Một trong những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021) là quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người. Để luật thật sự phát huy hiệu quả cần phải có lộ trình, giải pháp đồng bộ ở các khâu từ phân loại đến thu gom, xử lý và quan trọng nhất là sự đồng lòng của người dân.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định việc thay đổi cách tính phí rác thải sinh hoạt mới được cho là có tính đột phá và sẽ tạo cuộc cách mạng về xử lý rác thải sinh hoạt, đồng thời cũng tạo nên sự công bằng, ai xả rác nhiều, phải trả tiền nhiều. Tại khoản 1, Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, về chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt như sau: Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán theo căn cứ sau đây: Phù hợp với quy định của pháp luật về giá; dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại; chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.
Theo quy định nêu trên, việc cân rác tính ra “khối lượng, thể tích” rác thải sau khi được phân loại được coi là một yếu tố cấu thành nên giá dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt mà mỗi hộ gia đình, cá nhân phải trả hằng tháng. Hiện nay, mức giá dịch vụ này đang được tính bình quân và cào bằng, người xả 1kg rác cũng trả phí bằng với người xả 10kg rác. Theo quy định thì kể từ ngày 1/1/2022, nếu như không phân loại rác thải sinh hoạt theo đúng quy định sẽ bị từ chối thu gom, vận chuyển rác.
Cụ thể, tại khoản 2 Điều 77 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định trao quyền cho các cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt như sau: “Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đến thời điểm này do chưa có thông tư hướng dẫn, nên việc triển khai việc thu phí rác thải tại nhiều địa phương còn bất cập. Nhiều người dân lo ngại việc thực hiện sẽ khó khăn, khó công bằng vì người thu gom rác không thể mang theo cân để xác định khối lượng rác thải từng hộ gia đình, hoặc dễ nảy sinh nạn đổ trộm rác thải sinh hoạt.
Chị Trần Thu Hà (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, gia đình chị có hơn 10 phòng cho thuê trọ, chủ yếu là sinh viên và công nhân thuê ở, rác thải cả dãy trọ đều được bỏ vào thùng đựng rác chung để ở trước cổng. Chi phí thu gom rác là 120 nghìn đồng/tháng, nếu cân rác để tính tiền thì rất khó xác định phòng trọ nào thải ít rác và phòng nào nhiều rác. “Hiện tôi chưa nghe phổ biến về quy định tính tiền rác theo cân và xác định khối lượng như thế nào cho công bằng, nhất là tại các dãy nhà trọ”, chị Hà băn khoăn. Tại khu chung cư 789 Mỹ Đình (Hà Nội), phí thu gom rác được tính chung với các loại phí dịch vụ vệ sinh khác, cư dân không rõ giá dịch vụ rác thay đổi như thế nào. Chị Thu Hà, cư dân chung cư, bày tỏ: “Tôi rất hưởng ứng điều luật mới, khuyến khích cư dân có trách nhiệm với lượng rác mình thải ra, ai xả nhiều rác thì phải đóng nhiều tiền. Tuy nhiên, nếu cư dân sống ở chung cư thì ai sẽ cân và giám sát khối lượng rác từng căn hộ?”.
Hiện lượng rác thải tại Việt Nam là khoảng 50.000 tấn/ngày, trong đó tại các đô thị là khoảng 35.000 tấn/ngày, chiếm tới hơn 90% trong số đó là rác thải sinh hoạt. Riêng tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngày thải ra khoảng 8.000-9.000 tấn, trong đó hơn 80% được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp. Phần lớn các loại rác thải không được phân loại tại nguồn gây khó khăn cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý và tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường…
Do vậy, việc thu phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt theo số lượng phát sinh theo khối lượng quy định tại Luật Bảo vệ môi trường là cần thiết, không chỉ nâng cao ý thức của người dân trong việc hạn chế xả rác ra môi trường; phân loại rác, thu gom để tái chế mà còn khắc phục tình trạng xả rác tùy tiện, vô tội vạ, bảo đảm công bằng giữa các hộ dân, giảm bớt chi ngân sách. Tuy nhiên, để làm được điều này, nhiều ý kiến cho rằng các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu ban hành phương pháp, quy trình xác định quản lý chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt để các địa phương xây dựng, điều chỉnh đơn giá nhanh chóng, thuận tiện.
Cần có quy định cụ thể về mức thu, tỷ lệ hỗ trợ, bù đắp từ ngân sách địa phương thống nhất trên cả nước với từng loại đô thị. Bên cạnh đó, cần có chế tài đối với những đối tượng không phân loại rác tại nguồn, không nộp tiền dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; trách nhiệm của UBND các cấp, các cơ quan chức năng liên quan, tổ trưởng dân phố và đối tượng sử dụng dịch vụ; trong cơ cấu giá chi phí dịch vụ cần có tỷ lệ phần trăm thích hợp để bồi dưỡng cho lực lượng trực tiếp thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đồng thời để các doanh nghiệp có điều kiện đầu tư đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động, giảm lao động nặng nhọc cho người công nhân và mỗi người dân cũng cần thể hiện vai trò của mình và cộng đồng cùng tham gia các hoạt động giảm phát sinh rác thải, thực hiện phân loại, tái chế… nhằm tận dụng tốt hơn tài nguyên, góp phần bảo vệ môi trường.