Báo cáo mới đây của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho hay tốc độ mất rừng đã chững lại gần 30% trong giai đoạn từ năm 2010-2018. Tuy nhiên, những cánh rừng mưa nhiệt đới trên trái đất vẫn đang ở nguy cơ đáng báo động do nạn chăn thả gia súc ở Nam Mỹ và việc mở rộng diện tích các đồn điền cọ ở châu Á. Báo cáo quan trọng này không chỉ cung cấp những số liệu cập nhật mà còn giúp dự đoán chính xác xu hướng và nguyên nhân gây mất rừng.
Tình trạng mất rừng hàng năm giảm khoảng 29% từ 11 triệu ha/năm trong thập kỷ trước (2000 – 2010) xuống còn 7,8 triệu ha mỗi năm trong giai đoạn 2010 – 2018 – Theo số liệu của Chương trình Đánh giá Tài nguyên rừng toàn cầu của FAO.
Diện tích rừng mất đi thực tế đã giảm hơn một nửa trong giai đoạn khảo sát, giảm từ 6,8 triệu ha/năm trong giai đoạn 2000-2010 xuống còn 3,1 triệu ha/năm trong giai đoạn 2010-2018.
Xét theo khu vực, tỷ lệ phá rừng cao nhất trong giai đoạn 2000-2018 xảy ra ở Nam Mỹ với 68 triệu ha rừng bị phá, tiếp đến là Châu Phi với 49 triệu ha. Mặc dù thực tế tốc độ mất rừng ở Nam Mỹ cũng như ở Nam và Đông Nam Á giai đoạn 2000-2010 và 2010-2018 đã chậm lại.
Rừng nhiệt đới chiếm hơn 90% tổng số vụ phá rừng toàn cầu từ năm 2000 đến năm 2018 với diện tích 157 triệu ha – tương đương diện tích Tây Âu. Tuy nhiên, nạn phá rừng hàng năm ở các khu vực nhiệt đới đã chậm lại đáng kể từ 10,1 triệu ha mỗi năm trong giai đoạn 2000-2010 xuống còn 7 triệu ha mỗi năm trong giai đoạn 2010–2018.
Bà Maria Helena Semedo, Phó Tổng Giám đốc FAO cho biết: “Báo cáo này rất quan trọng, cung cấp những số liệu cập nhật và chúng ta biết về xu hướng và nguyên nhân dẫn đến nạn phá rừng, đồng thời cho phép chúng ta theo dõi mọi thứ đang tiến triển như thế nào. Phát triển nông nghiệp không bền vững và sử dụng đất sai mục đích tiếp tục gây áp lực lớn lên rừng, đặc biệt là ở các quốc gia chậm phát triển. Tuy nhiên, có những giải pháp đôi bên giúp chúng ta mở rộng diện tích canh tác mà không phải hủy hoại rừng.”
Nguyên nhân chính dẫn đến phá rừng
Việc mở rộng diện tích đất trồng trọt (trong đó có trồng cọ dầu) là nguyên nhân chính dẫn đến nạn phá rừng, gây ra gần 50% vụ phá rừng toàn cầu; tiếp theo là chăn thả gia súc, chiếm 38,5%. Chỉ riêng cây cọ dầu đã chiếm 7% tổng số vụ phá rừng trên toàn cầu từ năm 2000 đến năm 2018.
Báo cáo cho hay các khu vực nhiệt đới Trung Mỹ là những khu vực bị đe dọa nghiêm trọng nhất do chuyển đổi mục đích sử dụng đất: 30,3% rừng sinh thái ẩm nhiệt đới và 25,2% rừng mưa nhiệt đới Trung Mỹ bị mất trong năm 2000–2018. Hiện tượng tương tự cũng được phát hiện ở rừng khô nhiệt đới Trung Mỹ và vùng cây bụi nhiệt đới. Tuy nhiên, đây chỉ là số mẫu nhỏ trong các vùng sinh thái nhiệt đới. Điều này đồng nghĩa với việc, chúng ta cần thêm nhiều cuộc khảo sát hơn đã xác nhận thông tin.
Diện tích rừng hàng năm trên toàn cầu đang tăng nhẹ, từ 4,2 triệu ha mỗi năm trong thập kỷ từ năm 2000-2010 lên 4,7 triệu ha mỗi năm trong giai đoạn 2010-2018.
Diện tích rừng trồng tăng 46 triệu ha trong giai đoạn 2000-2018. Gần 1/4 diện tích rừng trồng trong thiên niên kỷ này đã thay thế rừng tái sinh tự nhiên, với một nửa diện tích ở Nam và Đông Nam Á.
Chương trình Đánh giá Tài nguyên rừng toàn cầu do FAO khởi xướng, dựa trên phân tích liên tục 400.000 mẫu của hơn 800 chuyên gia địa phương từ 126 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nghiên cứu giúp nâng cao năng lực cho các quốc gia bằng việc thực hành phân tích trực quan hình ảnh viễn thám để theo dõi những thay đổi về diện tích rừng và việc sử dụng đất rừng.
Phương pháp này, do FAO phát triển, sử dụng dữ liệu vệ tinh có sẵn miễn phí và công cụ Collect Earth Online mã nguồn mở của Google, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Hoa Kỳ (NASA), Nhóm Tin học Không gian của Đại học San Francisco, SilvaCarbon và Cục Lâm nghiệp Hoa Kỳ. Nghiên cứu do Sáng kiến Khí hậu và Rừng Quốc tế của EU và Na Uy (NICFI) tài trợ.
Nghiên cứu này là một phần của Báo cáo Đánh giá Tài nguyên Lâm nghiệp 2020, do FAO công bố tại Đại hội Lâm nghiệp Thế giới lần thứ XV diễn ra tại Seoul, Hàn Quốc, cũng là nơi FAO công bố Báo có Hiện trạng Rừng Thế giới (SOFO) năm 2022.
Minh Trung (Theo FAO)