Một nghiên cứu mới tại Adelaide (Úc) đã phát hiện ra, sự che phủ của những tán cây và thảm cỏ đã làm giảm nhiệt độ bề mặt ban ngày ở khu vực này xuống khoảng 6°C trong những đợt nắng nóng khắc nghiệt. Các sân vườn ở trong thành phố và ngoại ô giúp giảm nhiệt độ bề mặt cục bộ lên đến 5°C.
Trong các đợt nắng nóng trên toàn thế giới, đô thị thường là nơi có mức nhiệt độ cao nhất. Đô thị hóa thúc đẩy sự gia tăng các khu vực không thấm nước và làm suy giảm số lượng cây xanh. Các con đường nhựa và bê tông, cùng với những vật liệu xây dựng khác dễ dàng hấp thụ, lưu trữ và giải phóng nhiệt, làm tăng nhiệt độ thành phố và tạo nên một hiện tượng được gọi là đảo nhiệt đô thị (urban heat island).
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng “rừng đô thị” (một tập hợp nhiều loại cây mọc ở trong và xung quanh đô thị) có thể làm giảm hiện tượng đảo nhiệt, và cũng đã có nhiều chính sách tập trung vào việc tạo ra các không gian xanh rộng lớn. Tuy nhiên, những chiến lược hạ nhiệt đô thị lại thường bỏ qua những khoảng xanh nhỏ, chẳng hạn như sân, mái nhà và các thửa đất trống, trong khi thực tế chúng cũng có thể có những tác động ấn tượng tương tự.
Tác dụng của không gian xanh nhỏ
Một nghiên cứu mới tại Adelaide (Úc) đã phát hiện ra, sự che phủ của những tán cây và thảm cỏ đã làm giảm nhiệt độ bề mặt ban ngày ở khu vực này xuống khoảng 6°C trong những đợt nắng nóng khắc nghiệt. Các sân và vườn ở trong thành phố cũng như ngoại ô làm giảm nhiệt độ bề mặt cục bộ lên đến 5°C.
Ở một quy mô khá nhỏ, trên diện tích vài chục mét vuông, cây xanh có thể giúp giảm nhiệt độ bề mặt ban ngày gấp đôi so với lớp phủ cỏ. Tuy nhiên, cỏ và các loại thực vật nhỏ và thấp khác, lại mọc tương đối nhanh so với cây cao.
Do đó, các thành phố nên áp dụng các chiến lược ngắn hạn và dài hạn để ứng phó với nắng nóng khắc nghiệt, chẳng hạn như thay thế các khu vực lát gạch không thấm nước bằng các thảm cỏ, đồng thời tăng cường trồng cây để gia tăng độ che phủ của tán cây.
Khuếch đại hiệu ứng làm mát
Cụ thể hơn, khi quản lý những không gian xanh, các nhà quy hoạch đô thị nên lựa chọn các loại cây trồng dựa trên khả năng làm mát của chúng. Theo một nghiên cứu công bố năm 2021 trên tạp chí Science of The Total Environment, các không gian xanh với nhiều loại cây khác nhau có tác dụng làm mát hiệu quả hơn trong mùa xuân, mùa hạ và mùa thu. Chúng cũng mang lại mức giảm nhiệt tối đa trong mùa hè lớn hơn nhiều so với những khu vực có cây trồng kém đa dạng.
Cấu trúc của không gian xanh cũng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả làm mát. Vào mùa hè, một quần thể thực vật với nhiều lớp cây cối, bụi rậm và thảo mộc có thể làm giảm nhiệt độ không khí thêm 1°C vào ngày nắng và 0,5°C vào ngày nhiều mây, so với khu vực chỉ có cây cao.
Trồng cây theo nhóm
Cách bố trí các khoảng xanh cũng là một yếu tố quan trọng mà những người quy hoạch đô thị cần chú ý. Khi những không gian xanh bị phân mảnh quá mạnh – chia cắt thành những khoảng nhỏ hơn, rời rạc và phân bố không đều – khả năng làm mát của chúng sẽ bị giảm xuống.
Chẳng hạn, một nghiên cứu về các không gian xanh tại hai thành phố Baltimore và Sacramento (Mỹ) đã cho thấy những kết quả khác nhau. Các nhà khoa học đã xem xét tổng chu vi các mảng xanh ở mỗi km vuông đất (một chỉ số được gọi là mật độ cạnh) và đo lường hiệu quả làm mát. Kết quả cho thấy, trong khi mật độ cạnh lớn hơn làm giảm hiệu quả hạ nhiệt ở Baltimore, tỷ lệ này lại làm tăng hiệu quả làm mát ở Sacramento.
Các nhà nghiên cứu lý giải, sự khác biệt này có thể là do điều kiện ở mỗi địa phương: nhiều bóng râm của cây xanh có thể đã phủ lên những bề mặt vốn có hiệu ứng làm mát, khiến cho những bề mặt này mất đi vai trò của chúng. Một lý do khác có thể là: những khoảng xanh có mật độ cạnh rộng lại bao gồm nhiều khoảng xanh quá nhỏ và bị phân mảnh, đồng thòi lại toàn các cây có khả năng thoát hơi nước kém. Do đó, việc lựa chọn sự “đánh đổi” nào có thể là những thách thức không nhỏ đối với các nhà quản lý đô thị.
Tuy nhiên nhìn chung, cây xanh luôn có hiệu quả làm mát tốt hơn so với cỏ. Do đó, các nhà nghiên cứu khuyến nghị, nên trồng nhiều cây xanh theo nhóm thay vì trồng đơn lẻ hoặc theo hàng để điều hòa khí hậu ở địa phương.