Theo kế hoạch, hồ sơ và nội dung Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt vào quý III/2023.
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 146 triển khai công tác lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng nội dung, tiến độ thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế – xã hội (KT-XH), quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn TP để sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển bền vững trong thời kỳ 2021 – 2030 và những năm tiếp theo.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được triển khai thực hiện theo phương pháp tích hợp, đa ngành, bảo đảm sự thống nhất và đồng bộ trong định hướng phát triển và liên kết giữa các ngành, lĩnh vực nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển KT-XH của thành phố, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của ngành, lĩnh vực, các quận, huyện, thị xã nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
Phạm vi nghiên cứu là toàn bộ địa giới hành chính TP Hà Nội, có tính tới mối liên hệ phát triển vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng.
UBND TP Hà Nội là cơ quan tổ chức lập quy hoạch. Cơ quan lập quy hoạch là Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội. Đơn vị tư vấn lập quy hoạch sẽ được tổ chức lựa chọn theo quy định pháp luật về đấu thầu.
Theo kế hoạch, thành phố giao Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở KH&ĐT, Sở QH&KT, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và các sở, ban, ngành TP, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai công tác lập Quy hoạch Thủ đô.
Trong đó, Sở KH&ĐT chủ trì trong công tác tham mưu các nội dung liên quan đến công tác quản lý nhà nước về quy hoạch theo quy định của pháp luật, phối hợp chặt chẽ với Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội và các sở, ngành trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Đồng thời, là đầu mối liên lạc với các cơ quan chuyên môn của Bộ KH&ĐT trong công tác hướng dẫn tổ chức lập quy hoạch, tổ chức trình thẩm định, báo cáo tiến độ theo định kỳ.
Nhằm bảo đảm tiến độ thực hiện, UBND thành phố yêu cầu các đơn vị được phân công nhiệm vụ triển khai đồng thời, lồng ghép các nội dung, tinh gọn các thủ tục, rút ngắn thời gian triển khai nội dung công việc nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng và tuân thủ đúng các quy định pháp luật hiện hành.
Hồ sơ và nội dung Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phấn đấu hoàn thành trong quý II/2023 và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt vào quý III/2023.
Theo quyết định, danh mục kế hoạch lập các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng giai đoạn 2021-2025 gồm 236 đồ án, nhóm đồ án. Trong đó có 1 đồ án quy hoạch chung đô thị; 4 đồ án quy hoạch phân khu đô thị, 146 đồ án, nhóm đồ án quy hoạch chi tiết đô thị; 34 đồ án thiết kế đô thị riêng; 14 đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện, 18 đồ án, nhóm đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng; 10 đồ án, nhóm đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng; 2 nhóm đồ án quy hoạch nông thôn; 2 nhóm đồ án quy chế quản lý kiến trúc, danh mục công trình kiến trúc có giá trị và 5 nhóm đồ án quy hoạch hạ tầng kỹ thuật.
Việc xây dựng danh mục, kế hoạch lập các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng giai đoạn 2021-2025 gắn liền với bố trí nguồn vốn để tổ chức thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công. Bên cạnh đó, tiếp tục cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thông qua xây dựng danh mục các đồ án quy hoạch để phủ kín quy hoạch theo thứ tự, tầng bậc tại các khu vực ổn định. Trên cơ sở đó, thành phố xác định các đồ án trọng tâm, phù hợp thực hiện năm 2021-2022 phục vụ yêu cầu quản lý của chính quyền các cấp và đầu tư xây dựng, hoàn thành đồng bộ và phủ kín 100% quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết thuộc thẩm quyền phê duyệt. UBND thành phố yêu cầu các loại hình quy hoạch, quy chế trong kế hoạch phải phù hợp với trách nhiệm tổ chức lập, thẩm định và thẩm quyền phê duyệt được quy định tại Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Kiến trúc; phù hợp với yêu cầu quản lý quy hoạch kiến trúc của thành phố. |