Thời gian gần đây, trên địa bàn xã Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) hàng chục ha rừng ngập mặn chắn sóng ven biển “bỗng nhiên” chết khô. Hiện, các chuyên gia lĩnh vực lâm nghiệp đang khảo sát, đánh giá làm rõ nguyên nhân.
Ngày 10/6, PV báo Đại Đoàn có mặt tại xã Kỳ Hà chứng kiến tại bãi bồi khu vực ven biển, hàng loạt cây rừng ngập mặn với nhiều kích thước khác nhau bị chết khô.
Ông Hoàng Văn Hải (65 tuổi, trú tại xã Kỳ Hà) cho biết, rừng ngập mặn khu vực này trước đây phát triển rất xanh tốt, cây cối mọc um tùm. Nếu đứng trên đê nhìn xuống sẽ không nhìn thấy người đi lại trong rừng.
“Mỗi năm, cây sau khi rụng lá sẽ lên chồi mới để phát triển, tuy nhiên năm nay không hiểu lý do gì mà cây chết nhiều đến vậy”, ông Hải nói.
Trao đổi với PV, ông Lê Văn Luyện, Bí thư Đảng uỷ xã Kỳ Hà cho hay, rừng ngập mặn phòng hộ dọc ven biển ở xã Kỳ Hà chủ yếu là đước, mắm, vẹt…, những cây này được trồng từ những năm 1994.
Cũng theo ông Luyện, ngoài vai trò tạo cảnh quan môi trường sinh thái ven biển, rừng ngập mặn còn là nơi trú tránh gió cho tàu thuyền của ngư dân, chắn sóng, triều cường, bảo vệ tuyến đê biển Hải Hà Thư (thị xã Kỳ Anh)
Sau khi phát hiện cây khu vực rừng ngập mặn chết khô hàng loạt, chính quyền địa phương đã báo cáo sự việc gửi lên UBND thị xã Kỳ Anh và các ngành chức năng với mong muốn sớm làm rõ nguyên nhân để có biện pháp bảo vệ số diện tích cây rừng còn lại.
“Năm 2021, người dân cũng như chính quyền địa phương phát hiện có tình trạng cây rừng ngập mặn ven biển của xã có hiện tượng bị chết dần. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, số cây bị khô héo, chết nhiều hơn”, ông Luyện nói.
Ông Đào Đức Giang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Kỳ Anh cho biết, sau khi phát hiện rừng ngập mặn tại xã Kỳ Hà có dấu hiệu chết hàng loạt, Hạt kiểm lâm thị xã đã phối hợp phòng Kinh tế thị xã và UBND xã Kỳ Hà tổ chức kiểm tra tại hiện trường.
Quá trình kiểm tra, tổ công tác xác định diện tích rừng có cây chết khô khó có khả năng phục hồi nằm tại lô số 1, khoảnh 1, tiểu khu 358B với diện tích 25,81 ha trên tổng số 43,21 ha.
“Về trực quan, nhìn chung toàn bộ cây bị trụi lá hoàn toàn, cành bị khô, gãy và bong tróc vỏ ngoài, rễ khí sinh bị thối, khô héo. Quá trình kiểm tra không phát hiện các loài côn trùng gây hại cho cây”, ông Giang nói.
Bước đầu kiểm tra, tổ công tác chưa xác định được nguyên nhân dẫn đến cây rừng trồng ngập mặn bị chết, thời điểm cây chết khoảng từ tháng 1 đến tháng 3 của năm 2022.
Ngày 9/6, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có văn bản số: 1144/SNN-TTBVTV gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh báo cáo về việc diện tích rừng ngập mặn bị chết tại địa bàn xã Kỳ Hà.
Trong báo cáo, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh cũng đề xuất UBND tỉnh Hà Tĩnh xem xét mời các cơ quan đầu ngành về rừng ở Trung ương và các đơn vị liên quan để xác định nguyên nhân rừng ngập mặn bị chết. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan ban ngành sớm có phương án tổ chức trồng thay thế số diện tích cây rừng ngập mặn đã bị chết.
Một số hình ảnh rừng ngập mặn tại xã Kỳ Hà bị chết khô: