Tại đập thủy điện Don Sahong, cách biên giới Lào – Campuchia chưa đầy hai km về phía thượng lưu, Ủy hội sông Mekong (MRC) mới đây đã giới thiệu hai bộ thiết bị đo lường mới nhằm phát hiện kịp thời những tác động nghiêm trọng của các đập thủy điện đến chất lượng nước của sông, dòng chảy hoặc các loài cá.
Công nghệ mới nhiều hứa hẹn
Theo giới thiệu của MRC, bộ thiết bị thứ nhất sẽ theo dõi mực nước và chất lượng nước ngay bên dưới đập – và báo cáo ngay trong thời gian thực nếu nó ghi nhận được yếu tố ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước. Đây là sinh kế vừa là nguồn nước sinh hoạt hằng ngày của hàng triệu gia đình ngư dân và nông dân sống dựa vào sông Mekong.
Thiết bị thứ hai là một hệ thống “viễn trắc âm thanh” được gắn vào một số loài cá di cư xuyên biên giới. Do những con đập có thể phá vỡ môi trường sống của cá nên các nhà khoa học đã lắp đặt một “đường dẫn cá” phức tạp để cá được nâng lên thượng lưu và đưa xuống hạ lưu, nơi chúng thường đẻ trứng và kiếm ăn. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có cách nào kiểm chứng xem liệu lối đi dành cho cá tại đập thủy điện Don Sahong có hoạt động như dự kiến hay không. Hệ thống mới này sẽ cung cấp bằng chứng bằng cách theo dõi chuyển động lên và xuống của cá (còn được gọi là đường cá) tại kênh Hou Sadam và kênh Hou Xangpheuk.
Các nhà khoa học rất quan tâm đến việc các loài cá đang phải đối mặt với những rủi ro nào, bởi nó cũng liên quan đến an ninh lương thực và cuộc sống người dân trên toàn khu vực. Năm 2018, MRC ước tính rằng có gần 70 triệu người xem sông Mekong là nguồn sinh kế chính, trong đó có hơn 40 triệu người – khoảng ⅔ dân số vùng hạ lưu sông Mekong – đang mưu sinh bằng nghề đánh bắt thủy sản ven sông. Tuy nhiên, MRC thường xuyên báo rằng tỷ lệ đánh bắt thủy sản đang giảm, đặc biệt là ở các loài cá vừa và nhỏ.
Hệ thống viễn trắc âm thanh mới đòi hỏi bước dán nhãn đầy tinh vi lên cá nhằm theo dõi chuyển động của chúng. “Có rất nhiều biến số”, Lee Baumgartner, một nhà sinh thái học cá nước ngọt và là giáo sư tại Đại học Charles Sturt, cho biết. Môi trường là yếu tố quan trọng nhất. Công nghệ này hoạt động cực kỳ hiệu quả ở các hồ lớn, đại dương hoặc sông sâu, nhưng chúng ta sẽ tìm hiểu xem nó hoạt động như thế nào ở các kênh nhỏ, vùng nước nông, nước chảy xiết hoặc nước có nhiều ghềnh. Chúng ta sẽ có được phần nào câu trả lời trong thời gian hai hoặc ba tháng tới.”
Công nghệ hỗ trợ việc ra quyết định
Nhu cầu giám sát tốt hơn chất lượng nước sông Mekong đã tăng lên rõ rệt trong những năm qua. Sau khi Mạng lưới Giám sát Chất lượng Nước (WQMN) ra đời vào năm 1985, MRC chỉ đo lường chất lượng nước theo cách thủ công, đều đặn hằng tháng. Họ sẽ báo cáo dữ liệu thu được vào cuối năm, chứ không đưa ra cảnh báo về sự thay đổi đột ngột trong chất lượng nước.
Hơn nữa, trạm Don Sahong thậm chí không phải là thành viên của WQMN – nên sẽ không chia sẻ dữ liệu với MRC. Tuy nhiên, hiện nay, đơn vị vận hành đập đã tham gia vào dự án thí điểm MRC – Giám sát Môi trường chung (JEM). Thiết bị được lắp đặt sẽ tự động đo chất lượng nước sau mỗi 15 phút, sau đó truyền đến cơ sở dữ liệu trung tâm của MRC – cơ sở dữ liệu này tiếp tục được chuyển đến cho các quốc gia thành viên và các cộng đồng ven sông. “Chúng ta cần phải hiểu rõ mối tương quan giữa sự thay đổi mực nước và chất lượng nước – càng sớm càng tốt”, Chanthanet Boualapha, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lào, cho biết. “Trạm Don Sahong nằm ở vị trí thuận lợi về mặt kỹ thuật để giám sát điều này, cũng như giúp tiết kiệm chi phí, vì cả hai loại thiết bị đều nằm gọn trong một khu vực. Các nhà khoa học, nhà quản lý có thể dễ dàng tiếp cận vị trí này quanh năm, từ đó dễ dàng duy trì hoạt động của nó.”
Cùng với việc xây dựng đập, Dự án Thủy điện Don Sahong đã nâng cấp một số kênh tự nhiên xung quanh đập (bao gồm kênh Hou Sadam và Hou Xangpheuk) bao gồm các thiết bị “để thúc đẩy và điều chỉnh mức độ an toàn trong quá trình cá di cư xuyên qua các công trình thủy điện ở cả hai chiều, lên thượng nguồn và xuống hạ lưu.” Việc quan sát chuyển động của cá gần con đập rất quan trọng. Cá di cư, như cá tra dầu Mekong, thường bơi ngược dòng để đẻ trứng, di cư xuống vùng đồng bằng để kiếm ăn, sau đó ấu trùng sẽ trôi dạt để lớn lên và trưởng thành.
Những thiết bị mới được kỳ vọng sẽ giúp MRC không chỉ nắm bắt kịp thời thông tin và có thêm nhiều dữ liệu chính xác hỗ trợ việc ra quyết định. “Để đưa ra được chính sách hiệu quả, cần phải có dữ liệu chính xác”, Giám đốc điều hành của Ban thư ký MRC, Anoulak Kittikhoun, cho hay. “Chúng tôi muốn biết liệu con đập có ảnh hưởng đến dòng chảy và chất lượng nước hay không. Tương tự như vậy, thiết bị cho ta biết lối đi cho cá liệu có hoạt động. Sau đó, nếu cần, chúng tôi sẽ đề xuất các biện pháp thích hợp để điều chỉnh hoạt động của con đập ”. Kittikhoun cũng lưu ý, dự án có giá trị về mặt lâu dài: “Có thể áp dụng những phát hiện và khuyến nghị trong dự án này cho các đập tương tự, từ đó ta sẽ xây dựng được một đập thủy điện không chỉ tạo ra điện mà còn vận hành một cách hài hòa và không ảnh hưởng tới sinh kế của người dân.”