Quá trình công nghiệp hóa, bên cạnh những lợi ích về phát triển kinh tế, cũng để lại nhiều lo ngại về ô nhiễm môi trường. Vì vậy, vấn đề cấp thiết là chuyển đổi từ mô hình khu công nghiệp (KCN) truyền thống sang KCN sinh thái để phát triển bền vững hơn.
Khó khăn trong triển khai
Số liệu từ Bộ KH&ĐT, tính đến hết năm 2021, trên phạm vi cả nước có 563 KCN nằm trong Quy hoạch phát triển KCN ở Việt Nam (tính cả KCN trong khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu). Trong đó có 397 KCN đã được thành lập, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 82,6 nghìn ha. Tỷ lệ lấp đầy KCN đã thành lập trên cả nước đạt khoảng 52,5%.
Tuy nhiên, sau một thời gian hình thành, phát triển, tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải từ khu, cụm CN trong những năm gần đây rất lớn, tốc độ gia tăng cao hơn rất nhiều so với tổng nước thải từ lĩnh vực khác.
Thống kê của Bộ TN&MT, tỷ lệ KCN có trạm xử lý nước thải tập trung chỉ chiếm 66%, nhiều khu đã đi vào hoạt động mà chưa triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải hoặc có nhưng không vận hành, hay vận hành không hiệu quả, xuống cấp.
Trong khi đó, theo ước tính khoảng 70% trong số hơn một triệu mét khối nước thải mỗi ngày, đêm phát sinh từ các KCN xả thẳng ra nguồn tiếp nhận mà không qua xử lý.
“Môi trường KCN chính là môi trường sống của chính công nhân và khu dân cư gần đó. Nếu công nhân KCN khỏe thì chứng tỏ môi trường KCN tốt và khi công nhân khỏe mạnh về thế chất, tinh thần thì năng suất lao động sẽ tăng. Vì vậy, việc chuyển đổi từ mô hình KCN truyền thống sang KCN sinh thái là hết sức cần thiết” – GS Phạm Văn Thức – Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Quốc gia Pháp nhìn nhận.
Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay công tác quy hoạch và cơ chế chính sách phát triển KCN sinh thái chưa rõ ràng, Nhà nước chưa khuyến khích KCN sinh thái, thiếu hành lang pháp lý chuẩn chỉ để doanh nghiệp (DN) thực hiện. Bên cạnh đó, DN Việt vẫn mang tâm lý tính toán lợi nhuận trước khi bắt tay vào làm, nên rất khó để làm KCN sinh thái vì rất tốn kém.
Lấy dẫn chứng từ thực tế, chuyên gia kinh tế TS Mai Văn Sỹ cho biết, hầu hết DN phát triển KCN đều tận dụng quỹ đất để làm nhà xưởng lên tới 70 – 75%, tỷ lệ quỹ đất cho cây xanh sẽ không đảm bảo.
Bên cạnh đó, DN Việt xúc tiến đầu tư kém, chưa kéo được nhà đầu tư lớn của quốc tế vào và tình trạng xin xong làm dần, hàng chục năm vẫn chưa hình thành xong KCN, trong khi thời hạn sử dụng chỉ còn 20 – 30 năm, nhà đầu tư nước ngoài không muốn tham gia.
“Để phát triển KCN sinh thái, vấn đề quy hoạch ngay từ đầu rất quan trọng, đặc biệt là quy hoạch cây xanh. Như tại KCN Shinec (TP Hải Phòng), tất cả đường giao thông đều chia từ vỉa hè vào 6m, sau đó trồng cây ở trên để ngăn cách. Với 20% cây xanh của các nhà đầu tư, 15% cây xanh ở chủ đầu tư KCN nên đã bám sát tiêu chí sinh thái. Đặc biệt, trong phát triển KCN sinh thái, ý chí và trách nhiệm của DN rất quan trọng” – TS Mai Văn Sỹ nói.
Giải pháp từ điện mặt trời mạng lưới nhỏ
Theo chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành, những thận thức về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế – xã hội nói chung đã có sự thay đổi nhiều trong khoảng 10 năm trở lại đây. Nếu trước đây nói đến kinh tế nâu, kinh tế tuyến tính thì nay nói đến kinh tế xanh, thấp hơn là kinh tế sinh thái; hay như trước đây tập trung vào kinh tế truyền thống nhưng giờ kinh tế số lên ngôi.
“Nói như vậy không phải phủ định quá khứ mà thấy rằng nhận thức thay đổi rất nhanh trong 10 năm gần đây. Điều này thể hiện trong các FTA, cam kết quốc tế về môi trường, đặc biệt là cam kết tại COP26 về mục tiêu phát thải ròng bằng “không” (0) của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Theo tôi, cần phải nhìn nhận rõ là muốn chuyển hóa thì cần phải đánh đổi và muốn xanh thì phải bớt lợi nhuận” – TS Võ Trí Thành nhìn nhận.
Với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ trong giai đoạn Cách mạng công nghiệp 4.0, tác động tích cực đến việc chuyển đổi từ KCN truyền thống sang KCN sinh thái. Các KCN hiện nay có thể chia làm 3 dạng: KCN thời bao cấp; KCN hỗ trợ và KCN được xây dựng hoàn chỉnh sinh thái.
Các chuyên gia cho rằng, thực tế chính sách phát triển KCN sinh thái của Việt Nam có những quy định khá rõ rệt so với nhiều nước trên thế giới, như: Indonesia, Colombia… một số KCN sinh thái đã đi vào hoạt động hiệu quả như KCN Nam Cầu Kiền (TP Hải Phòng), hay Tập đoàn Lego đầu tư hơn 1 tỷ đô la Mỹ xây dựng nhà máy mới tại Bình Dương, là nhà máy trung hoà carbon đầu tiên của tập đoàn này.
Giám đốc Kinh doanh Năng lượng xanh – Công ty CP Tập đoàn PC1 Nguyễn Việt Hùng cho biết, quá trình phát triển KCN sinh thái thì vấn đề năng lượng đóng vai trò quan trọng, trong đó đặc biệt là việc sử dụng năng lượng mặt trời. Năm 2020, quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời đã tạo cú hích lớn cho lĩnh vực này, giúp nâng cao nhận thức xã hội về năng lượng tái tạo. Nhưng nếu phát triển quá nhanh cũng để lại hệ luỵ, gây áp lực lên hệ thống truyền tải. Hiện nay, EVN tạm thời không thực hiện thỏa thuận đấu nối các hệ thống điện mặt trời mái nhà vào lưới điện trong thời gian chờ Chính phủ ban hành cơ chế và có hướng dẫn thực hiện của Bộ Công Thương.
“Tuy nhiên, trong Đề án quy hoạch Điện VIII Chính phủ vẫn khuyến khích tự sản xuất, sử dụng và thực tế, vai trò của năng lượng tái tạo ngày càng quan trọng, đặc biệt là sau cam kết COP26, trở thành yếu tố hấp dẫn để Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài. Tiềm năng rất lớn nhưng việc phát triển như thế nào thì đơn vị tham gia phải tìm hướng đi thông minh hơn. Bài toán đặt ra với năng lượng điện mặt trời là phải sử dụng hết. Vì vậy, mô hình mạng lưới nhỏ sẽ tối ưu hơn, các KCN có mạng lưới điện riêng sẽ chủ động được nguồn năng lượng, tự phân bổ thừa – thiếu giữa các đơn vị” – ông Nguyễn Việt Hùng phân tích.
Là nhà tổng thầu cơ điện, cùng với kinh nghiệm vận hành nhà máy điện cũng như năng lực về tư vấn trong ngành, PC1 đang xây dựng mô hình phát triển năng lượng dựa trên cơ sở số hoá, giúp chủ đầu tư, DN đưa ra những kịch bản tốt nhất về xây dựng nguồn năng lượng tối ưu. Đây cũng là thế mạnh để PC1 tham gia hơn nữa vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, GS.TS Đặng Kim Chi cho rằng, hiện nay đã có rất nhiều cảnh báo liên quan đến việc sử dụng pin năng lượng mặt trời, vì vậy cần phải đặc biệt chú trọng đến công tác tái chế sau thời gian sử dụng.
“Với việc cải tạo các KCN kiểu cũ phát triển thành KCN sinh thái để phát triển xu hướng giảm phát thải thì phải xác định còn rất nhiều khó khăn. Điều này phụ thuộc vào cơ chế chính sách, ý thức tự giác của chủ DN và chủ đầu tư. Tôi từng tham gia hội đồng thẩm định đánh giá đề tài KCN Nam Cầu Kiền, trong đó đặc biệt chú ý đến sự phát triển của năng lượng mặt trời, nhưng việc tái chế lại các tấm pin mặt trời là rất cần lưu ý bên cạnh việc phát triển năng lượng mặt trời” – GS.TS Đặng Kim Chi cho hay.
Ở khía cạnh khác, theo Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách TN&MT Mai Thế Toản, trong các dự án sẽ được cấp tín dụng xanh thì năng lượng mặt trời là dự án đầu tiên. Nhưng tiêu chí xác định căn cứ trên cường độ, tính khả thi của xử lý chất thải rắn và phải phù hợp quy hoạch bảo vệ môi trường.
“Cần đặc biệt lưu ý nếu không sẽ thành nhập khẩu từ nước ngoài và là cơ hội để nước ngoài xuất khẩu phát thải vào Việt Nam. Nên chúng ta cần biết lựa chọn loại tấm pin và tối ưu nhất là lựa chọn tấm pin mặt trời sản xuất ở Việt Nam” – ông Mai Thế Toản nhấn mạnh.