Hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà kêu gọi các bộ, ban, ngành và người dân cùng thống nhất trong nhận thức và hành động để ứng xử có trách nhiệm với biển và đại dương; thúc đẩy hơn nữa việc phát triển các cộng đồng văn minh sinh thái biển.
Tối ngày 11/6, tại TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Phú Yên tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Đại dương thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà, đại dương bao phủ hơn 70% bề mặt Trái Đất là cái nôi của sự sống, có vai trò quan trọng trong việc duy trì các hoạt động kinh tế, các giá trị văn hóa, tinh thần của con người. Một nửa lượng ô-xy của hành tinh chúng ta được tạo ra từ đại dương. Đại dương cũng là nơi cư trú của hầu hết đa dạng sinh học trên Trái đất và là nguồn cung cấp protein chính cho hơn một tỷ người.
Tuy nhiên, đại dương của chúng ta hiện đang đối mặt với những nguy cơ chưa từng có do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, các hoạt động khai thác tài nguyên thiếu bền vững, ô nhiễm môi trường và suy giảm hệ sinh thái biển.
Theo cảnh báo của Liên hợp quốc, 90% quần thể cá lớn bị cạn kiệt và 50% rạn san hô bị phá hủy; ô nhiễm rác thải nhựa đã chạm đến nơi sâu nhất trong lòng đại dương và con người đang lấy đi từ đại dương nhiều hơn những gì có thể được bổ sung.
Vì vậy, “Hồi sinh: Cùng hành động vì đại dương” được lựa chọn làm chủ đề của Ngày Đại dương thế giới 2022. Chủ đề này nhấn mạnh việc nhân loại cần khẩn trương chung tay hành động nhằm hồi sinh đại dương, phục hồi các hệ sinh thái biển, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường biển, mang lại sức sống mới cho đại dương, qua đó kiến tạo tương lai bền vững của con người và muôn loài.
Nhân dịp Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022, Bộ trưởng đề nghị các Ban, bộ, ngành và địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, các tổ chức quốc tế cùng thống nhất trong nhận thức và hành động để ứng xử một cách có trách nhiệm với biển và đại dương; thúc đẩy hơn nữa việc phát triển các cộng đồng văn minh sinh thái biển.
Thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo, phát triển các ngành kinh tế biển nhằm thu hút mạnh hơn các nguồn lực đầu tư; chú trọng phát triển nuôi biển xa bờ tại các đảo tiền tiêu; đẩy mạnh nuôi trồng và khai thác có trách nhiệm tại các vùng biển xa bờ và viễn dương phù hợp với từng vùng biển,khả năng phục hồi của hệ sinh thái.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế, cùng với 27 tỉnh, thành ven biển khác trong cả nước, Phú Yên có bờ biển dài 189km với nhiều dãy núi theo hướng đông- tây, tạo ra nhiều đầm, vịnh, bãi biển đẹp, dòng nước trong xanh, bờ cát trắng, nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao. Đây cũng là vùng đất có nhiều di tích, danh thắng về biển, đảo rất độc đáo; các lễ hội đặc sắc mang đậm bản sắc của ngư dân vùng biển; tất cả tạo nên nét văn hóa riêng và thế mạnh cho phát triển du lịch, nhất là du lịch biển.
Nhận thức được vị trí, vai trò, tiềm năng đặc biệt quan trọng của biển đối với sự phát triển của tỉnh, trong nhiều nhiệm kỳ qua; Đảng bộ, chính quyền và các thế hệ lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm, phát huy lợi thế về biển, đề ra nhiều giải pháp để phát triển kinh tế biển. Hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển được đẩy mạnh; công nghiệp ven biển từng bước phát triển, kinh tế hàng hải bước đầu hình thành,… đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong tỉnh nói chung và vùng biển, ven biển nói riêng.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cũng cho biết, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế, tiến tới ngăn chặn căn bản tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu vực ven biển và trên biển, tăng cường xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường; hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh…Đồng thời, tận dụng tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, nhất là du lịch biển và khai thác, nuôi trồng thủy sản; khuyến khích ngư dân bám biển sản xuất kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Phát biểu tại Lễ mít tinh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định, bảo tồn và khai thác bền vững biển, đại dương và tài nguyên biển đã trở thành thước đo phát triển của nhiều quốc gia.
Phát triển kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển, bảo đảm hài hoà giữa phát triển kinh tế – xã hội với bảo vệ môi trường đang là xu thế tất yếu.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị cần thực hiện một số nhiệm vụ: Nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của biển và hải đảo, tạo sự đồng thuận, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài và cộng động quốc tế trong công cuộc bảo vệ biển, đảo và phát triển bền vững kinh tế biển.
Đồng thời, đánh giá toàn diện những thách thức trong công tác bảo vệ chủ quyền, khai thác bền vững tài nguyên biển, hải đảo, tình hình ô nhiễm biển ở mỗi địa phương để có chính sách ưu tiên để giải quyết hiệu quả. Xác định kinh tế biển là động lực để phục hồi các hoạt động kinh tế – xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung và kinh tế của các địa phương nói riêng sau dịch COVID-19.
Cũng trong chiều 11/6, Tỉnh Phú Yên đã phát động Chương trình trồng cây xanh tại tháp Nghinh Phong, thành phố Tuy Hòa. Tại lễ phát động, các đại biểu đã tham gia trồng 15 cây bàng vuông tại Quảng trường Tháp Nghinh Phong, thành phố Tuy Hòa.