Ngư dân ở phía bắc Campuchia vừa bắt được con cá nước ngọt lớn nhất thế giới trên sông Mekong, theo các nhà khoa học từ quốc gia Đông Nam Á này và Mỹ.
Ngư dân Moul Thun, 42 tuổi, bắt được con cá đuối gai độc khổng lồ dài gần 4 m, nặng khoảng 300 kg vào tối 13/6 gần hòn đảo xa trên sông Mekong ở vùng Stung Treng, theo tuyên bố hôm 20/6 từ Wonders of the Mekong – dự án nghiên cứu hợp tác Campuchia – Mỹ.
Nhóm nghiên cứu cho biết kỷ lục cá nước ngọt lớn nhất thế giới trước đó là một con cá da trơn khổng lồ sông Mekong nặng 293 kg được phát hiện tại Thái Lan năm 2005.
Gây sửng sốt
Sau khi bắt được con cá đuối lớn chưa từng thấy, ông Moul Thun đã báo cho nhóm các nhà khoa học của Wonders of the Mekong – những người đã công bố rộng rãi công việc bảo tồn tự nhiên của mình trong các cộng đồng dọc bờ sông.
Chỉ trong vài giờ, các nhà khoa học nhanh chóng có mặt sau cuộc gọi lúc nửa đêm, và họ không khỏi ngạc nhiên và thích thú với con vật được phát hiện.
“Khi nhìn thấy một con cá có kích thước như thế này, đặc biệt là ở nước ngọt, bạn khó có thể tin nổi. Mọi người trong nhóm nghiên cứu của chúng tôi đều rất sửng sốt”, Zeb Hogan, người đứng đầu Wonders of the Mekong, nói với AP trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến từ Đại học Nevada tại Reno.
Trường đại học này đang hợp tác với Cơ quan Quản lý Thủy sản Campuchia và USAID, cơ quan phát triển quốc tế của chính phủ Mỹ.
Hy vọng mới
Về định nghĩa, cá nước ngọt là những loài sống hoàn toàn ở nước ngọt, trái ngược với các loài sinh vật biển khổng lồ như cá ngừ vây xanh và cá marlin, hay cá di cư giữa nước ngọt và nước mặn như cá tầm beluga khổng lồ.
Ông Hogan nói rằng việc bắt được con cá đuối nói trên không chỉ thiết lập một kỷ lục mới.
“Việc cá vẫn có thể đạt được khối lượng lớn như thế này là một dấu hiệu đầy hy vọng cho sông Mekong”, ông Hogan nhấn mạnh, đồng thời lưu ý rằng tuyến đường thủy này đã phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường.
Sông Mekong chảy qua các nước bao gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Con sông là ngôi nhà của một số loài cá nước ngọt khổng lồ nhưng áp lực môi trường đang gia tăng. Đặc biệt, các nhà khoa học lo ngại kế hoạch xây dựng đập thủy điện lớn trong những năm gần đây có thể phá vỡ nghiêm trọng bãi đẻ trứng của các sinh vật.
“Cá lớn trên toàn cầu đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Chúng là những loài có giá trị cao và mất nhiều thời gian để sinh trưởng. Vì vậy, nếu bị đánh bắt trước khi trưởng thành, chúng sẽ không có cơ hội sinh sản”, ông Hogan nói.
“Rất nhiều loài cá lớn đang di cư, vì vậy chúng cần những khu vực rộng lớn để sống sót. Những tác động từ môi trường sống bị chia cắt do các đập thủy điện, hay hoạt động đánh bắt quá mức, gây ảnh hưởng lớn tới chúng. Vì vậy, khoảng 70% cá nước ngọt khổng lồ trên toàn cầu đang bị đe dọa tuyệt chủng, bao gồm tất cả loài ở sông Mekong”, nhà khoa học này nói thêm.
Nhóm các nhà khoa học tới hiện trường đã gắn một thiết bị vào gần đuôi của con cá đuối khổng lồ để phục vụ cho hoạt động theo dõi, trước khi thả nó trở lại môi trường sống tự nhiên. Dữ liệu từ thiết bị này có thể mang lại những quan sát chưa từng có về hành vi của cá đuối khổng lồ ở Campuchia.
“Có rất ít hiểu biết về cá đuối khổng lồ. Tên của nó, thậm chí cả tên khoa học, đã thay đổi nhiều lần trong 20 năm qua”, ông Hogan nói. “Loài cá này được tìm thấy ở khắp Đông Nam Á, nhưng chúng tôi hầu như không có thông tin gì về nó. Chúng tôi không biết về lịch sử ra đời của nó. Chúng tôi không biết về hệ sinh thái, các mô hình di cư của nó”.
Theo các nhà nghiên cứu, đây là con cá đuối khổng lồ thứ tư được ghi nhận ở cùng khu vực trong hai tháng qua, tất cả đều là con cái. Họ cho rằng đây có thể là điểm nóng sinh sản của loài này.
Cư dân địa phương đặt biệt danh cho cá đuối gai độc là “Boramy” hay “trăng tròn” vì hình dạng của nó và vì khi con vật được thả tự do vào ngày 14/6, Mặt Trăng đang ở trên đường chân trời.
Ngoài vinh dự bắt được con cá phá kỷ lục, người ngư dân may mắn tìm thấy “Boramy” đã được trả tiền theo giá trị thị trường, nghĩa là ông nhận được khoản tiền khoảng 600 USD.
Bằng cách trả tiền ngang giá thị trường cho các ngư dân bắt được cá đuối khổng lồ như vậy, các nhà nghiên cứu gần đây đã thành công trong việc đưa nhiều cá thể mắc câu trở lại môi trường tự nhiên.
“Cách này có thể thực hiện được vì giá cá đuối ngoài chợ không quá cao”, ông Hogan cho hay.
Vị chuyên gia cho biết thêm con cá đuối khổng lồ có phần miệng “cỡ trái chuối’ và không có răng nhưng có “hàm kẹp” dùng để nghiền nát con mồi.
“Cá đuối thường sống dưới đáy sông, ăn tôm, động vật thân mềm và cá nhỏ. Chúng có thể giữ con mồi bằng miệng hình trái chuối này và nghiền nát chúng”, ông Hogan nói.
Sông Mekong có số lượng các loài cá đa dạng thứ ba trên thế giới, theo Ủy ban sông Mekong. Tuy nhiên, nạn đánh bắt quá mức, ô nhiễm và các yếu tố khác đã khiến quần thể cá bị suy giảm.
Nhà sinh vật học Zeb Hogan, người từng dẫn chương trình “Monster Fish” trên Kênh National Geographic, nói với Reuters rằng thông tin bắt được con cá đuối lớn chưa từng thấy nói trên “rất thú vị”.
Ông khẳng định: “Điều đó có nghĩa là đoạn sông Mekong này vẫn còn khỏe mạnh. Đó là dấu hiệu cho hy vọng rằng những con cá khổng lồ vẫn còn sống (ở đây)”.