Từ năm 2016 đến nay, thông tin “núi Etna của Italia – núi lửa cao nhất và hoạt động mạnh nhất ở châu Âu – thải ra lượng CO2 nhiều gấp 10.000 lần so với lượng CO2 con người thải ra trong toàn bộ thời gian tồn tại trên Trái đất” đã nhiều lần được lan truyền trên mạng xã hội. Tuy nhiên, các nhà khoa học và tổ chức quốc tế đã đưa ra bằng chứng và số liệu để khẳng định đây là thông tin vô căn cứ.
Thông tin lan truyền
Ngày 2/6/2022, trên mạng xã hội Twitter xuất hiện một “meme” có nội dung cho rằng lượng CO2 mà núi Etna đã thải vào bầu khí quyển nhiều gấp hơn 10.000 lần lượng CO2 mà loài người đã thải ra trong toàn bộ thời gian chúng ta có mặt trên Trái đất. “Tuy nhiên, đừng lo lắng, một mưu đồ đang được thực hiện để đánh thuế lượng phát thải rất nhỏ mà bạn tạo ra”, meme này cho biết.
Meme là hình ảnh, video kèm tiêu đề hoặc âm thanh mang tính giải trí một cách hài hước, được truyền bá rộng rãi trên mạng xã hội. |
Meme này đã nhanh chóng được lan truyền trên Twitter với gần 9.000 lượt chia sẻ. Trước đó, ít nhất từ năm 2016, meme tương tự cũng đã xuất hiện trên mạng xã hội.
Kiểm chứng
Trong thư điện tử gửi tới hãng Reuters, ông Boris Behncke, chuyên gia nghiên cứu núi lửa của Đài Thiên văn Etna thuộc Viện Địa vật lý và Núi lửa quốc gia Italia (INGV), khẳng định meme này là “hoàn toàn vô lý” và “cung cấp thông tin sai lệch”.
Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), các đánh giá khoa học đã được công bố ước tính lượng phát thải của tất cả núi lửa trên mặt đất và dưới biển nằm trong khoảng 0,13 gigaton đến 0,44 gigaton mỗi năm.
Lượng phát thải CO2 này chỉ bằng một phần lượng phát thải do các hoạt động của con người tạo ra. Theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), năm 2021, lượng phát thải CO2 toàn cầu trong quá trình đốt cháy năng lượng và các quá trình công nghiệp đã lập kỷ lục với 36,3 tỷ tấn (hoặc gigaton).
“Ở cấp độ toàn cầu, lượng CO2 mà các núi lửa đang thải ra bằng một vài phần trăm của lượng phát thải CO2 do con con người tạo ra”, ông Bechkne nói. Ông cũng lưu ý rằng phát thải CO2 từ các hoạt động của con người đã tăng đáng kể trong những thập kỷ qua trong khi lượng phát thải của các núi lửa lại không tăng như vậy.
Ông Simon Carn, Giáo sư Kỹ thuật địa chất và khai thác và Khoa học tại Đại học Công nghệ Michigan (Mỹ) cũng có quan điểm tương tự. Ông cho biết thêm, ước tính lượng phát thải CO2 của núi Etna là khoảng 3 triệu tấn mỗi năm. Do đó, lượng khí thải CO2 của núi Etna bằng xấp xỉ 0,01% lượng khí thải do con người tạo ra trong một năm điển hình. Một lần phun trào của núi Etna sẽ thải ra ít CO2 hơn nhiều, và do đó, tỷ lệ phần trăm sẽ còn nhỏ hơn.
Trên thực tế, những lần núi lửa phun trào mạnh có thể thải ra lượng lớn CO2, nhưng việc này thường hiếm xảy ra và lượng CO2 phát ra vẫn nhỏ so với lượng phát thải của con người.
Năm 2020, ông Carn cho biết với Reuters rằng, những lần núi lửa phun trào mạnh nhất trong những năm gần đây thải ra khoảng 10 đến 50 tấn CO2.
Khẳng định
Núi Etna không thải ra lượng CO2 nhiều gấp 10.000 lần so với lượng phát thải của con người trong toàn bộ thời gian tồn tại trên Trái đất. Meme được chia sẻ trên mạng xã hội đã lan truyền thông tin hoàn toàn vô lý và sai lệch. Ước tính lượng phát thải CO2 của toàn bộ núi lửa trên Trái đất chỉ bằng một phần lượng phát thải từ các hoạt động của con người.