Đạo luật Ngà voi mới của Anh có hiệu lực vào ngày 6/6 đang bị cho là tạo điều kiện việc thương mại bất hợp pháp các bộ phận cơ thể khác của voi.
Da, chân, tai và đuôi voi sẽ vẫn bị buôn bán ở Anh, bởi vì Đạo luật Ngà voi của nước này không đưa các bộ phận cơ thể voi vào trong danh mục cấm buốn bán.
Chính phủ Anh được ca ngợi về việc ban hành Đạo luật Ngà voi năm 2018, có hiệu lực vào 6/6/2022, trong đó mua bán ngà voi trái phép có thể chịu mức phạt lên tới 250.000 bảng Anh hoặc 5 năm tù. Tuy nhiên, Đạo luật này vẫn có lỗ hổng trong việc quản lý việc buôn bán các bộ phận cơ thể voi.
Theo số liệu chính thức, Anh đã nhập khẩu 325 bộ phận từ voi không ngà trong vòng 10 năm qua, bao gồm 173 tấm da, 84 bàn chân, 47 tai và 21 đuôi voi. Hơn 3/4 bộ phận cơ thẻ voi nhập khẩu vào Anh là chiến lợi phẩm từ hoạt động săn bắn voi tại Botswana, Nam Phi và Zimbabwe, cũng là những quốc gia có nhiều voi nhất.
Tiến sĩ Mark Jones, người đứng đầu Văn phòng Chính sách của Tổ chức Born Free Foundation, chia sẻ rằng: Born Free hoan nghênh việc thực thi Đạo luật Ngà voi của Vương quốc Anh có hiệu lực vào ngày 6 tháng 6. Tuy nhiên, các bộ phận khác trên cơ thể voi vẫn tiếp tục được săn lùng vì nhiều mục đích khác nhau, gây ảnh hưởng tới quần thể voi hoang dã.
Theo các hiệp ước quốc tế, buôn bán các bộ phận cơ thể voi châu Á và một số quần thể voi châu Phi đã bị cấm kể từ năm 1975. Tuy nhiên, Công ước Quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) đã cho phép một vài trường hợp ngoại lệ. Chẳng hạn như quần thể voi ít “nguy cơ hơn” ở Botswana, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe đã trở thành món hàng trong những thương vụ hợp pháp của những người buôn bán bộ phận cơ thể voi, miễn là những người này xoay sở được giấy phép.
Botswana đã bán đấu giá 70 con voi bị bắn vào năm 2021, trong khi Nam Phi bổ sung thêm 150 con voi vào “hạn ngạch săn bắn” năm 2022 của nước này.
Đạo luật Ngà voi của Anh quy định việc mua hoặc bán ngà voi – bao gồm cả ngà voi từ những quần thể voi ít “nguy cơ hơn” – cũng sẽ là một hành vi phạm tội, chỉ mốt số món hàng đủ tiêu chuẩn mới được miễn trừ. Tuy nhiên, Đạo luật này lại không đề cập đến các bộ phận khác trên cơ thể voi – như da, bàn chân, tai và đuôi – nghĩa là chúng có thể tiếp tục được mua bán tại Anh theo như khuôn khổ của pháp lý cũ.
Có nhiều lo ngại rằng, đạo luật có thể tạo ra một hệ thống hai tầng gây hoang mang, vì cơ quan thực thi pháp luật áp dụng các quy định khác nhau với các bộ phận cơ thể của cùng một con vật.
Chân của những loài vật có kích thước lớn thường được sử dụng để tạo ra những chiếc ghế đôn. Tổng thống Botswana, Mokgweetsi Masisi, đã tạo lên một sự chấn động vào năm 2019 khi tặng cho lãnh đạo các nước láng giềng ghé thăm những chiếc ghế làm từ chân voi.
Da voi được cho là một thành phần trong phương thuốc chữa bệnh chàm của các nhà y học cổ truyền Trung Quốc và Đông Nam Á. Da voi sẽ được nghiền nát và trộn với dầu để tạo thành hỗn hợp cao bôi giống như đất sét.
Ngay cả bộ phận sinh dục và thân của voi cũng được các nhà sản xuất bia theo phương pháp truyền thống săn lùng, mặc dù dữ liệu thương mại chính thức cho thấy cả hai bộ phận này đều không được nhập khẩu vào Anh trong ít nhất một thập kỷ qua.
Các tổ chức bảo tồn từng lên bày tỏ quan ngại rằng Đạo luật Ngà voi không kiểm soát được những kẻ săn bắn – đối tượng không bị cản trở bởi những thay đổi của đạo luật, miễn là họ chứng minh được việc nhập khẩu ngà voi của họ là hoàn toàn phục vụ mục đích “cá nhân”, không phải vì “thương mại”.
Phát ngôn viên của chính phủ Anh cho biết: “Cùng với lệnh cấm cứng rắn của chúng tôi đối với buôn bán ngà voi, chúng tôi cam kết cấm nhập khẩu các chiến lợi phẩm từ hoạt động săn bắn các loài mang tính biểu tượng, như voi – đi đầu trong việc củng cố và hỗ trợ quá trình bảo tồn lâu dài đối với loài này”.
Ông Jones chia sẻ: “Chúng tôi khẩn cầu Chính phủ Vương quốc Anh thực hiện tốt và tức thì cam kết cấm nhập khẩu những chiến lợi phẩm săn bắt từ voi và các loài bị đe dọa khác, cũng như chấm dứt việc nhập khẩu và buôn bán các mẫu vật từ voi.”