Nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành được Đoàn giám sát của Quốc hội chỉ rõ và đưa ra nhiều giải pháp nhằm “gỡ vướng”.
Chậm ban hành văn bản hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch
Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Vũ Xuân Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đã hình thành khung pháp lý để triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch theo quy định của luật. Cơ bản các quy hoạch đã được phê duyệt, Chính phủ cũng đã quan tâm bố trí nguồn lực cả về nhân lực và kinh phí cho nhiệm vụ lập quy hoạch.
“Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, ban hành rất chậm. Một số văn bản hướng dẫn của các Bộ ban hành chưa phù hợp và đồng bộ với Luật Quy hoạch. Nội hàm cụ thể về tích hợp quy hoạch chưa rõ; chưa ban hành được danh mục các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành; chưa có quy định về lựa chọn tư vấn lập quy hoạch…”, đại biểu Vũ Xuân Hùng nêu rõ.
Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn khi nhiệm vụ lập quy hoạch là nhiệm vụ mới, khó và phức tạp nhưng cùng một lúc, có đơn vị tư vấn cho đến 21 tổ chức làm quy hoạch. Trong khi hiện nay chưa có đánh giá chất lượng quy hoạch.
“Liệu có tình trạng sao chép quy hoạch hay không?”, đại biểu Vũ Xuân Hùng bày tỏ.
Còn theo đại biểu Trần Văn Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, vấn đề nổi lên là tiến độ lập quy hoạch rất chậm do nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân do công tác lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch đòi hỏi phải đổi mới toàn diện theo phương pháp tích hợp.
Đây là phương pháp tiếp cận tổng hợp và phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, các lĩnh vực có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường trên một phạm vi lãnh thổ xác minh nhằm đạt được mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững, trong khi chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện cũng còn nhiều bất cập, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ.
Nhiều quy định còn chồng chéo, chưa đồng bộ
Đại biểu Mai Văn Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, cho rằng, qua giám sát cho thấy, mặc dù đã có nhiều nỗ lực của các cơ quan hữu quan trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc lập quy hoạch. Song vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Nguyên nhân là do nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn ban hành còn chậm, chưa kịp thời, còn chồng chéo như hướng dẫn thi hành luật, hướng dẫn lập quy hoạch tích hợp… khiến cho nhiều địa phương lúng túng, ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng của quy hoạch.
Đại biểu Mai Văn Hải bày tỏ: “Hiện nay, mới có 7/111 quy hoạch đã được quyết định; 108/111 quy hoạch đã được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch. Như vậy, tiến độ so với yêu cầu đặt ra là rất chậm”.
Đồng thời, đại biểu Mai Văn Hải cũng cho rằng, bên cạnh việc chậm tiến độ, chất lượng các quy hoạch cũng là vấn đề cần phải quan tâm. Do lần đầu lập quy hoạch tích hợp, trong khi hướng dẫn chưa cụ thể nên cách hiểu còn nhiều khác nhau; quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia chưa xong. Việc lựa chọn các đơn vị tư vấn còn gặp nhiều khó khăn, năng lực đơn vị tư vấn kinh nghiệm chưa có nhiều, có đơn vị tư vấn làm nhiều quy hoạch cùng một lúc.
Giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng lập quy hoạch
Để tháo gỡ khó khăn trước những bất cập nêu trên, vướng mắc, các ĐBQH đưa ra nhiều giải pháp, trong đó nhấn mạnh sự vào cuộc đồng bộ của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương; đồng thời sớm có hướng dẫn cụ thể trong việc thực thi các nhiệm vụ về quy hoạch…
Đại biểu Mai Văn Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế trong công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch.
Đại biểu Hải kiến nghị: “Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan sớm có hướng dẫn cụ thể để việc lập quy hoạch tích hợp đa ngành, tháo gỡ những khó khăn trong lựa chọn tư vấn quy hoạch, bổ sung quy định về điều chỉnh cục bộ quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch chung xây dựng nông thôn và quy hoạch chi tiết điểm khu dân cư nông thôn”.
Cùng đưa giải pháp, Đại biểu Vũ Xuân Hùng cũng đã đề xuất nhiều nội dung. Trong đo cần tập trung rà soát, hoàn thiện pháp luật có liên quan đến quy hoạch, cụ thể là các nội dung còn bất cập của Luật Quy hoạch và các văn bản đã ban hành có liên quan đến Luật Quy hoạch. Đồng thời, ban hành các hướng dẫn quy định có giải pháp xử lý các vướng mắc khi chưa sửa đổi Luật Quy hoạch bằng một nghị quyết của Quốc hội.
Tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch theo tinh thần Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chính phủ cần ưu tiên chỉ đạo nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia trong năm 2022 và quy hoạch vùng để định hướng không gian phát triển kinh tế – xã hội và làm cơ sở cho các địa phương lập quy hoạch tỉnh, thành phố. Đồng thời, đánh giá chất lượng một số quy hoạch đã được phê duyệt để nâng cao chất lượng và nâng tầm của quy hoạch tổng thể quốc gia.
Cùng với đó xử lý ngay những khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ trong lập quy hoạch, như về lựa chọn tư vấn phải đủ năng lực, kinh nghiệm, phải có tư vấn phản biện độc lập, nghiên cứu bố trí nguồn lực ngoài vốn đầu tư công, sử dụng nguồn vốn sự nghiệp, nguồn vốn thường xuyên để các bộ, ngành, địa phương để bảo đảm sự chủ động. Việc điều chỉnh quy hoạch phải linh hoạt, mềm dẻo hơn so với quy định hiện hành.
Bên cạnh đó cần sơ kết, đánh giá 5 năm thực hiện Luật Quy hoạch và có lộ trình kế hoạch để sửa đổi Luật Quy hoạch. Đại biểu nhấn mạnh, Quốc hội cần thường xuyên giám sát thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, hằng năm Chính phủ phải có báo cáo với Quốc hội về việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, trước mắt cần khắc phục ngay những khó khăn, vướng mắc, bất cập nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Các giải pháp trong trung và dài hạn Quốc hội giao Chính phủ tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch và các luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy hoạch để kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy hoạch, các luật có liên quan đến quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. |