Liên Hợp Quốc cảnh báo, thế giới đang đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, từ khủng hoảng lương thực và nhiên liệu, nguy cơ nạn đói, đến lạm phát, nợ công gia tăng. Theo Tổng giám đốc UNDP, đây là thời điểm quan trọng để các quốc gia phối hợp giải quyết khủng hoảng, chứ không phải quay lưng lại với nhau.
An ninh lương thực
Trong cuộc phỏng vấn với AFP bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ tuần trước, Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Achim Steiner cho biết, Liên Hợp Quốc ước tính đến tháng 5.2022, thế giới có hơn 200 triệu người đang phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng. Và số lượng người có thể phải đối mặt với các mối đe dọa trong tương lai đang tăng lên, chẳng hạn như hạn hán ở vùng Sừng Châu Phi.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) Maurizio Martina nói với tờ Corriere della Sera rằng, số người trên thế giới phải đối mặt với nạn đói cấp tính sẽ tăng thêm 18 triệu người do cuộc xung đột Nga-Ukraina. Con số có thể sẽ tăng lên nếu các quốc gia không bắt tay cùng nhau giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực. Ông Martina lưu ý, mối đe dọa toàn cầu đối với nguồn cung ngũ cốc đã trở nên đáng báo động, đặc biệt đối với các nước đang phát triển, vì 36 trong số các nước bị khủng hoảng lương thực trước đây đã mua hơn 10% lúa mì từ Nga và Ukraina. Có những quốc gia thậm chí phụ thuộc 30, 40, 50% nguồn cung lúa mì từ các nước như Ukraina.
Theo bà Sara Menker, Giám đốc điều hành của Gro Intelligence – công ty toàn cầu sử dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu công và tư để dự đoán xu hướng cung cấp thực phẩm – tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu lên mức chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Bà Menker nói với Liên Hợp Quốc rằng thế giới hiện chỉ còn đủ lượng lúa mì trong khoảng 10 tuần.
Cuộc khủng hoảng ngũ cốc đang diễn ra trên toàn cầu khi giá lúa mì tăng lên mức cao kỷ lục trong hai tháng qua. Các nhà sản xuất lớn như Nga, Kazakhstan và Ấn Độ đã ngừng xuất khẩu để bảo vệ thị trường nội địa, trong khi nguồn cung của Ukraina đang bị gián đoạn do xung đột. Theo ông Martina, ít nhất 6 triệu tấn bột mì và 14 triệu tấn ngô đang bị nghẽn do cảng Biển Đen bị phong tỏa. Bên cạnh đó, các lệnh trừng phạt Nga ảnh hưởng đến nguồn cung phân bón cũng như giá của mặt hàng này. Những yếu tố đó cộng lại đang đẩy giá lúa mì lên, có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực trên toàn cầu.
Phó Giám đốc FAO cảnh báo, “không có chính sách quốc gia nào có thể giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu một mình”, đồng thời kêu gọi các chính phủ hình thành một chiến lược đa phương để đối phó với tình hình.
Trong một dấu hiệu lạc quan, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định trong cuộc điện đàm ngày 28.5 với Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng, Nga sẵn sàng xuất khẩu phân bón cũng như các mặt hàng nông sản khác, với điều kiện phương Tây dỡ bỏ một số trừng phạt. Ông Putin cũng nói, Nga sẽ đảm bảo việc xuất khẩu ngũ cốc có thể thực hiện từ các cảng của Ukraina trên Biển Đen. Theo Mátxcơva, cho đến gần đây, việc xuất khẩu như vậy là không thể do Ukraina đặt mìn trên biển. Tuy nhiên, Hải quân Nga đã mở hai hành lang cho các tàu dân sự, một ở Biển Đen và một qua Biển Azov.
Khủng hoảng nợ
Theo Tổng Giám đốc UNDP Achim Steiner, giá lương thực cũng đang gây ra khủng hoảng tài chính. Khả năng các chính phủ mua được thực phẩm trên thị trường thế giới khi giá cả tăng cao sẽ càng thấp đi do ngân sách đã chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. UNDP ước tính có khoảng 80 quốc gia về cơ bản đang đối mặt với nguy cơ nợ nần trong năm nay. Và tình trạng nợ có thể nhanh chóng chuyển thành rạn nứt chính trị.
“Khi người dân thiếu ăn, các chính phủ không thể cung cấp thực phẩm trên thị trường, thì bất ổn chính trị sẽ nhanh chóng nảy sinh và điều này gây quan ngại sâu sắc. Tôi nghĩ chúng ta đã thấy điều đó ở Sri Lanka, Châu Mỹ Latinh và chắc chắn là ở Châu Phi – những nước nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với cả sự gia tăng bất thường về giá nhập khẩu lương thực và nhập khẩu năng lượng” – ông Achim Steiner cho biết.
Giải pháp
Theo ông Steiner, hiện có khoảng 60 đến 70 quốc gia đang đối mặt cùng lúc cả 3 cuộc khủng hoảng và đây cũng là nhóm đáng lo ngại nhất cần được cộng đồng quốc tế hỗ trợ, nhưng hiện vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ phù hợp và đầy đủ.
Theo Tổng Giám đốc UNDP, giải pháp đầu tiên cần thực hiện là tăng thêm thanh khoản vào hệ thống tài chính và phải giải quyết được thực tế là các chính phủ đã cạn kiệt ngân sách sau đại dịch COVID-19.
Ông Steiner nhấn mạnh, ba cuộc khủng hoảng cùng xảy ra một lúc về an ninh lương thực, giá cả năng lượng và chi phí vay vốn là vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, theo ông Steiner, phản ứng của các nước có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể, vì hiện nay dù là G7, G20, các tổ chức Bretton Woods, hay các nền tảng quốc tế của UNDP cũng đều chưa có hành động tương xứng hoặc nguồn lực cần thiết để hành động phù hợp.