Lên án mạnh mẽ việc đánh bắt, sử dụng động vật hoang dã trái phép là thông điệp chính được đưa ra tại Hội thảo “Tăng cường hợp tác liên ngành trong việc chống săn bắn, buôn bán, tiêu thụ, sử dụng động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Nghệ An” do Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam phối hợp Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An, tổ chức ngày 30/5.
Với hơn 3.000 loài thực vật bậc cao; 942 loài động vật có xương sống, trong đó có 169 loài thú; 376 loài chim; 192 loài lưỡng cư, bò sát… tỉnh Nghệ An không chỉ được biết đến là địa phương có hệ sinh thái rừng đa dạng, nhiều loài động thực vật quý hiếm, mà còn được nhắc đến là địa bàn phức tạp về buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã, gây ra tác động xấu đến an toàn các hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học. Nhất là việc nuôi nhốt, kinh doanh, buôn bán, giết mổ động vật hoang dã trái phép như hổ, gấu, các loài chim, bò sát… được phát hiện tại nhiều địa điểm ở Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành.
Theo Chi cục Phó Chi Cục kiểm lâm Nghệ An Nguyễn Anh Tuấn, khó khăn lớn nhất trong việc kiểm tra, xử lý là lực lượng tuần tra, truy quét mỏng. Các đối tượng săn bắn động vật hoang dã thường hoạt động vào ban đêm hoặc sáng sớm nên khi phát hiện lực lượng chức năng không bắt được người vi phạm mà chỉ thu giữ được tang vật.
Việc triển khai thực hiện, công tác phối kết hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm về quản lý động vật hoang dã trong một số bộ phận nhân dân vẫn còn diễn ra do tập quán, thói quen sử dụng các sản phẩm động vật hoang dã trong nhân dân còn chưa chấm dứt triệt để.
Đồng quan điểm trên, Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát Trần Xuân Cường cho rằng: Đa dạng sinh học cùng tài nguyên thiên nhiên quý giá của đất nước nói chung và của tỉnh Nghệ An nói riêng sẽ được bảo vệ trọn vẹn nếu tất cả chúng ta cùng nhau nỗ lực hành động trước tiên. Hãy không ăn và lên án các hành vi sử dụng động vật hoang dã có nguồn gốc tự nhiên.
Được biết, từ năm 2018 đến nay, Trung tâm đã phối hợp Vườn quốc gia Pù Mát cứu hộ gần 500 cá thể động vật tịch thu từ buôn bán trái phép, thành lập và vận hành Nhóm Bảo vệ rừng với 16 thành viên nhằm thúc đẩy và tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ rừng cùng lực lượng kiểm lâm.
Trong khuôn khổ hội thảo, tỉnh Nghệ An đã phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức Lễ khởi động tuyên truyền “Nói không với động vật hoang dã có nguồn gốc tự nhiên” nhằm thay đổi nhận thức, tư duy và thói quen sử dụng động vật hoang dã có nguồn gốc tự nhiên của toàn thể cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An.