp được, thì những chiếc máy ảnh với ống kính tiêu cự 200-500mm sẵn sàng “bắn” liên thanh để bắt những khoảnh khắc quý giá nhất, có thể sẽ không bao giờ thấy lại được nữa.
“Rừng Sơn Trà có những loài chim bản địa và có cả những loài chim di cư theo mùa. Có những loài hiếm và rất hiếm. Đặc điểm thành phần và cấu trúc khu hệ chim có khá nhiều điểm khác biệt so với những khu hệ chim rừng ở vùng đồng bằng, bình nguyên, vùng chân núi khác của Việt Nam. Sơn Trà đang trở thành nơi tìm đến nghiên cứu, khám phá của các nhà điểu học và người đam mê ngắm chim ngoài tự nhiên. Như loài cao cát phương Đông, một loài chim mỏ sừng nhỏ ở châu Á, rất ít khi về Sơn Trà; ghi nhận nó vào năm 2019 đến nay, chưa thấy về lại” – anh Trương Huỳnh Sơn, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Đà Nẵng cho biết.