Vụ khai thác khoáng sản trái phép với quy mô lớn, diễn ra trong thời gian dài nhưng một số cán bộ địa phương chịu trách nhiệm quản lý trên địa bàn chỉ bị kỉ luật cao nhất là cảnh cáo.
Để “đá tặc” lộng hành, nhiều cán bộ bị kỷ luật
Trao đổi với phóng viên, Thiếu tướng Phạm Thế Tùng – Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết vụ án “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” xảy ra tại xóm Kèn, xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp, công an đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang cơ quan Viện kiểm sát để truy tố.
Trước đó, vào ngày 13.7.2021, lực lượng Công an do Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An Phạm Thế Tùng trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo bắt quả tang hàng chục đối tượng và phương tiện đang khai thác đá trắng trái phép quy mô lớn tại khu vực núi Phá Chủng, xóm Kèn, xã Châu Lộc, Quỳ Hợp.
Lực lượng chức năng tạm giữ 5 máy xúc đào, 1 ôtô tải, 4 máy cắt đá (máy cắt 2 dây), 2 máy làm hơi, 2 máy khoan đứng phục vụ cho hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Số lượng khoáng sản bị khai thác trái phép thu giữ tại hiện trường khoảng 800m³ đá trắng các loại, trị giá khoảng 10 tỉ đồng.
Cơ quan điều tra đã tạm giữ đối tượng Trần Văn Bảy, SN 1970, trú tại xóm Minh Xuân, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp – là chủ điểm khai thác khoáng sản trên. Kiểm tra kho chứa hàng của chủ cơ sở, lực lượng chức năng phát hiện thu giữ gần 100m³ đá trắng các loại. Số khoáng sản (đá hoa trắng) các loại bị khai thác trái phép có khối lượng 1.200 m3. Công an đã khởi tố vụ án và nhiều bị can liên quan.
Liên quan vụ việc, vào ngày 3.6, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Nghệ An xem xét, thi hành kỷ luật đối với một số lãnh đạo huyện Quỳ Hợp có trách nhiệm trong vụ việc khai thác đá trái phép tại xóm Kèn, xã Châu Lộc.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp thiếu kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cấp dưới nên không kịp thời phát hiện để có biện pháp xử lý dứt điểm, bị kỷ luật khiển trách.
UBKT Tỉnh ủy Nghệ An kỷ luật cảnh cáo đối với ông Lê Sỹ Hào – Trưởng phòng TNMT và ông Nguyễn Minh Khôi – nguyên Phó Trưởng phòng TNMT huyện Quỳ Hợp do có trách nhiệm liên đới.
Ngoài ra, ông Trần Đức Lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cũng có khuyết điểm, phải kiểm điểm trách nhiệm và rút kinh nghiệm nghiêm túc. Ông Phan Đình Đạt, Bí thư Huyện ủy Quỳ Hợp có khuyết điểm thiếu chỉ đạo kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các văn bản, kết luận, chỉ đạo về quản lý hoạt động khoáng sản.
Không phát hiện sai phạm kịp thời do COVID-19?
Liên quan trách nhiệm vụ khai thác đá trắng trái phép nói trên, ông Vi Văn Hùng – Chủ tịch UBND xã Châu Lộc đã bị kỷ luật cảnh cáo, ông Lữ Văn Long – Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch HĐND xã và ông Hồ Xuân Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã Châu Lộc cùng bị khiển trách. Đối với nữ cán bộ địa chính xã Châu Lộc hiện đang nuôi con nhỏ nên chưa có quyết định kỷ luật.
Do tính chất nghiêm trọng của vụ việc, nhiều người dân cho rằng mức độ xử lý trách nhiệm đối với những cán bộ liên quan chưa thỏa đáng, cần làm rõ có hay không hiện tượng “bảo kê”, vì để nhiều người khai thác khoáng sản trái phép hoạt động ngang nhiên trong thời gian dài (gần 1 tháng) mà không có giải pháp ngăn chặn.
Trao đổi với phóng viên, ông ông Vi Văn Hùng – Chủ tịch UBND xã Châu Lộc cho biết đối với địa phương cũng đã có những biện pháp xử lý theo thẩm quyền, những vấn đề quá thẩm quyền thì đã báo cáo lên cấp trên và không có hiện tượng bảo kê.
Một lãnh đạo huyện Quỳ Hợp cũng cho biết không có hiện tượng bảo kê, còn việc lãnh đạo huyện bị kỉ luật là do sai phạm xảy ra trên địa bàn nên phải chịu trách nhiệm. Vị lãnh đạo này cũng lý giải nguyên nhân chậm phát hiện sự việc khai thác đá trắng trái phép tại xã Châu Lộc là do thời điểm đó dịch COVID- 19 bùng phát, cơ quan chức năng địa phương đang tập trung lo chống dịch, địa bàn xã Châu Lộc đang có một ca cách ly.