Việc lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi ni-lông, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường
Tình trạng xả rác bừa bãi nơi công cộng là chuyện không mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ. Hầu như không gian công cộng nào cũng hứng chịu rác thải. Nhiều điểm du lịch bỗng trở thành nơi trú chân của rác chỉ sau mấy ngày nghỉ lễ.
Áp dụng “phạt nguội”
Thực tế cho thấy công tác xử phạt hành vi xả rác bừa bãi, đổ trộm rác thải vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đủ sức răn đe. Dù quy định xử phạt đối với các hành vi vứt rác bừa bãi, tiểu tiện, đại tiện, vứt tàn thuốc lá đã có từ lâu nhưng việc triển khai gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc pháp luật chưa quy định phạt nguội trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong khi việc xử phạt quả tang chưa hiệu quả.
Cần sửa đổi quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường.
Theo đó, bổ sung cơ sở pháp lý, quy trình sử dụng dữ liệu thu được từ các phương tiện, thiết bị kỹ thuật do tổ chức, cá nhân cung cấp (camera an ninh ở khu dân cư, tuyến đường; camera hành trình; camera giám sát tại nơi công cộng…) làm căn cứ để phạt nguội, tăng cường hiệu quả xử phạt đối với các hành vi vi phạm vệ sinh môi trường nơi công cộng. Việc cho phép xử phạt nguội giống như trong lĩnh vực giao thông sẽ làm tăng đáng kể hiệu quả xử phạt, tăng tính răn đe, giảm thiểu hành vi xả rác bừa bãi nơi công cộng.
Các cơ quan chức năng cũng cần rà soát, tổng hợp những hạn chế, vướng mắc để kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ sửa đổi các nghị định liên quan theo hướng thống nhất, đồng bộ, phù hợp với thực tế. Song song đó, địa phương tiếp tục trang bị đầy đủ thùng rác công cộng, nhà vệ sinh công cộng; phân loại rõ rác tái chế và không tái chế. Đề cao vai trò giám sát của người dân, quy trách nhiệm người đứng đầu ở địa phương…
Đổi mới công nghệ
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi gia đình sử dụng 1 kg túi ni-lông/tháng. Ở những thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM, số lượng rác nhựa mỗi ngày thải ra môi trường lên đến 80 tấn. Chỉ có khoảng 10% rác thải nhựa Việt Nam được tái chế, còn lại hơn 90% đem đi chôn lấp hoặc xả ra môi trường. Việc lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi ni-lông, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường.
Để khắc phục vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam, yếu tố quan trọng quyết định thành công là đổi mới công nghệ. Cần có lộ trình, giải pháp thu hút đầu tư vào công nghệ để thực hiện việc phân loại rác tại nguồn, tăng cường khả năng tái sử dụng, tái chế các thành phần rác thải nhựa; sử dụng vật liệu thay thế túi ni-lông và sản phẩm nhựa dùng một lần…
Sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường, quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại và tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường. Đẩy nhanh việc hoàn thiện và ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp môi trường, trong đó có công nghiệp tái chế. Ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về công nghệ, thúc đẩy phát triển thị trường trao đổi sản phẩm phụ, sản phẩm thải bỏ để kết nối chuỗi giữa thải bỏ – tái chế – tái sử dụng để rác thải, chất thải trở thành tài nguyên thứ cấp trong hệ thống vòng kín của chu trình sản xuất mới.
Xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu vào, áp dụng khoa học công nghệ vào các ngành, đặc biệt là xử lý rác thải, để tái tạo nguyên liệu mới. Quy định lộ trình thay thế các nhiên liệu, sản phẩm sử dụng nguyên liệu nguy hại, sản phẩm sử dụng một lần bằng các nhiên liệu, nguyên liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm sử dụng nhiều lần, kéo dài thời gian sử dụng hữu ích của sản phẩm.
Xây dựng lối sống xanh Ngày nào cũng phải đi qua những chỗ đầy rác, chứng kiến một số người thản nhiên xả rác xuống đường…, tôi rất khó chịu, có lúc lên tiếng nhắc nhở thì bị làm lơ hoặc nhận những ánh nhìn thiếu thiện cảm. Ý thức, thói quen không thể thay đổi một sớm một chiều. Hiện mức phạt đã có, cái cần là thực thi nghiêm khắc, hiệu quả hơn. Thời điểm này, TP HCM cần xử phạt mạnh, ngoài phạt tiền cần bắt buộc khắc phục hiện trạng. Song song đó, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội… Với trách nhiệm của một công dân, mỗi người nên tự xây dựng lối sống xanh. Trước khi vứt rác, khạc nhổ ra đường…, hãy nghĩ nếu đó là nhà, phòng riêng của mình, để dừng ngay việc bôi bẩn. Hạn chế dùng túi ni-lông, túi đựng bằng nhựa, ly nhựa, hộp xốp, thay thế bằng túi giấy, túi vải, đem bình nước hoặc hộp cơm cá nhân… cũng là cách mà mỗi người có thể thực hiện để cải thiện môi trường. Tại mỗi hộ gia đình, nên tập thói quen phân loại rác tại nguồn, thùng đựng rác có nắp đậy riêng, thu gom rác thải sinh hoạt đúng nơi quy định… Nhiều người có ý thức sẽ tạo thành nét văn hóa đẹp và môi trường sẽ sớm được cải thiện, sạch đẹp hơn. Phạm Vũ Lâm |