Đặc phái viên của tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry cảnh báo xung đột tại Ukraine không nên là cái cớ để kéo dài phụ thuộc vào than đá.
Trả lời BBC, ông Kerry chỉ trích nhiều nước không tuân thủ các cam kết đưa ra tại hội nghị COP26 ở Glasgow, Scotland hồi tháng 11/2021. Vấn đề khí hậu sẽ được các nước tiếp tục thảo luận tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu Bonn, diễn ra ngày 6-16/6 tại Đức.
Sự thống nhất tại Glasgow có thể bị thách thức tại Bonn khi các nước đối mặt với những áp lực giá cả sinh hoạt và tình hình xung đột tại Ukraine. Ông Kerry cho rằng “thế giới vẫn chưa đi đủ nhanh” để kiềm chế sự phát thải đang khiến nhiệt độ toàn cầu tăng.
Nếu các nước ngày càng phụ thuộc vào than đá do tình hình Ukraine, thì “chúng ta sẽ bị nướng chín”, ông John Kerry nói.
Tiến trình các cam kết sau COP26
Phân tích của BBC cho biết có rất ít tiến triển trong các vấn đề được đưa ra tại hội nghị COP26.
Kể từ sau hội nghị ở Glasgow, thế giới đối mặt với nguy cơ khủng hoảng năng lượng do giá khí đốt tăng. Điều này còn trầm trọng thêm do xung đột tại Ukraine và gián đoạn nguồn cung toàn cầu.
Giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao trong bối cảnh chính phủ các nước muốn đảm bảo nguồn cung nội địa.
Một vài quốc gia đã chậm trễ trong việc thực hiện các cam kết cắt giảm phát thải carbon như đã đưa ra tại COP26, trong đó có Ấn Độ hay chủ nhà COP27 Ai Cập.
Người dân Ấn Độ tránh nóng dưới cây cầu tại New Delhi hồi tháng 5. Ảnh: Anadolu Agency.
Dù vậy, vẫn có triển vọng rằng các nhà lãnh đạo sẽ xem xét tình hình khí hậu là vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt sau những đợt nắng nóng gay gắt tại Ấn Độ và Pakistan, có liên quan đến việc sử dụng năng lượng hóa thạch.
“Tôi nghĩ thảo luận ở Bonn sẽ cho thấy liệu ý chí chính trị chỉ là lời nói, hay sẽ có những cam kết thực sự để thay đổi trong chính sách và chi tiêu để giải quyết những vấn đề được đưa ra”, Alex Scott, chuyên gia từ trung tâm nghiên cứu môi trường E3G, cho biết.
Chưa thể từ bỏ nhiên liệu hóa thạch
“Điều đang xảy ra là giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao chưa từng có”, Lauri Myllyvirta, thành viên Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch, cho biết. Ông nói thêm đây là thời điểm mà năng lượng sạch có thể cạnh tranh với năng lượng hóa thạch về giá cả.
Một vài quốc gia chọn cách tăng sản lượng than, chẳng hạn Ấn Độ – đã mở lại 100 mỏ than mà trước đó cho rằng không đem lại lợi nhuận. Dù vậy, trong quý I/2022, Ấn Độ đã bổ sung 3 GW công suất điện mặt trời, tăng 21% so với quý IV/2021.
Tại châu Âu, nơi đã lên kế hoạch giảm phụ thuộc năng lượng nhập từ Nga, nhiều quốc gia đang kiếm nguồn cung nhiên liệu hóa thạch thay thế trước rủi ro khủng hoảng năng lượng vào mùa đông, khi nhu cầu sử dụng khí đốt để sưởi ấm tăng vọt.
Các nhà môi trường lo lắng các nước sẽ đầu tư vào hạ tầng nhiên liệu hóa thạch trong dài hạn, chẳng hạn Đức vừa thông báo sẽ xây thêm các cảng chứa khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Điều này có thể kéo dài việc sử dụng khí đốt và lượng khí thải vẫn sẽ ở mức cao.
Hai “cường quốc phát thải” đối lập
Trung Quốc đang giữ vị trí quốc gia phát thải CO2 lớn nhất thế giới, chiếm 29,18% tỷ trọng phát thải toàn cầu, cao hơn gấp đôi so với nước xếp thứ hai là Mỹ (14,02%), theo Worldometers.
Đánh giá gần đây cho thấy Trung Quốc có lần giảm lượng phát thải carbon dài nhất trong một thập niên. Báo cáo chỉ ra lượng phát thải carbon bắt đầu giảm từ mùa hè năm 2021, và đã giảm 1,4% tính đến quý I/2022.
Điều này đến từ việc thị trường bất động sản tại Trung Quốc chậm lại trong năm trước, cũng như đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại và các lệnh phong tỏa ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế.
Ngoài ra, sản xuất xe điện tại Trung Quốc cũng đã tăng gấp đôi trong một năm, chiếm 20% tổng số phương tiện mới được sản xuất trong thời điểm này. Số lượng turbine gió và trang trại năng lượng mặt trời đi vào hoạt động trong 4 tháng đầu năm 2022 đã tăng 100% so với mức kỷ lục hồi năm 2021.
Dù sản lượng than tăng, các nhà quan sát tin rằng phát thải của Trung Quốc sẽ giảm trong năm nay, ảnh hưởng đến các nơi khác trên thế giới.
“Chúng tôi có thể nhận thấy lượng khí thải (ở Trung Quốc) ít hơn trong năm nay do giá nhiên liệu hóa thạch tăng và vì nền kinh tế đang gặp khó khăn”, ông Myllyvirta cho biết.
Trong khi đó, sản lượng dầu của Mỹ vẫn không ngừng tăng, trong bối cảnh Tổng thống Joe Biden gặp khó khăn khi đưa ra các dự luật về khí hậu.
Theo phân tích từ Rystad Energy, lượng dầu thô từ mỏ dầu Permian – lớn nhất nước Mỹ – dự kiến tăng lên 1 triệu thùng/ngày trong năm nay. Chỉ tính riêng khu vực Tây Texas đã có sản lượng dầu lớn hơn bất kỳ quốc gia nào khác ngoại trừ Nga và Saudi Arabia.
Thách thức cho thỏa thuận Paris
Để duy trì mục tiêu trong thỏa thuận khí hậu Paris – giữ mức tăng nhiệt toàn cầu không vượt quá 1,5 độ C – về cơ bản lượng khí thải carbon cần phải được cắt giảm một nửa vào năm 2030.
Dù vậy, Văn phòng Khí tượng Vương quốc Anh cho biết hiện có 50% nguy cơ mức tăng nhiệt độ Trái Đất sẽ vượt 1,5 độ C trong 5 năm tới. Các chuyên gia nhận định thế giới sẽ ghi nhận kỷ lục năm ấm nhất trong giai đoạn 2022-2026.
Với nhiều quốc gia đang phát triển và các quốc đảo nhỏ, mức tăng nhiệt 1,5 độ C sẽ ảnh hưởng đến mực nước biển và đe dọa sự tồn vong của quốc gia.
Tại Maldives, Bộ trưởng Môi trường, Biến đổi khí hậu và Công nghệ Aminath Shauna từng nhận định nếu tình trạng hủy hoại môi trường tiếp tục với tốc độ như hiện tại, Maldives sẽ biến mất vào năm 2100.
Triển vọng tại hội nghị Bonn
Dù còn nhiều vấn đề, các bên tham dự Hội nghị Biến đổi khí hậu Bonn 2022 tin rằng có một số cơ sở để lạc quan.
Khủng hoảng năng lượng khiến các cuộc thảo luận về máy bơm nhiệt và xe điện trở thành đề tài chính tại Bonn, điều mà các hội nghị COP chưa làm được.
Hội nghị lần này cũng là thời điểm đặt việc giải quyết vấn đề khí hậu sẽ là chìa khóa đối phó với những thách thức khác.
“Hiện có một số cuộc khủng hoảng gắn liền với nhau, và các chính phủ có thể nắm bắt cơ hội này để giải quyết những cuộc khủng hoảng đó, đồng thời tận dụng các cơ hội và xây dựng hợp tác toàn cầu”, David Waskow, thành viên thuộc Viện Tài nguyên Thế giới, nhận định.