“Sống ở đây lâu nay nhưng chưa bao giờ có hiện tượng sụt lún như vậy. Mỗi ngày lại ăn, ngủ không yên vì không biết lúc nào, nhà ai sẽ bị sụt lún”, người dân xã Châu Hồng lo lắng.
Nhiều ngày qua, bà Lê Thị Nga (49 tuổi, trú bản Na Hiêng) phải gửi hai con đến nhà người thân sống tạm, còn vợ chồng bà ở lại trông coi tài sản và căn nhà chờ sập cạnh hố sụt lún sâu hơn 5 m cạnh giường ngủ.
Nhà ba Nga là một trong số 232 căn nhà ở xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), bị ảnh hưởng do sụt lún, nứt nẻ song chưa rõ nguyên nhân.
Có nhà không dám ở
Chưa hết bàng hoàng khi chứng kiến căn nhà xuất hiện hố sụt lún sâu hoắm, bà Nga cho biết rạng sáng 27/5, khi cả gia đình đang ngủ, bà bất giác nghe tiếng nổ lớn như mìn dưới lòng đất. Choàng tỉnh dậy, bà cùng chồng bật đèn ra ngoài sân thì phát hiện cạnh nhà xuất hiện hố lớn, sâu hút, sụt lún không ngừng.
Hoảng hốt, người phụ nữ gọi lớn hai đứa con đang ngủ phòng bên, cạnh miệng hố, ra ngoài và hô hoán người dân thu dọn đồ đạc, chạy ra con đường lớn trước nhà. Nhưng hố sâu liên tiếp bị sụt khiến nhiều người không dám vào nhà chuyển đồ mà phải đợi đến lúc trời sáng. Chứng kiến căn nhà xây kiên cố bị sụt một phần móng, người dân bản Na Hiêng hiện lên nỗi lo sợ, bởi biện tượng sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.
“Cứ sau một tiếng nổ là miệng hố lại rộng thêm một chút, khoét sâu vào móng nhà, lấn vào giữa phòng ngủ của hai con. Sống ở đây bao lâu nay nhưng chưa bao giờ có hiện tượng lạ như vậy. Ở bản này chả ai ăn ngon ngủ yên vì lo không biết hố sụt lún sẽ xuất hiện lúc nào, nhà ai?”, bà Nga tâm sự.
Người phụ nữ cho biết căn nhà được vợ chồng bà xây dựng chưa đến 20 năm và được đan móng giằng nên khá chắc chắn. Tuy nhiên, việc hố sụt lún làm sụt một phần móng, hở hàm ếch khiến họ lo lắng căn nhà có thể đổ bất cứ lúc nào.
Cách đó không xa là nhà anh Vi Văn Hòa (34 tuổi) cũng xảy ra trường hợp sụt lún, nứt toác. Người đàn ông cho biết từ năm 2021, một vệt nứt lớn từ ngoài ruộng chạy vào vườn và trong nhà. Cột trụ căn nhà sàn của gia đình cũng vì thế bị nhổ lên khỏi trụ bê tông, nghiêng về một phía.
“Nhiều đêm nằm ngủ, cứ hễ nghe tiếng động lạ hay tiếng răng rắc của thanh gỗ nhà là mọi người lại í ới gọi nhau chạy ra ngoài. Con cái và người lớn tuổi thì tôi phải gửi đi ở nhờ nhà người thân, cuộc sống đảo lộn, lo lắng”, anh nói.
Theo anh Hòa, lâu nay cuộc sống người dân địa phương yên bình, không có hiện tượng lạ trên. Tuy nhiên, từ khi một số mỏ khai thác khoáng sản đi vào hoạt động rầm rộ đã khiến nước ngầm bị tụt, giếng nước khô cạn. Nhà cửa, ruộng đồng cũng vì thế mà liên tiếp xuất hiện các hố sụt lún sâu đến 20 m.
Lo lắng sự việc tiếp tục xảy ra, người dân từng kéo nhau vào hầm lò của một công ty khai thác quặng gần khu dân cư để phản đối. Ngoài ra, người dân địa phương cũng nhiều lần kiến nghị mong cơ quan chức năng sớm làm rõ nguyên nhân, có phương án xử lý song hơn hai năm qua họ vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Để đảm bảo an toàn, người dân xã Châu Hồng có nhà sụt lún, nứt nẻ đã phải đến nhà người thân ở tạm và chuyển đồ dùng ra khỏi khu vực có thể sụt lún để giảm bớt thiệt hại.
“Gom góp xây cất được căn nhà nhưng giờ cũng không dám vào ở. Ăn uống hay sinh hoạt, phơi lúa gặt về cũng đều ở sân cả, không biết đến bao giờ mới hết cảnh này”, bà Hoàng Thị Lan (56 tuổi) thở dài khi nhìn căn nhà cấp 4 lạnh lẽo từ khi có hố sụt lún sâu xuất hiện giữa phòng khách.
Không chỉ gây sụt lún, nứt nẻ nhà ở, ruộng vườn, mấy năm qua, gần 300 hộ dân ở xã Châu Hồng có giếng nước đều cạn khô. Để có nước sinh hoạt, các hộ dân phải chung tiền lắp đặt ống nước dài 4-5 km từ đầu nguồn suối và xây các bể chứa tại nhà hoặc hứng nước mưa. Tuy nhiên, việc đưa nước về nhà vẫn không đủ dùng hoặc gặp trắc trở khi ống dẫn nước thường bị trâu bò dẫm gãy, hay lúc mưa lớn nước đục không thể dùng.
Chưa rõ nguyên nhân
Theo lãnh đạo UBND xã Châu Hồng, hiện tượng giếng nước khô cạn, sụt lún gây nứt nẻ ở đồng ruộng, nhà dân xảy ra hơn 2 năm qua, nhưng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân.
Thực trạng sụt lún gây ảnh hưởng đến 232 hộ dân của 6 bản, 299 giếng nước khô cạn khiến cuộc sống người dân đảo lộn, mất đất sản xuất, mất nước sinh hoạt. Nhiều nhà dân bị nứt nẻ, sụt lún, uy hiếp tính mạng và tài sản.
Trong khi người dân đều cho rằng một trong những nguyên nhân gây nên sự cố trên là do hoạt động bơm, hút, khai thác nước ngầm của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn, cần có sự đánh giá chính xác từ cơ quan chức năng.
“Hơn 2 năm qua, cuộc sống người dân ở xã bị đảo lộn và luôn sống trong lo lắng. Không chỉ các hộ dân mà chính quyền cũng chờ kết luận, đánh giá từ cơ quan chuyên môn về nguyên nhân để sớm có phương án xử lý giúp người dân yên tâm sinh sống, sản xuất”, vị lãnh đạo xã Châu Hồng nói.
Còn ông Trần Đức Lợi, Phó chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, nói rằng thời gian qua, mỗi lần xuất hiện các hố sụt lún, huyện đều xuống kiểm tra song không đủ năng lực tìm nguyên nhân nên liên tục báo cáo sở, ngành của tỉnh để thành lập đoàn khảo sát, kiểm tra. Tuy nhiên, sau nhiều lần các đoàn kiểm tra vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân và giao lại cho huyện theo dõi.
“Trước mắt, huyện đã chỉ đạo đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân vùng sụt lún nguy hiểm. Huyện cũng đã chỉ đạo tạm dừng hoạt động bơm hút, khai thác nước ngầm của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản ở xã Châu Hồng để phối hợp với sở, ngành liên quan đánh giá nguyên nhân, xử lý hiện tượng”, ông Lợi nói với Zing.
Trong cuộc đối thoại với Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung, người dân xã Châu Hồng bày tỏ lo lắng về việc sụt lún diễn ra thời gian dài, ảnh hưởng đời sống, sinh hoạt song cơ quan chức năng chậm xử lý, khiến hiện tượng càng xảy ra nghiêm trọng.
Người đứng đầu UBND tỉnh Nghệ An đã đánh giá việc phối hợp xử lý tình trạng trên còn chưa kịp thời và sẽ làm rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp liên quan. Ông Trung cũng yêu cầu công an tỉnh vào cuộc, làm rõ những người tự ý lấp các hố sụt lún khi cơ quan chuyên môn đang khảo sát, tìm nguyên nhân. Nếu xác định cơ sở khai thác khoáng sản nào trên địa bàn có liên quan đến tình trạng sụt lún, nứt nẻ đất, nhà ở, công trình, sẽ yêu cầu bồi thường, đảm bảo quyền lợi cho người dân chịu ảnh hưởng. Ngoài ra, các sở, ngành được chỉ đạo cần phối hợp với Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ khảo sát, đánh giá, tìm nguyên nhân gây ra sụt lún, giếng cạn, hạn cuối đến ngày 30/7. |