Quảng Bình đang ưu tiên nhiều cơ chế, nguồn lực hỗ trợ nhằm khuyến khích trồng rừng gỗ lớn bằng các giống cây bản địa nhằm nâng cao chất lượng, giá trị từ rừng.
Quảng Bình hiện có gần 543.048ha rừng, bao gồm 469.613ha rừng tự nhiên và số còn lại là rừng trồng đã thành rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 67,88%, xếp thứ 2 toàn quốc. Đây cũng là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế lâm nghiệp. Nhiều năm qua, Quảng Bình đã xác định trồng rừng kinh tế là chương trình kinh tế trọng điểm, đồng thời hỗ trợ người dân trồng rừng để phát triển kinh tế, làm giàu vốn rừng.
Tuy là vùng trọng điểm lúa của tỉnh Quảng Bình nhưng huyện Lệ Thủy hiện có diện tích đất trồng rừng gần 43.000ha. Thực hiện chủ trương phát triển rừng bền vững giai đoạn 2015 – 2025, Lệ Thủy đã và đang tích cực tuyên truyền vận động, khuyến khích người dân các địa phương nằm ở vùng gò đồi phía Tây của huyện mạnh dạn chuyển đổi rừng trồng kinh tế sang trồng rừng gỗ lớn bằng giống cây keo cấy mô và một số giống cây bản địa.
Kể từ cuối năm 2016 lại đây, được sự hỗ trợ của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và nguồn chính sách hỗ trợ nông nghiệp của tỉnh Quảng Bình, huyện Lệ Thủy đã trồng mới trên 300ha rừng gỗ lớn, tập trung ở các xã Trường Thủy, Ngân Thủy, Thái Thủy, Kim Thủy… Trong đó, nguồn từ chính sách nông nghiệp của tỉnh hỗ trợ 8 triệu đồng/ha cho hơn 408 ha; Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam hỗ trợ cây giống, phân bón trong 3 năm đầu cho 60ha. Hiện, số diện tích rừng gỗ lớn trên 300 ha đang trong độ 3 – 4 năm tuổi, phát triển rất tốt.
Ông Nguyễn Hữu Hán, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục khuyến khích nhân rộng các mô hình trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn. Việc chuyển từ rừng trồng kinh tế ngắn ngày sang rừng gỗ lớn dài ngày là giải pháp nhằm nâng cao giá trị rừng trồng và thu nhập cho người dân, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, góp phần nâng cao chất lượng rừng, bảo vệ môi trường cũng như phát triển rừng bền vững…
Là huyện miền núi của tỉnh Quảng Bình, có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế từ rừng, từ năm 2017, huyện Minh Hóa đã có chính sách hỗ trợ và khuyến khích người dân trồng rừng bằng giống cây bản địa. Theo đó, huyện đang triển khai thí điểm mỗi xã một mô hình trồng rừng bằng giống cây bản địa, như lim, dỗi, huỵnh, trầm dó… Tham gia mô hình này, các hộ dân được huyện hỗ trợ với mức trung bình khoảng 18 triệu đồng/ha để mua giống, phân bón và công chăm sóc. Hiện những mô hình này đã phát triển rất tốt, được người dân tiếp tục nhân rộng ra toàn huyện.
Cùng với trồng rừng bằng giống cây bản địa, huyện Minh Hóa cũng đang chú trọng phát triển những cánh rừng trồng gỗ lớn. Theo UBND huyện Minh Hóa, đến nay diện tích rừng trồng gỗ lớn đã phát triển trên 1.116ha. Theo tính toán của các cơ quan chuyên môn, so với trồng rừng gỗ nhỏ, lợi nhuận từ rừng gỗ lớn đạt khoảng 150 – 180 triệu đồng/ha, cao gấp 3 – 5 lần giá trị rừng gỗ nhỏ, đồng thời có tác dụng rất lớn trong việc bảo vệ môi trường.
Bà Trương Thị Thanh Bê, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Minh Hóa cho biết, năm 2022, với chỉ tiêu phấn đấu nâng độ che phủ rừng lên trên 83,1%, huyện Minh Hóa đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình kinh tế trọng điểm về trồng rừng kinh tế. Trong chương trình này, từ các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của các chương trình 30a, 135, huyện khuyến khích và hỗ trợ nhân dân sử dụng các giống cây chất lượng cao như dỗi, lim, huê, keo lai nuôi cấy mô… và cây dược liệu để trồng, làm giàu vốn rừng.
Huyện từng bước chuyển đổi các rừng cây nguyên liệu sang rừng cây gỗ lớn để nâng cao giá trị kinh tế và bảo vệ tốt môi trường… Hiện nay, nhiều hộ dân đã xây dựng các mô hình, trang trại thực hiện nông – lâm kết hợp như: Mô hình nuôi ong kết hợp trồng rừng, trồng các loại lâm sản ngoài gỗ, trồng dược liệu… Theo kế hoạch, đến cuối năm 2022, toàn huyện trồng 516ha rừng tập trung, hơn 62.400 cây phân tán; chăm sóc tốt 3.424ha rừng đã trồng.
Theo Sở NN–PTNT tỉnh Quảng Bình, hưởng ứng chương trình 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động, tỉnh đã xây dựng kế hoạch và thực hiện trồng 5 triệu cây xanh. Trong chương trình này, tỉnh cũng khuyến khích và huy động từ nhiều nguồn vốn để hỗ trợ người dân sử dụng cây giống bản địa, như lim, dổi, huỵnh, trầm dó… nhằm mục đích vừa phát triển kinh tế bền vững, vừa làm giàu vốn rừng để bảo vệ môi trường…
Hiện Sở NN–PTNT cũng đang tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Bình kế hoạch sử dụng các giống cây bản địa để trồng dặm vào các vùng rừng thưa do khai thác và gió bão làm gãy đổ trước đây để tăng khả năng phòng hộ của rừng.
Theo Đề án “Phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng gắn với trồng rừng gỗ lớn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2019 – 2025 “, tỉnh Quảng Bình đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh trồng được 16.210ha rừng trồng gỗ lớn và cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC cho 7.000ha rừng trồng phục vụ cho nhu cầu chế biến tinh sâu. |