Đó là các cuộc “đấu trí” đôi khi lắt léo, lắm lúc khốc liệt đã xảy ra, với nhiều tình huống thót tim mà nhà báo trẻ Hoàng Chiên và nhóm phóng viên Báo Nông thông Ngày nay/Dân Việt có vinh dự góp một phần nhỏ bé vào đó.
Những tình huống không thể nào quên trong các hành trình xuyên Việt
Trước khi đến Báo NTNN/Dân Việt công tác, tôi may mắn được tham gia cùng nhóm phóng viên điều tra của Báo tham gia thực hiện nhiều loạt bài liên quan đến săn bắt, nuôi nhốt, buôn bán động vật hoang dã trái phép. Nhiều động vật quý hiếm đã được giải cứu khỏi các địa ngục, được thả về tự nhiên. Trong các loạt bài đó phải kể đến “Xâm nhập đường dây buôn hổ xuyên quốc gia”, “Địa ngục” thú rừng – 2021”, “Địa ngục chim trời Thạnh Hóa”…
Để thực hiện được loạt bài “Xâm nhập đường dây buôn hổ xuyên quốc gia”, trước thực trạng buôn bán hổ và các sản phẩm từ hổ xảy ra ngày càng nhiều và diễn biến phức tạp, các đối tượng buôn bán tinh vi, vận dụng sự phát triển của mạng xã hội để rao bán trên mạng, thậm chí giết hổ, cắt khúc, ướp thuốc hoặc lột da, róc xương rồi thuê người vận chuyển qua biên giới để đem về Việt Nam tiêu thụ hoặc là điểm chung chuyển sang nước khác nấu cao và tiêu thụ.
Nhận thấy sự cần thiết có tiếng nói của báo chí, truyền thông góp phần bảo vệ động vật hoang dã nói chung và loài hổ nói riêng (hổ thuộc nhóm IB, động vật nguy cấp, quý hiếm), nhóm phóng viên Báo điện tử Dân Việt đã dành nhiều thời gian đến tận châu Phi xa xôi, hoặc di chuyển bằng ô tô đi khắp Nam – Bắc nước Lào, rồi xâm nhập, gặp gỡ những ông, bà trùm buôn hổ ở Thái Nguyên, Cao Bằng, vào vai thâm nhập những trại nuôi trá hình để buôn bán hổ trái phép, nấu cao…
Quá trình tiếp cận các ông, bà trùm, điều khiến chúng tôi không thể nào quên được có lẽ là tình huống vào vai dân buôn hổ, nấu cao hổ, khi ấy chúng tôi kết nối với một bà trùm ở một tỉnh miền núi phía Bắc, sau khi thu thập đủ tư liệu, chúng tôi tìm cách rời khỏi đường dây. Một thời gian sau một số thành viên trong nhóm liên tục bị bà trùm buông lời trách móc, thậm chí nguyền rủa vì nói mà không làm.
Sau nhiều năm điều tra, nhóm PV Dân Việt đã “dựng” lên một câu chuyện về những hoạt động, buôn bán, vận chuyển, nuôi nhốt động vật quý hiếm. Cũng như sự vào cuộc thờ ơ của cơ quan chức năng. Những ý kiến đóng góp của nhà khoa học về mặt chính sách, pháp luật nhằm góp phần bảo tồn, bảo vệ hổ, cũng như bảo vệ môi trường, hệ sinh thái tự nhiên của nước ta.
Thêm câu chuyện khiến chúng tôi không thể nào quên trong quá trình tác nghiệp. Đó là quá trình thực hiện loạt bài “Địa ngục chim trời Thạnh Hóa”, loạt bài được thực hiện đúng thời điểm dịch Covid -19 đang bùng phát mạnh mẽ.
Nhận thấy đây là vấn đề thời sự, trong khi tại Chợ Nông sản Thạnh Hóa (tên gọi khác là Chợ chim Thạnh Hóa), huyện Thạnh Hóa (tỉnh Long An) là chợ chim buôn bán, giết thịt động vật hoang dã (ĐVHD) “nổi tiếng” hàng chục năm qua. Nhóm PV Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã di chuyển từ Hà Nội vào Thạnh Hóa để điều tra, ghi hình và tìm hiểu nguồn gốc của ĐVHD là từ các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn ở ĐBSCL, nhập vai gặp gỡ những ông trùm buôn bán, đối tượng đi săn và những tiểu thương ở chợ chim.
Qua nhiều ngày thâm nhập, cùng cán bộ kiểm lâm hóa trang vào trong cửa hàng ghi nhận tình trạng buôn bán ĐVHD thách thức pháp luật ở hàng chục cửa hàng trong chợ, buôn bán cả những loài động vật nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IB và IIB rao bán ở chợ như rái cá, già đẫy, cú mèo, yểng (nhồng), khỉ,… và nhiều loài chim khác với số lượng lên đến hàng chục ngàn cá thể.
Sau khi cán bộ của Cục Kiểm lâm thực địa hiện trường đã tiến hành kiểm tra đột xuất các cửa hàng bán ĐVHD trái phép. Trong quá trình lực lượng kiểm lâm thực hiện nhiệm vụ bị các đối tượng buôn bán chống trả, tẩu tán tang vật và chửi mắng, ném đá, thậm chí họ kêu gọi phụ nữ, trẻ em đến gây áp lực lên đoàn công tác. Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm của mình, lực lượng chức năng đã hoàn thành nhiệm vụ trước sự chứng kiến của cánh phóng viên chúng tôi.
Vào hang hùm dụng kế “điệu hổ ly sơn”
Trong các hành trình điều tra, cung cấp thông tin, phối hợp với cơ quan chức năng giải cứu các loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm mà chúng tôi thực hiện phải kể đến loạt phóng sự điều tra độc quyền “Kinh hoàng các chiêu trò tàn sát thú rừng” đăng tải trên Dân Việt. Tính đến tháng 5 năm 2022, những người bị nhà báo “gọi mặt chỉ tên” đã thụ án với tổng cộng gần 20 năm tù, nhiều phiên tòa vẫn tiếp tục được mở.
Có lẽ vì tính quyết liệt và hiệu ứng không hề nhỏ của các chùm bài trên (và nhiều xê-ri khác nữa) nên, quá trình điều tra các vụ việc, cũng như “hậu” đăng bài đã khiến nhóm PV liên tục rơi vào các tình huống không thể nào quên. Các hội nhóm, các trùm buôn thú rừng quý hiếm trị giá tiền tỷ/cá thể đã bắt đầu lên “hồ sơ” từng nhà báo trong nhóm chúng tôi.
Họ lan truyền nhau số điện thoại thật và số điện thoại “ảo”, biển số xe, “danh phận” của từng nhà báo. Họ bảo nhau để tránh xa. Có những lúc chúng tôi bị gọi điện chửi bới, bị ném đá, bị đe dọa… Có lúc, các đối tượng cao tay hơn: anh/chị xin chụp với chú một bức ảnh. Để sau này nếu phụ bạc nhau còn có thể đi tìm “ăn vạ”. Nói lấp lửng thế thôi. Rồi họ chụp.
Để có tuyến bài gồm 5 kỳ chính và hơn 30 bài viết, hồi âm, phỏng vấn, mang tên “Kinh hoàng các chiêu trò tàn sát thú rừng”, nhóm điều tra đã phải thật sự công phu, thậm chí “đánh đổi” nhiều mối quan hệ để xâm nhập được.
Các đối tượng thẳng thắn, buông lời nói hàm ý như muốn đe dọa nhóm PV. Tôi đã nhiều lần bỏ cuộc, trong bài toán đánh đổi sự an nguy của mình và gia đình vì một lần dấn thân như thế. Không thể dùng các quan hệ sẵn có (người trong cuộc biết rõ chúng tôi là nhà báo điều tra) để xâm nhập vào các đường dây buôn hổ, chúng tôi phải tính bài phát triển các mối quan hệ cũ, mở rộng dần, giới thiệu thêm thành viên mới “dây cà dây muống”, rồi bàn giao dần các “đối tác làm ăn”.
Để khi xảy ra các vụ bắt giữ, thì người có vai trò chủ chốt rất ít được nhắc tới, vì anh ta đã giới thiệu bạn bè trong cuộc nhậu nào đó rồi bỏ đi làm việc khác từ lâu. Anh ta sẽ đóng vai nạn nhân với gương mặt bị hại càng sớm càng tốt, để “phủi trách nhiệm” và cũng là để bảo vệ an toàn cho những người quen biết của nhóm điều tra.
Cụ thể, từ những giao dịch trên mạng xã hội, chúng tôi đã quen với người dân trong khu vực đối tượng sinh sống, thông qua việc ghé thăm, ngồi nhậu hay phát triển thú vui chung như câu cá, cắm trại, thưởng lãm khí biển, sưu tầm đồ cổ.
Rồi làm như tình cờ, một người sinh sống trong khu vực được chúng tôi đầu tư kết thân. Anh ta chỉ cho PV biết nơi sinh sống của người buôn cao hổ, da hổ, trong nhà trưng bày toàn tiêu bản hổ được tạo tác kỳ khu, bán giá chợ đem vài trăm triệu/bộ. Cao, móng, vuốt, răng hổ và nhiều sản phẩm từ động vật hoang dã quý hiếm khác.
Sau khi có được tư liệu, hình ảnh, chúng tôi tiến hành làm báo cáo, dựng video, đem toàn bộ tư liệu đến gặp lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An, gặp các điều tra viên và phối hợp với họ tìm cách đưa các đường dây tàn sát thú rừng Việt Nam và xuyên quốc gia ra ánh sáng. Chúng tôi báo cáo lên Bộ Công an, lên các tổ chức khác. Đặc biệt, tiếp tục “cài” người vào theo dõi các di biến động ở cơ sở, thậm chí có phương án tránh sự “bỏ qua” hay “tư túi” của ai đó…
Nhóm PV trở về thực hiện loạt bài, dựng video, sau thời gian điều tra và im hơi lặng tiếng chờ tín hiệu cho đến khi các đối tượng bị bắt và đưa ra xét xử với hàng chục năm tù được tuyên.
Nhà báo đạt được nhiều giải thưởng
Sau gần 2 năm công tác tại Báo NTNN/Dân Việt, nhà báo Hoàng Chiên cùng đồng nghiệp đã vinh sự đoạt: Giải nhất báo chí cuộc thi Toàn cảnh hoang dã năm 2020; Giải nhất báo chí cuộc thi Truy vết đặc sản thú rừng 2021; Giấy khen của WWF tại Việt Nam vì có thành tích trong công tác bảo tồn loài hoang dã năm 2021; Giấy khen của Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam. Giải B Giải Báo chí Quốc gia năm 2020; Giải A Giải Báo chí Toàn quốc về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực 2021; Giả B Gải Báo chí quốc gia 2021; Giải nhì Giải Báo chí Toàn quốc về phòng chống Thiên tai 2021 – 2022. Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn năm 2021 – 2022 và nhiều giải thưởng của bộ, ngành, cũng như của Báo Nông thôn Ngày nay/Báo điện tử Dân Việt trao tặng. Đặc biệt, loạt Phóng sự điều tra “Kinh hoàng những chiêu trò tàn sát thú rừng” do nhóm phóng viên Báo điện tử Dân Việt thực hiện đã vinh dự được trao Giải A Giải Báo chí quốc gia 2021. |