thức được vai trò của núi rừng với sự an toàn của làng, nhiều cư dân ven biển Quảng Ngãi, Bình Định đang ra sức chung tay bảo vệ những mảnh rừng nhỏ, từ đó hình thành các vành đai xanh nguyên sinh, “tiểu khí hậu” giúp làng vượt qua bao trận đại hạn, bão biển hung hãn.
Truyền đời giữ rừng
Giữa cái nắng như đổ lửa, ông Lữ Văn Bàng (58 tuổi, thôn Hương Long, xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) đưa chúng tôi vào sâu trong cánh rừng có tên Rú Cấm. Kỳ lạ thay, giữa xứ sở ven biển cằn khô này lại có một khu rừng nguyên sinh chỉ khoảng 2ha nhưng hệ thực vật lại đa tầng và rất phong phú.
Rướn người khéo léo vượt qua những khoảnh rừng rậm rì, ông Bàng kể cho chúng tôi nghe về lịch sử làng Hương Long và cù lao Rú Cấm (rừng cây trên cù lao – PV). “Cả làng gọi Rú Cấm là “con rồng nước”, bởi trong đó có mạch nước ngầm trong mát, chảy suốt 4 mùa nuôi dưỡng làng”, ông Bàng nói gọn.
Rú Cấm tuy nhỏ nhưng hệ thực vật, cây cối phong phú, đa tầng và có tính kế thừa qua nhiều thời kỳ. Ông Bàng đưa chúng tôi đến bên một cây gáo khổng lồ ước phải hơn 300 năm tuổi như để minh chứng việc khu rừng được dân làng gìn giữ từ hơn 3 thế hệ. “Nhờ giữ được Rú Cấm mà cả làng Hương Sơn mấy năm qua bội thu vụ lúa, đời sống dân làng dần sung túc. Ngoài ra, người dân tận dụng nguồn nước và độ ẩm ven rừng để canh tác xen vụ các loại cây rau màu, mở thêm nhiều mô hình chăn nuôi kết hợp nông lâm rất hiệu quả”, ông Bàng khoe.
Hiện, ven Rú Cấm có khoảng 150 hộ dân làm ruộng được hưởng lợi trực tiếp, ngoài ra rừng còn giúp giữ nguồn nước để tưới tiêu cho cánh đồng của 600 hộ dân xã Phổ Châu.
Đến vùng ven biển Bình Tân Phú (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước cảnh sắc đồng – làng – rừng ở miệt biển này. Điều đặc biệt, xã miệt biển này lại có đến 8 cộng đồng làng, xóm đang bảo vệ nghiêm ngặt trên 24,2ha rừng. Khu rừng nổi trội nhất là ở các làng Phú Vinh, An Tráng, Thuận Yên, Đại Huệ, Mỹ Lộc, cùng thuộc xã Bình Tân Phú. Để vào ghi nhận cánh rừng Phú Vinh, chúng tôi phải ghé đến làm “thủ tục” với hội đồng làng, và được trưởng làng là ông Nguyễn Ngọc Sơn (61 tuổi) đồng ý làm “hoa tiêu” đưa đường.
Trên đường vào rừng, ông Sơn tranh thủ kể về lịch sử làng Phú Vinh và nguồn cơn cả làng này phải bảo vệ rừng. “Ở đây không chỉ đối mặt nạn hạn hán mà còn là cái “rốn” của bão. Nếu không bảo vệ cánh rừng này thì nhà cửa người dân bị gió bão hàng năm cuốn tốc mái, tàn phá hết”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, xưa ở Phú Vinh, ai vào xâm phạm rừng đều bị làng phạt bằng lúa, heo, bò… Nhưng nay, làng phạt theo quy chế của xã, nếu vi phạm 3 lần và nghiêm trọng sẽ nhờ pháp luật xử lý hình sự. “Hàng năm, làng chọn ra 1 ngày duy nhất 25-12 để cho bà con vào rừng nhặt củi. Cả làng sẽ “mua vé” để vào rừng hái củi là những nhánh cây khô hoặc cây bị gió bão làm gãy dưới tán rừng về đun nấu. Ngày 25-12 hàng năm như lễ hội hái củi của làng, kinh phí có được đóng góp vào quỹ làng để lo công tác giữ rừng”, ông Sơn kể.
Nhờ rừng được bảo vệ, hệ sinh thái động thực vật dần dần sinh sôi, đa dạng. Hai năm trở lại đây, nhiều đàn khỉ đổ về rừng Phú Vinh (khoảng trên 50 con) để sinh sống. Khỉ về cướp phá hoa màu, ngô sắn của bà con khiến ai nấy đều rất bận rộn canh giữ. Có lần, bị khỉ phá quá nhiều, người làng phải “đâm đơn” lên xã kiện… khỉ. Bên rừng Phú Vinh, các cánh rừng An Tráng, rừng Thình Thình cũng đang được các làng bảo vệ nghiêm ngặt với hệ cây rừng, thực vật vô cùng phong phú, đa tầng, tạo thành “vành đai xanh” ven biển bảo vệ các cộng đồng làng.
Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái
Tại làng biển Tân Phụng (xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, Bình Định), cuộc sống của hơn 4.000 cư dân làng biển nơi đây bao năm qua bình yên cũng một phần nhờ những cánh rừng phòng hộ phía Tây và rừng cây Núi Cấm, núi Gò Dưa được gìn giữ, bảo vệ. Trò chuyện với chúng tôi, ông Huỳnh Chuyên (73 tuổi) phấn khởi vì ý thức cộng đồng bảo vệ rừng từ bao đời nay của dân làng, nhờ rừng chở che, ôm ấp nên nhà nhà yên tâm mỗi mùa mưa bão, dông lốc.
Núi Cấm là hệ sinh thái rừng thấp ven biển nhưng cây cối được bồi đắp qua nhiều thời kỳ đan quyện vào nhau rắn chắc nên mức độ chống chọi gió lốc, bão biển khá dẻo dai. Ngoài ra, phía Tây làng biển này còn có vành đai rừng dương cổ thụ có chức năng phòng hộ được dân làng trồng và bảo vệ để chắn bão cát vào mùa khô.
Qua lời kể của ông Huỳnh Chuyên, lịch sử làng biển Tân Phụng thực sự đầy huyền thoại, huyễn hoặc như chốn thâm sơn kỳ bí. Mỗi giai thoại ẩn chứa một sức mạnh tinh thần, niềm kiêu hãnh của con người, nhưng lại rất tôn thờ, cầu thị mẹ thiên nhiên. Ông Chuyên kể rằng: “Xưa kia, tổ tiên lưu truyền lại giai thoại về long mạch tại Núi Cấm, nơi có mũi Vy Rồng hướng ra biển.
Sở dĩ có long mạch nên cây cối mũi Vỹ Rồng quanh năm tươi tốt, nước biển trong xanh như ngọc bích. Vì vậy, làng quyết phải giữ lấy rừng cây, cảnh quan, không chỉ vì để sống an toàn với thiên tai mà còn để giữ lấy linh hồn, long mạch và giữ vẻ đẹp hoang sơ của làng. Đặc biệt, cảnh quan Tân Phụng có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái”.
Râm ran câu chuyện giữ rừng của cư dân các làng biển Tân Phụng, Hương Long, Phú Vinh, An Tráng, chúng tôi cảm nhận được như mỗi con người nơi đây sinh ra đều có sứ mệnh với thiên nhiên, rừng núi, cây cối, quê hương. Rừng không chỉ mang đến cho người dân cuộc sống trước mắt, bảo vệ xóm làng mà còn nuôi dưỡng giá trị tinh thần và giữ hồn cốt của làng xóm.
Vì vậy, bên cạnh nuôi dưỡng, nêu cao ý thức giữ rừng của người dân qua các thế hệ, chính quyền các địa phương cần có quy hoạch, bảo vệ để những mảnh rừng phát triển bền vững; nghiên cứu các mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm nhằm nâng cao giá trị của rừng, mang lại lợi ích kinh tế cho người dân.