Tình trang hồ đập xuống cấp có thể xảy ra sạt trượt, lún sụt thân hoặc nền đập, vỡ đập, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho vùng hạ du đang là lời cảnh báo cấp bách đối với huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh) trước mùa mưa bão.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hương Khê, tính đến năm 2022, địa bàn có trên 26 công trình hồ, đập có nguy cơ mất an toàn cần được sửa chữa, nâng cấp. Tuy nhiên, theo tính toán tổng kinh phí vượt quá khả năng của địa phương.
Những hồ chứa trên hầu hết đã xẩy ra hiện tượng thấm qua thân đập, vai đập; hệ thống tràn xả lũ kết cấu chủ yếu bằng đất, kích thước nhỏ không đảm bảo tiêu thoát vào mùa mưa lũ. Tại đập Nhà Tầu thuộc xã Hương Trạch và điểm sạt lở dọc sông Tiêm thuộc địa bàn thôn Phú Hòa xã Hương Xuân cho thấy sự xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân nơi đây.
Ông Trịnh Xuân Thắng- Chủ tịch UBND xã Hương Xuân, huyện Hương Khê cho biết: “Tình trạng sạt lở dọc bờ sông đi qua địa bàn xã đã diễn ra nhiều năm nay. Đặc biệt, ở thôn Phú Hòa, từ năm 2016 trở lại đây tình trạng sạt lở càng nghiêm trọng, có nơi lấn sâu khoảng 35 m chiều ngang”.
“Trung bình mỗi năm có khoảng trên 30 mét đất của làng bị lòng sông nuốt chửng. Người dân thôn Phú Hòa đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng việc này nằm ngoài khả năng của xã”, ông Thắng nói.
Được biết, hàng năm, cứ đến mùa mưa bão, chính quyền xã Hương Xuân lại tổ chức di chuyển các hộ dân trong vùng ảnh hưởng về địa điểm khác. Mặc dù vậy, đây cũng chỉ là phương án tạm thời, về lâu dài tình trạng này nếu không được khắc phục thì nguy cơ mất đất cả thôn Phú Hòa là rất cao.
Trước thực trạng phải thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, mưa lũ tàn phá, để ổn định đời sống người dân về trước mắt cũng như lâu dài, đặc biệt là bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, cơ sở hạ tầng và đất sản xuất trong mùa mưa lũ, năm 2019, huyện Hương Khê đã đề xuất tỉnh và các bộ, ngành quan tâm xem xét hỗ trợ 537 tỷ đồng đầu tư, xây dựng các công trình cấp bách.
Trong đó, xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, đoạn qua các xã: Hương Thủy, Hà Linh, Phương Mỹ, Hương Xuân, Gia Phố và Hương Liên với kinh phí 385 tỷ đồng; xây dựng cầu Tân Trung – xã Hương Trạch 65 tỷ đồng, đập Khe Ruộng – xã Hương Đô 30 tỷ đồng, đập Khe Vạng – xã Hương Liên 15 tỷ đồng; đập Khe Mui – xã Hương Lâm 12 tỷ đồng; đập Khe Mây – xã Hương Đô 10 tỷ đồng, cầu tràn Hương Vĩnh 10 tỷ đồng, nâng cấp – sửa chữa đường huyện lộ 4 với kinh phí 10 tỷ đồng.
Nhờ vậy, những năm qua nhiều công trình ứng phó với thiên tai trên địa bàn huyện Hương Khê được đầu tư xây dựng, sữa chữa, nâng cấp. Một số công trình cụ thể như, dự án sửa chữa, nâng cấp đập Bắc – xã Phú Gia có tổng mức đầu tư 2,3 tỷ đồng từ nguồn vốn khắc phục thiên tai của tỉnh; đầu tư sửa chữa nâng cấp hồ Thùng Trứa ở xã Hương Trạch 5,3 tỷ đồng…
Tuy vậy, trên địa bàn đến nay vẫn còn rất nhiều công trình thủy lợi đã được xây dựng từ 30 đến 40 năm, nay đã xuống cấp nghiêm trọng và cần được nâng cấp, sữa chữa. Trươc thực trạng đó, ông Đặng Ngọc Sơn- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh mới đây đã có chuyến kiểm tra để nắm rõ thực trạng.
Theo đó, qua kiểm tra, ông Đặng Ngọc Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị huyện Hương Khê và các xã chủ động triển khai các phương án, tổ chức kiểm tra, đánh giá thực trạng của các hồ, đập và một số điểm sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn để tranh thủ mọi nguồn lực tập trung sửa chữa, khắc phục các công trình hồ, đập xuống cấp nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão năm nay.