19h30 ngày 17/6 (giờ Việt Nam) Tổng thống Hoa Kỳ Biden đã chủ trì cuộc họp trực tuyến Diễn đàn các nền kinh tế lớn về năng lượng và khí hậu. Cuộc họp có sự tham gia của các quốc gia kinh tế lớn trên thế giới cũng như các tổ chức quan trọng của quốc tế. Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi Trần Hồng Hà tham dự và phát biểu tại cuộc họp.
Phát biểu khai mạc tại phiên họp, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết, cuộc họp cấp cao trực tuyến Diễn đàn các nền kinh tế lớn về năng lượng và khí hậu là nỗ lực tiếp theo của Hoa Kỳ trong việc sử dụng tất cả các công cụ đối phó với khủng hoảng biến đối khí hậu, giải quyết khẩn cấp vấn đề giá năng lượng tăng mạnh trên khắp thế giới xuất phát từ cuộc chiến Nga – Ukraine. Cuộc họp này cũng nhằm thúc đẩy Hoa Kỳ và các đồng minh, đối tác hướng tới an ninh lương thực và năng lượng lâu dài.
Theo Tổng thống Joe Biden, thế giới hiện nay đang gặp nhiều khủng hoảng về biến đổi khí hậu, từ đó gây ra nhiều ảnh hưởng tới môi trường sống tự nhiên. Tuy nhiên sau COP26 đã có hơn 50 quốc gia cam kết mạnh mẽ để giảm phát thải khí nhà kính nhằm duy trì sự ổn định về năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu. Về phần mình, Tổng thống Biden cho biết, Hoa Kỳ đã và đang có những hành động thực tiễn để cùng các quốc gia trên thế giới hướng tới giảm phát thải ròng (net zero) tới năm 2050. Theo đó, trong lĩnh vực giao thông thì Hoa Kỳ tăng cường sử dụng các phương tiện sử dụng năng lượng tái tạo đã lắp đặt hơn 500 nghìn trạm sạc điện và kỳ vọng tới năm 2030 các phương tiện giao thông tại đây sẽ sử dụng năng lượng điện, giảm bỏ phương tiện sử dụng nhiên liệu xăng, dầu.
Trong ngành vận tải, đặc biệt là vận tải biển thì cũng hướng tới năm 2050 cũng không sử dụng năng lượng hoá thạch; trong lĩnh vực nông nghiệp tại Hoa Kỳ cũng đã sử dụng các hoạt động nông nghiệp, phân bón thân thiện với môi trường và hướng tới COP27 sẽ cam kết mạnh hơn nữa….; Đặc biệt, Hoa Kỳ luôn ủng hộ các sáng kiến phát, triển khoa học công nghệ ứng dụng để có thể tìm kiếm, phát triển ra các nguồn năng lượng tái tạo, dần loại bỏ các năng lượng tái tạo. Do đó, Tổng thống Biden cho biết, Hoa Kỳ luôn mong muốn và ủng hộ các cam kết mạnh mẽ để hướng tới mục tiêu chung đã đặt ra tại COP26.
Đồng quan điểm với Tổng thống Hoa Kỳ, Tổng thư ký Liên hiệp Quốc (LHQ) cho biết, một trong những vấn đề khó khăn để chuyển dịch năng lượng để hướng tới mục tiêu phát thải ròng vào năm 2050 đó là tài chính, do đó LHQ luôn ủng hộ các quốc gia đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo ổn định để giảm phụ thuộc vào năng lượng hoá thạch hiện nay và LHQ luôn cam kết sẽ hỗ trợ về nguồn lực, tài chính. Đặc biệt, LHQ cũng mong muốn bên cạnh các quốc gia đã đưa ra mục tiêu tại COP 26 thì tới COP27 khối các doanh nghiệp, tập đoàn doanh nghiệp trên thế giới cũng tham gia nhiều hơn nữa.
Tại cuộc họp, đại diện các nền kinh tế lớn trên thế giới cam kết về thực hiện các nhiệm vụ thích ứng với biến đổi khí hậu và cam kết đưa tiến trình phát thải, đặc biệt trong các lĩnh vực về giao thông, vận tải, nông nghiệp không phát thải…, các quốc gia đều ưu tiên đóng góp thực hiện mục tiêu đặt ra trong COP26 và hướng tới những cam kết mạnh mẽ hơn tại COP27.
Phát biểu tại cuộc họp, Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam cảm ơn sáng kiến tổ chức Diễn đàn này cũng như vai trò của Hoa Kỳ trong thúc đẩy thực hiện các cam kết toàn cầu về khí hậu và năng lượng.
Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã khẩn trương triển khai các cam kết tại COP26; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ chuyển đổi năng lượng với năng lượng tái tạo chiếm hơn 33,7% sản lượng điện quốc gia. Trong năm 2020, Việt Nam là đứng đầu ASEAN và nằm trong top 10 quốc gia toàn cầu về công suất lắp đặt năng lượng mặt trời.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin, Việt Nam có nguồn tài nguyên gió ngoài khơi lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á với tiềm năng 311 gigawatt nhờ vào điều kiện địa lý với hơn 3 nghìn km đường bờ biển. Đây là cơ sở để Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng từ than sang năng lượng tái tạo trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, trong quá trình hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 – tầm nhìn tới năm 2045, Việt Nam sẽ tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo (ngoài thủy điện) đạt trên 16,5% vào năm 2030 và 38,3-45,4% vào năm 2045 với các dự án điện mặt trời, năng lượng gió trên bờ và ngoài khơi, sản xuất hydro, amoniac, địa nhiệt, sóng và có thể cao hơn nữa nếu có sự đồng hành và hỗ trợ của quốc tế.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết thêm, Việt Nam đang khởi động đàm phán với các nước Nhóm G7 để thiết lập đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng. Việt Nam cũng đang xây dựng lộ trình thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 cho các ngành như nông nghiệp, giao thông vận tải và sử dụng đất đồng thời tăng tỷ lệ hấp thu các-bon của rừng; thực hiện giảm phát thải khí nhà kính đối với tàu biển hoạt động trên tuyến quốc tế, phi các-bon hóa vận tải biển và triển khai phương tiện giao thông không phát thải, giảm phát thải khí mê-tan trong trồng trọt, chăn nuôi, xử lý chất thải.
Trong tháng 8/2022, Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị đối thoại với các đối tác phát triển, các định chế tài chính, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp trong nước và quốc tế để thúc đẩy hợp tác thực hiện mục tiêu net zero.
Nhân Diễn đàn quan trọng này, Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ một số quan điểm của Việt Nam để thúc đẩy hành động khí hậu và năng lượng:
Theo đó, với việc đại dịch Covid đã được kiểm soát. Tuy nhiên bài học trong ứng phó với đại dịch Covid vừa qua cho thấy, thế giới không an toàn nếu còn 01 nước còn dịch bệnh và vì vậy cả thế giới phải đoàn kết chống dịch và vaccines phòng chống dịch phải được chia sẻ và mọi người dân được tiếp cận. “Tương tự, để đạt mục tiêu chống biến đổi khí hậu toàn cầu đòi hỏi phải có cách tiếp cận toàn cầu và tất cả các nước, không phân biệt phát triển hay đang phát triển phải hợp tác hành động vì mục tiêu net zero vào năm 2050 để giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin.
Bên cạnh đó, Vaccine hiệu quả nhất để chống biến đổi khí hậu là công nghệ xanh, chuyển đổi năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Do đó, cần có cơ chế sử dụng tài chính minh bạch và cơ chế chia sẻ công nghệ xanh (như hydrogien, amoniac…) từ các nước phát triển cho các nước đang phát triển trên nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có phân biệt.
Với những quan điểm như vậy, Việt Nam tin tưởng rằng các quốc gia mới có thể cùng nhau vượt qua khủng hoảng khí hậu và các khủng hoảng khác trong thế giới bất định và hướng tới COP27 bền vững, tốt đẹp.
Theo thông tin chia sẻ từ cuộc họp, nội dung các cuộc họp trước thường tập trung vào vấn đề chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, trong cuộc họp năm nay, vấn đề năng lượng có thể được nhắc đến nhiều hơn khi giá năng lượng trên toàn cầu tăng đột biến lên mức cao nhất trong hàng chục năm qua khiến lạm phát và giá cả các mặt hàng tiêu dùng tăng theo. Đầu năm nay, Hoa Kỳ cũng đã tổ chức cuộc họp cấp bộ trưởng của Diễn đàn các nền kinh tế lớn về năng lượng và khí hậu dưới sự chủ trì của Đặc phái viên Tổng thống Hoa Kỳ về khí hậu John Kerry. Cuộc họp đã tổng kết các kết quả và đề ra ưu tiên cho Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP27, xác định các kế hoạch để tăng cường chống biến đối khí hậu, thúc đẩy hợp tác hành động vì an ninh khí hậu và năng lượng.