Từ việc xếp hạng chỉ số bảo vệ môi trường sẽ tạo nên một cuộc thi đua bảo vệ môi trường ở các tỉnh, thành phố; khơi dậy và tạo động lực cho chính quyền và người dân chung tay gìn giữ môi trường xanh – sạch – đẹp hơn.
Bộ TN&MT đang thực hiện việc đánh giá, xếp loại chỉ số bảo vệ môi trường năm 2021 của các địa phương.
Theo đó, dựa trên kết quả này, Bộ sẽ biểu dương, động viên các địa phương làm tốt và có nhiều cố gắng trong công tác bảo vệ môi trường; đồng thời, nhắc nhở, phê bình các địa phương xếp thứ hạng cuối. Bộ cũng sẽ nhắc nhở các địa phương báo cáo chậm, không đầy đủ, còn để xảy ra điểm nóng ô nhiễm môi trường. Đồng thời, có cơ chế cộng điểm nếu địa phương thực hiện tiêu chí môi trường thực sự nổi bật, xuất sắc.
Phát biểu tại cuộc họp Hội đồng thẩm định kết quả thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường năm 2021, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, việc chấm điểm, đánh giá xếp hạng bảo vệ môi trường các địa phương phải khách quan, minh bạch, đúng nguyên tắc. Thứ trưởng cũng hy vọng, từ việc xếp hạng này sẽ tạo nên một cuộc thi đua bảo vệ môi trường ở các tỉnh, thành phố; khơi dậy và tạo động lực cho chính quyền và người dân chung tay gìn giữ môi trường xanh – sạch – đẹp hơn.
Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường (Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định), nội dung đánh giá của Bộ chỉ số năm 2021 gồm 2 nhóm. Nhóm 1 là nội dung đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường được thực hiện thông qua đánh giá kết quả thực hiện 22 chỉ số thành phần. Nhóm 2 là nội dung đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống, gồm 08 tiêu chí/vấn đề về chất lượng môi trường liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân.
Việc đánh giá, xếp hạng kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương được thực hiện bằng hình thức tính điểm của từng chỉ số thành phần của Bộ chỉ số và Chỉ số tổng hợp đánh giá kết quả bảo vệ môi trường cấp tỉnh. Điểm của từng chỉ số thành phần nhóm I được xác định căn cứ vào kết quả thực hiện chỉ số thành phần của mỗi địa phương, kết quả thực hiện cao nhất trong số các địa phương và điểm tối đa được gán theo trọng số cho chỉ số thành phần đó.
Đối với điểm của chỉ số thành phần nhóm II được xác định thông qua kết quả trả lời theo các phương án được thiết kế trong Phiếu điều tra xã hội. Chỉ số tổng hợp kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương (Chỉ số PEPI) được xác định từ tổng số điểm đạt được của các chỉ số thành phần và và trọng số của Bộ chỉ số, có số điểm tối đa là 100 điểm. Trong đó: số điểm đạt được của các chỉ số đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường có số điểm tối đa là 70 điểm, số điểm đạt được của chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống có số điểm tối đa là 30 điểm.
Được biết, trên cơ sở kết quả rà soát, thẩm tra, đánh giá, đề nghị làm rõ thêm về kết quả tự đánh giá của các địa phương, kết quả điều tra xã hội học và căn cứ phương pháp tính điểm được quy định trong Bộ chỉ số, Cơ quan Thường trực Hội đồng đã tổng hợp, xác định sơ bộ kết quả tính điểm đối với từng chỉ số thành phần, tổng số điểm của Bộ chỉ số năm 2021 (Chỉ số PEPI 2021) của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đáng lưu ý, sẽ có trường hợp địa phương bị trừ điểm vì còn nhiều điểm nóng về ô nhiễm môi trường, có nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường được báo chí, dư luận phản ánh trong năm 2021. Việc trừ điểm cũng sẽ áp dụng đối với các trường hợp gửi hồ sơ tự đánh giá kết quả thực hiện các chỉ số nhóm I về Bộ TN&MT muộn. Bộ cũng xem xét, có hình thức khen thưởng của Bộ trưởng Bộ TN&MT đối với các địa phương có kết quả thực hiện Bộ chỉ số năm 2021 cao nhất.
Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), năm 2020 là năm đầu tiên áp dụng Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đây là năm thứ 2 Bộ TN&MT tính điểm Chỉ số PEPI đối với từng địa phương và xếp thứ hạng kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương. Bộ trưởng Bộ TN&MT sẽ phê duyệt kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương; Bộ TN&MT công bố, công khai kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương một cách khách quan, minh bạch.
Đánh giá về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho rằng, việc xếp hạng bảo vệ môi trường của các địa phương có tác động tích cực khi thúc đẩy chuyển biến thực chất trong công tác quản lý ở các cấp, các ngành, đồng thời khơi dậy ý thức, trách nhiệm đối với mỗi người dân. Vì vậy, Thứ trưởng yêu cầu, việc đánh giá phải khách quan, minh bạch, trung thực, công bố rộng rãi để tạo động lực cho toàn xã hội vì một môi trường xanh hơn, bền vững hơn.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Môi trường sớm thành lập Hội đồng thẩm định kết quả, xem xét việc khen thưởng đối với các địa phương thực hiện tốt. Đơn vị cũng cần hoàn thiện quy chế có tính pháp quy để các tỉnh áp dụng, đồng thời có các chỉ số mềm phù hợp với từng năm để việc đánh giá đạt hiệu quả thực chất hơn. |