Đây là 1 trong 4 chuyên đề giám sát được Quốc hội biểu quyết thông qua. Việc lựa chọn chuyên đề này có ý nghĩa quan trọng trước thách thức lớn về bảo đảm an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu đủ năng lượng để phát triển kinh tế – xã hội.
Biểu quyết thông qua 4 chuyên đề
Chiều 6/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XV, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023.
Sau khi nghe Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết.
Trong đó, liên quan đến chuyên đề 4 về phát triển năng lượng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc lựa chọn chuyên đề này có ý nghĩa quan trọng khi đất nước ta đang đứng trước thách thức lớn về bảo đảm an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu đủ năng lượng để phát triển kinh tế – xã hội, sinh hoạt của người dân.
Đồng thời, có giải pháp định hướng cho việc thực hiện chỉ tiêu phát thải ròng và đòi hỏi cấp thiết về việc chuyển đổi nguồn năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, sinh khối…
Theo biểu quyết, năm 2023, Quốc hội quyết định sẽ giám sát tối cao chuyên đề 1 và 2; chuyên đề 3 và 4 sẽ giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát. Cụ thể như sau:
Chuyên đề 1: Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Chuyên đề 2: Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Chuyên đề 3: Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.
Khơi thông chính sách cho năng lượng tái tạo
Theo kinh nghiệm của các nước phát triển trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, để phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo thì cần tập trung vào các chính sách, hạ tầng truyền tải và điều độ vận hành hệ thống điện.
“Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 đã tạo tiền đề phát triển thị trường điện Việt Nam, với đóng góp ngày càng lớn của nguồn điện năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời và điện gió, giúp đảm bảo an ninh cung cấp điện cho hệ thống điện lưới của Việt Nam.
Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Tiến Dũng – Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, nguồn năng lượng tái tạo hiện chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng công suất nguồn điện Việt Nam. Bên cạnh đó, trong tính toán của Bộ Công Thương tại Quy hoạch điện VIII, phát triển năng lượng tái tạo không là chưa đủ. Bộ Công Thương vẫn có nhà máy nhiệt điện đốt than và có thể đến năm 2040 vẫn vận hành; có các nhà máy nhiệt điện khí vẫn đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư.
Cho nên, Bộ Công Thương đã tính toán đến phương án trong khi xây dựng quy hoạch điện 8 là các dự án điện than sẽ chuyển đổi: có những dự án đến thời điểm sẽ đóng cửa; một số dự án sẽ chuyển đổi sang chạy bằng nguồn sinh khối. Tuy nhiên, nguồn sinh khối cũng không có đủ để phục vụ mục tiêu chuyển đổi của tất cả các nhà máy nhiệt điện than.
“Để đạt được mục tiêu này và nhằm phát triển mạnh các nguồn điện năng từ năng lượng tái tạo thì phải có cơ chế khuyến khích mạnh mẽ, có những ưu đãi về đất đai, giá điện… Tuy nhiên, khi các nguồn điện này đã phát triển thì phải có cách thức lựa chọn các nhà đầu tư theo hướng phù hợp hơn. Chúng tôi đang nghiên cứu đề xuất mô hình, cơ chế lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức đấu thầu. Đây sẽ là phương thức áp dụng không chỉ cho nhà đầu tư điện mặt trời, điện gió mà còn áp dụng cho tất cả các loại hình năng lượng tái tạo khác trong tương lai” – ông Dũng cho hay.
Trong khi đó, theo quan điểm của bà Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến về dịch chuyển Năng lượng, xu hướng phát triển về năng lượng của Việt Nam những năm gần đây chủ yếu tập trung vào năng lượng tái tạo. Những đột phá về mặt chính sách cũng góp phần mang lại sự thay đổi này khi Chính phủ đã có những chính sách kịp thời thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo phát triển, nhất là hai chính sách về cơ chế hỗ trợ giá cố định trong 20 năm (giá FIT) cho điện mặt trời và điện gió.
Đây là hai công cụ chính sách kích hoạt thị trường. Bắt đầu từ năm 2018, tỷ lệ năng lượng tái tạo chỉ chiếm 1%, nhưng đến năm 2021, tỷ lệ công suất lắp đặt năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã tăng lên 29%, cho thấy vai trò quản lý và tầm nhìn của Chính phủ trong phát triển nguồn phù hợp với phát triển kinh tế.
Mặc dù vậy, các chính sách về cơ chế tài chính cho năng lượng tái tạo đang có khoảng trống, giá FIT cho điện mặt trời và điện gió đã kết thúc vào cuối tháng 10/2021. “Trong 2 năm qua, Chính phủ đã có nhiều thảo luận liên quan đến giá FIT. Với điện mặt trời, sau giá FIT 1 là giá FIT2. Với điện gió sau giá FIT 1 từ năm 2011 và giá FIT 2 là năm 2018. Tuy nhiên, cơ chế đấu thầu hiện vẫn chưa rõ sẽ được thực hiện như thế nào? Đây cũng là điểm cần làm rõ thời gian tới”, bà Ngô Thị Tố Nhiên cho biết.
Bên cạnh đó, cần có chính sách phát triển năng lượng tái tạo có lộ trình xuyên suốt, liên tục, mới có thể duy trì thị trường phát triển và cơ chế bình đẳng hơn với các nguồn như đấu thầu theo dạng hình năng lượng hoặc đấu thầu dịch vụ bảo trì lưới điện.
Đánh giá về những vướng mắc chính sách cho ngành năng lượng tái tạo, ông Nguyễn Quang Huân, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tư nhân Việt Nam đánh giá, một trong những “nút thắt” chính sách là Quy hoạch điện VIII. Hiện nay, Quy hoạch điện VIII chưa được phê duyệt sẽ là nút thắt đầu tiên cản trở các chính sách tiếp theo.
Vì vậy, cần có hướng dẫn về chính sách giá, cũng như hướng dẫn quy trình đấu thầu để các nhà đầu tư có thể nắm rõ khi giá FIT không được áp dụng hay về một số vấn đề khác như lộ trình phát triển công nghệ cho ngành điện. Trong khi đó, điện rác với Việt Nam còn khá mới, các địa phương hầu như lúng túng trong lựa chọn công nghệ, thậm chí, các bộ, ngành chưa có hướng dẫn cụ thể liên quan đến vấn đề này.