Các thành phố Đông Nam Á đang ngày càng sụt lún trong khi mực nước biển ngày càng dâng cao.
Một số đô thị lớn ở Đông Nam Á được dự báo sẽ thường xuyên chìm trong nước vào năm 2050. Trong khi đó, một giải pháp chống lũ dài hạn như dựng tường chắn sóng – một phương án vẫn còn gây tranh cãi – phải mất ít nhất 20-30 năm mới hoàn thành.
Việc các trận lũ lụt diễn ra thường xuyên hơn, nghiêm trọng hơn ở TP.HCM, Manila, Bangkok hay Jakarta đang là tín hiệu cho thấy điều tồi tệ hơn sắp xảy ra. Có vẻ như các thành phố Đông Nam Á đã không còn nhiều thời gian.
Hàng tỉ USD chống ngập cho TP.HCM
TP.HCM có địa hình bằng phẳng, với 40-45% diện tích chỉ cao hơn 1 m so với mặt nước biển. Điều đó khiến nhiều nơi trong thành phố thường xuyên ngập lụt khi có bão, mưa lớn và nước biển dâng. Những năm gần đây, thời tiết khắc nghiệt trở nên thường xuyên hơn, trong khi các giải pháp chống lũ không bắt kịp tốc độ này. Thêm vào đó, tăng trưởng dân số và đô thị hóa quá nhanh đã khiến thành phố sụt lún 1-2 cm mỗi năm. Theo một báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu, đến năm 2050, một số khu vực của TP.HCM có thể chìm trong nước.
Biến đổi khí hậu không phải là nguyên nhân duy nhất. Một lý do khác là sự biến mất của các kênh đào tự nhiên và không gian xanh giúp thoát nước cho thành phố. Cư dân thì ngày càng đông, đã có thêm 1,8 triệu người chỉ trong giai đoạn 2009-2019, chưa tính dân nhập cư từ nơi khác. Nhưng mật độ không gian xanh cho cây cối chỉ 2 m2/người. “Mật độ này rất thấp. Ở các thành phố phát triển, tỉ lệ này có thể cao hơn gấp 10 lần, thậm chí hơn”, Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch NgoViet Architects & Planners, cho biết.
Theo ông Sơn, hầu hết diện tích của thành phố được tận dụng tối đa nên còn rất ít không gian xanh. “Khi mưa xuống, chúng ta cần đủ không gian xanh để giữ nước”, ông nói.
Thành phố, với diện tích hơn 2.000 km2, đang phát triển quá nhanh đến nỗi đang sụt lún từng ngày, đặc biệt tại những khu vực được bồi đắp gần 2 bên bờ sông Sài Gòn. “Đây là những khu vực có nền đất rất yếu, trong khi mật độ dân cư quá đông”, ông Nguyễn Việt Kỳ, Trưởng Bộ môn Địa kỹ thuật tại Đại học Công nghệ TP.HCM, cho biết.
Tình trạng sụt lún ngày càng tồi tệ khi các công trình được dựng lên. “Những công trình này đã tạo sức ép quá lớn lên hạ tầng hiện tại. Khi mưa to, bạn để ý thấy khu vực bị ngập nặng nhất là khu vực kế bên một công trình mới phát triển nào đó”, ông Nam Sơn quan sát.
Một nguyên nhân khác là việc khai thác quá mức nguồn nước ngầm, từ đó hình thành các hốc ngầm gây sụt lún, khiến cho lớp đất trên cùng bị lún xuống. Hệ thống cấp nước lại không theo kịp tốc độ phát triển của thành phố nên thay vì chờ nước máy, nhiều hộ dân và doanh nghiệp đã khai thác nước ngầm. “Có hàng ngàn giếng nước lớn, nhỏ, quy mô hộ gia đình hay công nghiệp. Lúc đỉnh điểm, theo quan sát của chúng tôi, có hơn 1 triệu m3 nước ngầm được khai thác mỗi ngày trong 20 năm qua”, Tiến sĩ Hồ Long Phi, Giám đốc Điều hành Công ty tư vấn đô thị enCity, nói.
Không chỉ TP.HCM mà cả khu vực đồng bằng Nam bộ đều đang sụt lún nhanh hơn so với mực nước biển. “Tại những điểm nóng, tốc độ sụt lún nhanh hơn gấp 10 lần so với mực nước biển dâng”, ông Nguyễn Hữu Thiện, một chuyên gia sinh thái về đồng bằng sông Cửu Long, nhận xét.
Nếu như tại TP.HCM, khai thác nước ngầm đã gia tốc quá trình sụt lún thì ở đồng bằng sông Cửu Long lại là do tình trạng khai thác cát quá mức để xây nhà cửa, đường sá… “Ngay cả khi ngừng khai thác nước ngầm, tình trạng sụt lún vẫn diễn ra. Nó chỉ chậm hơn, chứ không ngừng lại. Cách duy nhất ngăn quá trình này là phải đảm bảo có nhiều phù sa hơn được lắng đọng ở các vùng ngập lụt”, ông Marc Goichot, thuộc Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại châu Á – Thái Bình Dương, đánh giá.
Ngập lụt nặng sẽ khiến TP.HCM phải trả giá đắt. McKinsey ước tính, thiệt hại hạ tầng do một trận lũ lịch sử 100 năm xuất hiện 1 lần có thể lên tới 200-300 triệu USD. Hiệu ứng dây chuyền sẽ gây tổn thất thêm 100-400 triệu USD nữa. Chỉ riêng thiệt hại về bất động sản có thể lên tới 1,5 tỉ USD. Đến năm 2050, ảnh hưởng về kinh tế có thể gấp 5-10 lần.
Bên cạnh đó, nước biển dâng đang là mối đe dọa rất lớn đối với Việt Nam, vốn nằm trong Top 5 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu (theo World Bank). Ông Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, cho biết mức nước biển dâng trung bình (được đo lường ở thành phố biển Vũng Tàu trong 40 năm qua) là 0,45 cm mỗi năm. “Đây là mức tương đối cao”, ông nói.
Chuyện không của riêng ai
Không chỉ TP.HCM, một số thành phố lớn ở Đông Nam Á thường xuyên sống chung với lũ. Jakarta và Bangkok, chẳng hạn, đã ngập lụt trong hàng trăm năm nay. Jakarta được xây dựng trên vùng đầm lầy, có 13 con sông chảy qua, trong khi Bangkok nằm trên vùng đồng bằng ngập lụt. Các trận lũ lụt hằng năm là chuyện thường ngày ở 2 thành phố này, chỉ là những năm gần đây, tần suất đã trở nên thường xuyên hơn.
Jakarta đang là thành phố sụt lún nhanh nhất thế giới với tốc độ trung bình 5-20 cm mỗi năm do tình trạng khai thác nước ngầm của 40% các hộ gia đình, văn phòng, các ngành sản xuất, kinh doanh tại đây. Ông Victor Coenen, Giám đốc PT Witteveen+Bos Indonesia – công ty đang làm việc với chính quyền Indonesia và Hà Lan để tìm các giải pháp chống lũ – cho biết đã có nhiều kế hoạch như lấn biển, xây đảo nhân tạo, thậm chí là dời thủ đô, nhưng chúng lại ngốn quá nhiều ngân sách, bên cạnh những mối lo ngại khác. Giải pháp hiện nay để bảo vệ Jakarta là nâng cấp tường chắn sóng hiện có với chiều dài 110 km, vốn sẽ giúp bảo vệ thành phố khỏi lũ lụt trong 15-20 năm nữa.
Theo giới quan sát, Jakarta chỉ đang áp dụng các biện pháp tạm thời để tranh thủ thêm thời gian. “Nâng cấp tường chắn sóng hiện có sẽ tốn khoảng 2 tỉ USD. Nếu tình trạng sụt lún không thể kiểm soát trong vài năm tới, có thể sẽ cần đến tường chắn sóng ngoài khơi trong 15 năm. Một bức tường như vậy sẽ tốn khoảng 4-5 tỉ USD. Dĩ nhiên, đi kèm là các công trình hạ tầng thiết yếu khác như cải tạo hệ thống thoát nước trong thành phố, nâng cấp hệ thống cấp nước… Mức kinh phí có thể dễ dàng tăng gấp đôi trong dài hạn”, ông Coenen nói.
Thực vậy, trong khi chờ giải pháp dài hạn hơn, các thành phố đang phải chống đỡ bằng những phương án tạm thời, đơn giản hơn. Ông Jan Willem Roël, sáng lập FlexBase International (chuyên thiết kế và sản xuất các công trình nổi bền vững làm từ EPS và bê tông, từng thực hiện các công trình nổi ở Philippines và Bangladesh), kiến nghị đặt các công trình nổi và vừa ở nước vừa ở cạn đằng sau tường chắn sóng ở Jakarta. Tuy nhiên, cần phải di dời 100 ngôi nhà để xây dựng một công trình nổi. Chi phí vào khoảng 429 USD/m2, một số tiền rất lớn nên phải có sự hỗ trợ của Chính phủ.
“Chúng tôi đang nghĩ đến các ngôi nhà xanh, trang trại cá và nhà hàng… Có nhiều khu vực có thể trữ nước và tháo nước để chống lũ lụt với các công trình nổi được xây dựng ngay trên đó”, ông Roël nói thêm.
Các sáng kiến tương tự đã và đang được triển khai. Ông Yudhistira. S Pribadi, chuyên gia tư vấn về lũ lụt tại Viện Tài nguyên Thế giới ở Jakarta, cho biết chính quyền đang chuyển từ chiến lược quản trị lũ lụt sang các giải pháp dựa trên tự nhiên, chủ yếu thông qua việc xây dựng các công viên đa chức năng để tạm thời trữ nước lũ. “Những nỗ lực quy mô nhỏ có thể là một phần của giải pháp lai, giúp giữ lại lượng nước mà không chứa được bởi tường chắn sóng, như vậy sẽ giảm được lưu lượng nước lúc đỉnh điểm”, ông Pribadi nói.
Nhưng các giải pháp công nghệ luôn ngốn một khoản tiền rất lớn. Sau trận lũ lụt lịch sử năm 2011, chính quyền Bangkok đã tăng chi cho các dự án chống lũ lên tới 10% ngân sách thành phố nhưng con số này đã sụt giảm kể từ đó.
Tại TP.HCM, nhiều ý kiến cho rằng cần phải triển khai đồng thời nhiều giải pháp như xử lý tình trạng khai thác nước ngầm, phát triển thêm không gian xanh và hồ trữ nước xung quanh thành phố, cải thiện hệ thống thoát nước hiện tại…Theo ông Việt Kỳ thuộc Đại học Công nghệ TP.HCM, nhờ hệ thống ống nước khắp thành phố, tỉ lệ khai thác nước ngầm đã giảm đáng kể xuống khoảng 300.000 m3.
Đáng chú ý, để bảo vệ TP.HCM và các khu vực lân cận, giới chức trách đã đề xuất xây dựng đê chắn sóng dài ít nhất 23 km từ Vũng Tàu đến Gò Công, với kinh phí dự kiến 6,8 tỉ USD. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng tường chắn sóng chỉ là giải pháp “phần ngọn” giúp giảm áp lực do nước biển dâng mà không giải quyết được gốc rễ. “Nếu chỉ trị các triệu chứng bằng cách xây tường chắn sóng, bạn không hề giải quyết vấn đề đó mà chỉ là dời vấn đề đó đi mà thôi”, ông Marc Goichot của WWF nhận xét. “Hệ thống đê điều giúp ngăn nước chảy vào vùng ngập lụt, trong khi nước chảy vào vùng ngập lụt lại mang theo phù sa. Đó là giải pháp”, ông nói thêm.
Kinh phí cao cũng đặt dấu hỏi về tính khả thi của dự án này. Một ví dụ là hệ thống tường chắn sóng rất tốn kém ở Hà Lan. Rủi ro cho hệ sinh thái là một lý do khác không thể sao chép cách làm của Hà Lan, theo ông Goichot. “Bạn ngăn sự di chuyển của các chất dinh dưỡng, vốn là thức ăn của sinh vật sống ở đó. Bạn dựng lên rào cản ở nơi mà chúng kiếm ăn hoặc sinh sản, làm ảnh hưởng đến vòng đời của chúng”, ông Goichot nói.
“Người Hà Lan có hệ thống phòng thủ thuộc hàng kiên cố nhất thế giới, nhờ đó họ không bị ngập lụt. Nhưng giờ đây người Hà Lan nhận ra họ đã đánh mất ngư nghiệp và tính đa dạng sinh học. Đó là một cái giá phải trả quá cao. Hiện họ đang tháo dỡ hệ thống đê điều này”, ông nói thêm. Theo ông, vấn đề không phải là cố gắng kiểm soát thiên nhiên mà là sống hòa hợp với thiên nhiên.
Ông Nguyễn Hữu Thiện cũng chỉ ra, đồng bằng sông Cửu Long đã có hệ thống đê bao quanh để bảo vệ đất nông nghiệp, nhưng vẫn không ngăn được ngập lụt. “Khi thủy triều dâng, đẩy nước sông lùi về mà chúng lại không có chỗ để lùi vì đã bị chặn bởi đê điều. Nước phải tìm được chỗ trú ở đâu đó. Vì thế, phải tìm chỗ trữ nước ở các không gian mở như đô thị”, ông Thiện nói.
Xây tường chắn sóng không chỉ là vấn đề kinh phí mà còn là thời gian. Tại Hàn Quốc, dự án khai hoang đất đai và đê chắn sóng Saemangeum dài 33 km mất 30 năm mới hoàn công. Tường chắn sóng cũng mất ít nhất 20 năm để xây dựng, trong khi TP.HCM còn chưa tới 30 năm là đến “hạn chót” năm 2050. Với việc nước biển tiếp tục dâng, đất vẫn không ngừng sụt lún, hạ tầng chưa hoàn thiện, liệu có kịp cứu vãn trung tâm kinh tế đóng góp tới 25% GDP Việt Nam?