Tại huyện Vân Hồ (Sơn La), Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chương trình, dự án thiết thực, thu hút đông đảo cán bộ, người dân tham gia, góp phần chung tay bảo vệ rừng, bảo tồn loài vượn đen má trắng nguy cấp, quý hiếm ở nơi đây.
“Ta đi trồng cây”
Xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ có tổng diện tích 2.779ha thì có tới hơn 1.657ha rừng, trong đó có dải rừng khoảng 1.200ha thuộc 4 bản: Bó Nhàng II, Pa Cốp, Chua Tai và Hua Tạt nằm trên dãy núi đá vôi ở độ cao 1.300-1.600m so với mực nước biển, với tính đa dạng sinh học cao. Nơi đây không chỉ có nhiều loại cây thân gỗ quý mà còn là không gian sinh sống của một quần thể vượn đen má trắng cực kỳ nguy cấp, chỉ có ở Việt Nam và Lào.
Tuy nhiên, do các hoạt động xâm lấn, chia cắt đất rừng làm nương rẫy và khai thác củi của con người, không gian sinh sống cũng như nguồn thức ăn của quần thể vượn đen má trắng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo bà Tô Bích Ngọc, cán bộ PanNature, đó cũng là lý do mà nhân Ngày Môi trường thế giới (5-6) vừa qua, PanNature đã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vân Hồ, Hạt Kiểm lâm huyện Vân Hồ, UBND xã Vân Hồ tổ chức Chương trình “Ngày Môi trường thế giới-Ta đi trồng cây”, với mục đích góp phần phủ xanh các khoảnh rừng trống trong diện tích rừng phòng hộ do cộng đồng quản lý tại bản Hua Tạt.
Hoạt động này đã thu hút sự tham gia của nhiều đoàn viên, thanh niên, thành viên cộng đồng địa phương, thành viên nhóm cộng đồng quản lý tài nguyên thiên nhiên và những người ủng hộ hoạt động trồng cây từ nhiều địa phương trên cả nước. Chỉ trong một ngày, các thành viên đã gieo được 4.500 bom hạt, trồng 1.025 cây dổi, trám dâu da và 250 hom đa-đây là các loài cây tạo thức ăn phù hợp với quần thể vượn đen má trắng. Bởi vậy, hoạt động này đã mang lại hiệu quả kép: Vừa góp phần trồng cây gây rừng, vừa tạo nguồn thức ăn cho loài vượn.
Ông Phan Văn Thăng, cán bộ dự án thường trực Văn phòng Vân Hồ của PanNature cho biết, hoạt động “Ngày Môi trường thế giới-Ta đi trồng cây” nằm trong kế hoạch dài hạn nhằm góp phần phục hồi rừng và bảo tồn loài vượn quý hiếm tại huyện Vân Hồ.
Hiện tại, PanNature đang triển khai song song hai dự án. Dự án thứ nhất nhằm phục hồi rừng bằng các loài cây bản địa với sự tham gia của đoàn thanh niên, hội phụ nữ địa phương cùng khách du lịch tham gia vào hoạt động trồng cây giống và phát tán bom hạt giống trong các chuyến tham quan rừng.
Dự án thứ hai là nghiên cứu bảo tồn vượn đen má trắng dựa vào cộng đồng. PanNature cũng đang triển khai Dự án “Cải tiến bếp củi-Góp sức giữ rừng” nhằm giúp người dân địa phương chuyển đổi từ bếp củi loại cũ sang bếp củi cải tiến, giúp giảm lượng củi sử dụng tới 60%, góp phần bảo vệ rừng; tổ chức Chương trình “Vá rừng trên núi đá” với mục tiêu trồng phục hồi rừng trên dải núi đá vôi nối hai huyện Vân Hồ (Sơn La) và Mai Châu (Hòa Bình)…
Nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên cho thế hệ trẻ
Một trong những cách làm hiệu quả của PanNature trong hoạt động bảo vệ, phục hồi rừng, bảo tồn động vật hoang dã nói chung, trên địa bàn huyện Vân Hồ nói riêng là tuyên truyền, vận động sự chung tay của cả cộng đồng, trong đó có các em học sinh.
Mới đây, gần 90 em học sinh khối 4 và 5 Trường Tiểu học Vân Hồ (xã Vân Hồ) đã tham gia Chương trình giáo dục môi trường “Cùng em đi rừng-gieo hạt” do PanNature cùng Hạt Kiểm lâm huyện Vân Hồ và các thầy, cô giáo Trường Tiểu học Vân Hồ phối hợp tổ chức.
Trong khuôn khổ hoạt động này, các em học sinh và thầy, cô giáo đã gieo được 7.000 bom hạt giống cho khoảng 1,5ha rừng trống và rừng nghèo kiệt tại các bản Pa Cốp và Chua Tai. Từ thành công của chương trình, PanNature tiếp tục phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Vân Hồ và Trường THCS Vân Hồ (xã Vân Hồ) tổ chức cho các em học sinh Trường THCS Vân Hồ đi gieo bom hạt giống cây rừng tại một số khu vực rừng nghèo kiệt…
Các hoạt động này không chỉ giúp phục hồi rừng mà còn góp phần nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho thế hệ trẻ… “Chúng tôi xác định, sự tham gia của cộng đồng là yếu tố tiên quyết cho sự bền vững của các chương trình bảo tồn, bảo vệ rừng cũng như môi trường nói chung. Chính vì vậy, thời gian qua, PanNature đã triển khai các hoạt động tuyên truyền, tạo cơ hội và thúc đẩy cộng đồng tham gia trực tiếp vào hoạt động bảo tồn. Đặc biệt, với các em học sinh, chúng tôi đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, như: Phát động phong trào gom hạt giống, tổ chức hội thi làm bom hạt giống và các chuyến đi gieo bom hạt tại các mảng rừng trống… được nhà trường và các em học sinh hưởng ứng rất nhiệt tình. Thời gian tới, PanNature sẽ tiếp tục duy trì và phát triển các hoạt động này”, ông Phan Văn Thăng cho biết.