Chiều 15-6, tại Hà Nội, Tập đoàn Haemers/Vương quốc Bỉ (HT), Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường/Binh chủng Hóa học (CTET) và Tổng công ty Kinh tế kỹ thuật công nghiệp quốc phòng (GAET)/Tổng cục Công nghiệp quốc phòng phối hợp tổ chức Hội thảo Báo cáo kết quả thử nghiệm công nghệ xử lý dioxin tại Sân bay Biên Hòa do Liên danh CTET và HT đã thực hiện.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thiếu tướng Hà Văn Cử, Tư lệnh Binh chủng Hóa học, Ủy viên Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban chỉ đạo 701) khẳng định, hội thảo là hoạt động nhằm đánh giá, minh chứng hiệu quả và nghiên cứu áp dụng những công nghệ tiên tiến trong xử lý môi trường ô nhiễm nói chung và chất độc hóa học/dioxin nói riêng ở Việt Nam. Mặt khác, đây cũng là dấu mốc quan trọng, bước đầu ghi nhận sự hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và Vương quốc Bỉ trong khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh tại Việt Nam.
Theo Thiếu tướng Hà Văn Cử, mặc dù chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả chất độc hóa học đối với sức khỏe con người và môi trường sinh thái đến nay vẫn còn rất nặng nề. Số liệu thống kê cho thấy, ngoài các điểm nóng bị ô nhiễm nặng, bước đầu được thu gom xử lý thì vẫn còn tồn tại nhiều khu vực bị ô nhiễm cần tiếp tục được quan tâm khảo sát, tẩy độc.
Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn xác định công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh và thực hiện các hoạt động đảm bảo an ninh, an toàn môi trường sống là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài, vừa thể hiện tính nhân văn nhân đạo, vừa đảm bảo những yếu tố cốt lõi cho đất nước phát triển bền vững, thịnh vượng. Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo 701, các bộ, ban, ngành, địa phương và các đối tác quốc tế đã phối hợp làm tốt nhiều hoạt động nghiên cứu, điều tra, khảo sát, đánh giá môi trường bị ô nhiễm chất độc hóa học.
Năm 2018, CTET và HT đã ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai hoạt động thử nghiệm chứng minh hiệu quả của công nghệ giải hấp nhiệt đối với đất nhiễm dioxin tại Sân bay Biên Hòa. Mục tiêu quan trọng nhất của hoạt động thử nghiệm là chứng minh hiệu quả của thiết kế và công nghệ xử lý Smart BurnersTM để xử lý đất nhiễm dioxin về ngưỡng dioxin và furan mục tiêu ở các vị trí xác định, cụ thể là giảm mức độ ô nhiễm về mức dưới 300 ppt TEQ. Mặc dù bị gián đoạn do dịch Covid-19 bùng phát, đến nay, hai bên đã phối hợp chặt chẽ, chủ động và hoàn thành được khối lượng công việc đề ra, đã xử lý bằng công nghệ giải hấp nhiệt được gần 200m3 đất, trầm tích nhiễm dioxin.
Thông qua hội thảo, trên cơ sở các nội dung thảo luận, các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, CTET và HT sẽ phối hợp để hoàn thiện báo cáo Bộ Quốc phòng Việt Nam, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và các cơ quan chức năng liên quan xem xét, áp dụng công nghệ giải hấp nhiệt đã được thử nghiệm làm công nghệ chính và hiệu quả để xử lý đất nhiễm dioxin tại Việt Nam.