Nhờ thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) mà toàn bộ số diện tích rừng giao khoán của huyện Tủa Chùa được các chủ rừng chăm sóc, bảo vệ tốt, công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng được đảm bảo. Nguồn lợi từ chính sách chi trả DVMTR đã góp phần ổn định đời sống, kinh tế phát triển, xóa đói giảm nghèo bền vững, vùng cao Tủa Chùa ngày càng đổi mới.
Không chỉ nâng cao nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, chính sách chi trả DVMTR còn góp phần tạo thu nhập ổn định cho các chủ rừng, nhất là người dân các huyện miền núi. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã chi trả tiền DVMTR năm 2021 cho các tổ chức, cộng đồng, cá nhân tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Tủa Chùa gần 15 tỷ đồng. Diện tích chi trả bảo vệ trên 21 nghìn hécta rừng.
Chính sách chi trả DVMTR đã giúp các hộ gia đình có thêm khoản tiền để đầu tư sinh kế, mà nhờ nguồn tiền DVMTR, cộng đồng dân cư có thêm nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở hạ tầng, góp phần thực hiện và hoàn thành được nhiều chỉ tiêu trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, chi trả tiền DVMTR công khai, minh bạch, đúng người, đúng diện tích, huyện Tủa Chùa cũng phối hợp với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tổ chức xây dựng, tuyên truyền cho các chủ rừng, cộng đồng, thôn bản về công tác quản lý, sử dụng tiền DVMTR và triển khai các mô hình sản xuất dưới tán rừng, nhằm tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cải thiện đời sống, góp phần giúp các cộng đồng người dân huyện Tủa Chùa sống gắn bó với rừng.
Ông Lường Văn Diên, xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên vui vẻ cho biết: Từ ngày được chi trả tiền DVMTR, bà con rất phấn khởi, ai cũng xác định gắn bó hơn với rừng, không chặt phá cây rừng và nhà nào cũng có người tham gia tổ bảo vệ rừng của bản. Từ nhiều năm nay, năm nào gia đình tôi cũng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Bình quân mỗi năm, gia đình tôi cũng được nhận trên dưới 20 triệu đồng tiền bảo vệ rừng. Số tiền nhận được hàng năm, gia đình tôi dành một phần để trang trải cuộc sống, một phần để đầu tư phát triển sản xuất. Kinh tế của gia đình tôi cũng nhờ đó mà ngày càng đi lên. Không riêng gia đình tôi, mà nhiều hộ dân khác trong bản đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống nhờ sử dụng tiền bảo vệ rừng vào phát triển kinh tế.
Có nguồn thu nhập ổn định từ bảo vệ rừng, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đưa một số cây như: Thảo quả, sa nhân tím vào trồng dưới tán rừng. Không ít hộ dân có thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm nhờ trồng thảo quả, sa nhân tím dưới tán rừng. Nhận thức được giá trị to lớn từ rừng, người dân các xã, bản của huyện Tủa Chùa ngày càng gắn bó với rừng, bảo vệ rừng xanh tốt hơn.
Có thể khẳng định, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã và đang đi vào cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở huyện Tủa Chùa, nhờ chính sách thiết thực này, mà đời sống, thu nhập của người dân các xã, bản ngày càng cải thiện, nâng cao. Có cuộc sống ổn định, ấm no từ rừng, người dân ngày càng tích cực hơn trong công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng.