Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn và Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh bị kiểm điểm vì thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý bảo vệ rừng để các hộ dân lấn chiếm, chặt phá rừng trái pháp luật. Người dân đã ken cây, bơm thuốc làm cây chết dần nhằm lấn chiếm, chặt phá rừng để trồng mì.
Kiểm điểm trách nhiệm chủ rừng
Năm 2014, UBND tỉnh Bình Định giao cho Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn trồng rừng phục hồi trên diện tích đất trống, đất nương rẫy cũ bỏ hoang với diện tích 26 ha tại huyện Vĩnh Thạnh với nguồn kinh phí 1.475.492.252 đồng tại 3 điểm là tiểu khu 191, xã Vĩnh Hảo, diện tích 7,77 ha; tiểu khu 144, 145, 110, 123, 124 xã Vĩnh Sơn, diện tích 18,23 ha.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện, thì có 14,86 ha rừng bị phá, chiếm đất có cây trồng xen của người dân, trong đó diện tích có rừng, người dân trồng xen cây bời lời, keo 9,67 ha, diện tích không có rừng 5,19 ha. Chủ rừng của 14,86 ha bị người dân chặt phá lấn chiếm, trong đó diện tích đất Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn quản lý là 9,16 ha, diện tích đất địa phương quản lý 5,70 ha, tổng cộng có 38 hộ dân lấn chiếm. Điều đáng nói, sự việc kéo dài nhiều năm nhưng Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn không lập biên bản báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Sau khi có Báo cáo của Thanh tra tỉnh Bình Định về vụ việc trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn tổ chức kiểm điểm nghiêm túc đối với tập thể, cá nhân để xảy ra rừng tự nhiên bị chặt phá, thanh toán tiền giao khoán cho hộ gia đình, tập thể thôn, cộng đồng dân cư nhận khoán quản lý, bảo vệ không phải rừng tự nhiên; kịp thời thu hồi và nộp đầy đủ số tiền thanh toán sai quy định 31.296.000 đồng vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra tỉnh.
Tổ chức kiểm điểm và có hình thức xử lý đối với tập thể, cá nhân của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn có liên quan đến việc để mất cây trồng trên diện tích rừng trồng do Nhà nước đầu tư, trong đó có người dân lấn, chiếm 9,16ha đất để canh tác nhưng không lập biên bản báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, xác minh về đối tượng, vị trí và diện tích lấn chiếm đối với 9,16 ha đất do người dân lấn chiếm trái phép, tổ chức phối hợp với chính quyền địa phương thu hồi đất lấn chiếm, quản lý, sử dụng theo quy định.
Cùng đó, yêu cầu Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh tổ chức kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân trong việc buông lỏng quản lý, bảo vệ rừng để rừng bị chặt phá và có biện pháp chấn chỉnh những tập thể cộng đồng dân cư và hộ khoán bảo vệ rừng tự nhiên để xảy ra rừng bị chặt phá, cháy và bị khai thác trái phép.
Tăng cường công tác bảo vệ rừng
Tại tiểu khu 124 xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, phóng viên ghi nhận nơi đây có hàng chục cây keo lai do Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn trồng từ năm 2014. Thế nhưng, ở mỗi thân cây đều có tình trạng bị cạo tróc lớp vỏ bên ngoài. Một số gốc cây khác bị đốt, đào, chặt nhánh, ngã đổ. Xen kẻ giữa nhưng cây keo lai này là cây mì được trồng với mật độ dày, phát triển khá tốt.
Ông Hồ Văn Hể – Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn cho biết: Tiểu khu 124 xã Vĩnh Sơn là một trong 6 tiểu khu trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh được Công ty tiến hành trồng các loại cây keo lai, sao đen trên diện tích đất trống, đất nương rẫy cũ bỏ hoang để phục hồi rừng theo chủ trương của UBND tỉnh Bình Định vào năm 2014. Tuy nhiên, sau khi cây keo lai phát triển, người dân sinh sống xung quanh tiểu khu 124 xã Vĩnh Sơn đã ken cây, cạo lớp vỏ để tiêm thuốc vào trong thân cây với mục đích làm cây chết dần sau 1-2 năm rồi tiến hành lấn chiếm để trồng xen cây mì vào. Sự việc này còn xảy ra tương tự tại các tiểu khu khác trong một thời gian dài.
Ông Hồ Văn Hể tiếp lời: Trong quá trình trồng rừng phục hồi, có những vị trí gần với nương rẫy của người dân nên họ đã lấn chiếm. Cán bộ của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn kịp thời phát hiện sự việc nhưng không lập biên bản báo cáo với cấp có thẩm quyền. Sai sót này đã được Công ty chấn chỉnh, yêu cầu kiểm điểm cán bộ quản lý địa bàn.
“Hiện nay, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn trồng lại 9,5 ha để bù vào diện tích đất rừng bị phá, lấn chiếm. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với ngành chức năng, chính quyền địa phương để thu hồi lại 9,16 ha do Công ty quản lý nhưng đang bị người dân lấn chiếm, canh tác, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền bảo vệ rừng đến người dân để họ không tái lấn chiến và chặt phá rừng trái phép”, ông Hồ Văn Hể nói.
Trả lời thêm với phóng viên, ông Lê Minh Thông – Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết: UBND huyện Vĩnh Thạnh cũng đã yêu cầu Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn và Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh có biện pháp ngăn chặn kịp thời hành vi phá hoại, lấn chiếm đất rừng trồng và phát hiện đối tượng để xử lý theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, vì đối tượng vi phạm là người đồng bào dân tộc thiểu số nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Người dân không thực hiện việc nộp phạt. Cơ quan chức năng cũng không sử dụng được các biện pháp cưỡng chế do người dân không có tài sản.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động để người dân không lấn chiếm, phá rừng. Trong thời gian tới, lực lượng chức năng huyện tăng cường kiểm tra việc canh tác, sản xuất của người dân để kịp thời phát hiện và ngăn chặn ngay từ ban đầu các hành vi lấn chiếm đất rừng, phá hoại cây rừng cũng như việc giải quyết bài toán sinh kế cho người dân ổn định thông qua hình thức hỗ trợ kinh phí khoán bảo vệ rừng để người dân có trách nhiệm hơn với công tác bảo vệ rừng, không thực hiện các hành vi lấn chiếm đất rừng, phá hoại cây rừng”, ông Lê Minh Thông nói.