Sau hàng loạt ca mắc ở nhiều quốc gia, WHO họp khẩn và bày tỏ sự lo ngại về làn sóng dịch bệnh này.
Trên toàn cầu, hơn 100 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được xác nhận và hàng chục ca khác đang nghi ngờ. Một số ca bệnh không có nguồn gốc rõ ràng cho thấy virus có thể đã lây lan mà không bị phát hiện.
Ngày 20/5, nhóm Cố vấn Chiến lược và Kỹ thuật về các mối đe dọa truyền nhiễm nguy cơ trở thành dịch và đại dịch (STAG-HI), thuộc WHO, tổ chức cuộc họp khẩn bàn về đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ trong thời gian gần đây.
Tại Mỹ, ngày 22/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden khuyên người dân nên đề phòng bệnh đậu mùa khỉ, cũng như cảnh báo hậu quả nếu căn bệnh này tiếp tục lây lan hơn nữa.
Sự xuất hiện và lan rộng của căn bệnh này được đánh giá là “hiếm gặp và bất thường”. Virus gây bệnh vốn có tỷ lệ tử vong không cao nhưng hàng loạt ca mắc mới khiến WHO và giới chức y tế các nước lo ngại.
Bệnh đậu mùa khỉ là gì?
Bệnh đậu mùa ở khỉ là bệnh do virus thuộc giống Orthopoxvirus trong họ Poxviridae gây ra. Nó thường lây lan giữa các loài khỉ ở Trung và Tây Phi, thỉnh thoảng nhảy sang người và tạo thành những vụ dịch nhỏ.
Lần đầu tiên virus này được phát hiện ở khỉ trong phòng thí nghiệm vào năm 1958. Năm 1970, người đầu tiên trên thế giới được xác nhận nhiễm loại virus này, là công dân của Cộng hòa Dân chủ Congo.
Theo Newscientist, tính đến ngày 22/5, ít nhất 109 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ được xác nhận trên toàn thế giới, hàng chục ca bệnh khác đang nghi ngờ. Đây là con số do TS Moritz Kraemer tại Đại học Oxford, TS John Brownstein tại Bệnh viện Nhi đồng Boston và các cộng sự tổng hợp.
Vương Quốc Anh là quốc gia đầu tiên cảnh báo về ca bệnh này. Đến nay, số trường hợp đã tăng lên 20. Dịch đã lan ra hàng chục quốc gia châu Âu và cả Bắc Mỹ, châu Á.
TS Kraemer và Brownstein cho rằng đây có thể chỉ là tảng băng chìm. “Bệnh có thể phổ biến và lan rộng hơn những gì chúng ta đã phát hiện”, TS Kraemer nhấn mạnh thêm.
Hiện tại, thông tin về dịch tễ, mối liên quan giữa các trường hợp chưa rõ ràng. Ca đầu tiên trong vụ dịch này là nam giới, ở Anh, có tiền sử về từ Nigeria. Anh ta phát ban vào ngày 5/5, nhập viện một ngày sau đó và đã khỏi bệnh hoàn toàn. Hai trường hợp khác có liên quan ca bệnh đầu tiên này. Song, 4 bệnh nhân sau đó không có mối liên hệ nào với những ca bệnh trước, theo Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA).
Virus đậu mùa khỉ đang lây lan từ người này sang người khác ở những quốc gia phát hiện dịch. Bà Susan Hopkins, chuyên gia của UKHSA, cho biết: “Những trường hợp mới nhất cùng các ca đã báo cáo ở châu Âu khiến chúng tôi có những lo ngại ban đầu về việc bệnh đậu mùa khỉ lây lan trong cộng đồng”.
Các ca bệnh gần nhất ở Anh chủ yếu là đồng tính nam, song tính luyến ái và nam giới quan hệ tình dục đồng giới. Bà Hopkins nhấn mạnh: “Chúng tôi đặc biệt kêu gọi những nam giới đồng tính và song tính chú ý tới bất kỳ vết phát ban hoặc tổn thương bất thường nào, hãy liên hệ ngay với dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục”.
Đậu mùa khỉ lây lan như thế nào?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), “bệnh đậu mùa ở khỉ có thể lây truyền khi tiếp xúc với các giọt bắn từ đường thở, tiếp xúc với tổn thương da bị nhiễm trùng hoặc vật liệu bị ô nhiễm”. Điều này khiến nhiều người cho rằng virus có thể lây lan trong không khí, khí dung. Song, hiện tại, WHO không sử dụng thuật ngữ này.
Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) tuyên bố: “Sự lây truyền từ người sang người được chủ yếu xảy ra qua các giọt bắn đường hô hấp lớn. Các giọt bắn đường hô hấp nói chung không thể di chuyển quá vài m, vì vậy cần phải tiếp xúc trực tiếp lâu dài”.
UKHSA cũng đánh giá virus này thường không dễ lây lan người với người, nên nguy cơ với người dân Vương quốc Anh “vẫn ở mức thấp” trong bối cảnh đợt bùng phát hiện tại.
Bệnh đậu mùa ở khỉ cũng có thể lây lan khi tiếp xúc với quần áo, khăn tắm hoặc giường ngủ của người bị bệnh. Đây không được coi là bệnh truyền nhiễm lây truyền qua đường tình dục, song, UKHSA cho hay virus có thể lây truyền khi quan hệ tình dục qua tiếp xúc da kề da.
Bệnh cũng có thể bị lây nhiễm từ động vật hoang dã mang virus ở các vùng Tây và Trung Phi. Nếu người nào đó bị cắn, chạm vào máu, chất dịch cơ thể, vết phồng rộp của con vật bị bệnh, virus sẽ truyền từ động vật sang người. Bệnh đậu mùa ở khỉ cũng có thể lây truyền khi ăn thịt chưa nấu chín của động vật bị nhiễm bệnh.
Các triệu chứng đầu tiên của bệnh gồm sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh và kiệt sức, theo UKHSA.
Người bệnh cũng có thể bị phát ban, đầu tiên là ở mặt sau đó lan sang những bộ phận khác, bao gồm cả bộ phận sinh dục. Các vết phát ban khá giống thủy đậu trước khi thành vảy.
Bệnh đậu mùa khỉ có gây chết người không?
Bệnh đậu mùa khỉ thường nhẹ, hầu hết bệnh nhân sẽ bình phục trong vòng vài tuần mà không cần điều trị.
Ở châu Phi, bệnh đậu mùa ở khỉ có thể gây tử vong cho 1/10 người mắc bệnh, theo CDC. Tuy nhiên, có hai loại bệnh đậu khỉ chính là chủng Congo và chủng Tây Phi. WHO cho hay rằng con số 10% áp dụng cho chủng Congo và chủng Tây Phi gây tử vong khoảng 1%.
Chủng virus đang bùng phát ở Anh được xác định là chủng Tây Phi. Tại Bồ Đào Nha, kết quả cũng tương tự. Thông tin giải trình tự virus chưa có sẵn ở nơi khác trên thế giới.
Ngoài ra, WHO cho hay những con số này đề cập tỷ lệ tử vong ở những người được xác nhận nhiễm bệnh, còn gọi là tỷ lệ tử vong theo trường hợp. Nhưng với những ca bệnh có triệu chứng nhẹ, nhiều trường hợp không được phát hiện. Điều đó có nghĩa tỷ lệ tử vong nói chung có thể thấp hơn nhiều so với con số này.
Theo WHO, trẻ em mắc bệnh đậu mùa khỉ dễ bị bệnh nặng hơn người lớn. Bị nhiễm virus khi mang thai cũng có thể dẫn đến các biến chứng, gồm cả thai chết lưu.
Có vaccine và thuốc điều trị bệnh không?
Trên thực tế, không có vaccine và thuốc điều trị được phê duyệt toàn cầu để phòng ngừa, chữa trị bệnh này. Tại châu Âu, giới chức y tế chấp thuận sử dụng thuốc kháng virus tecovirimat (hoặc Tpoxx) để điều trị bệnh đậu mùa khỉ, bệnh đậu mùa và bệnh đậu bò.
Đây cũng là loại được phê duyệt ở Mỹ nhưng chỉ để chữa đậu mùa. Trong các nghiên cứu trên động vật, tecovirimat làm tăng đáng kể tỷ lệ sống sót của động vật được tiêm liều rất cao bệnh đậu mùa khỉ.
Ngoài ra, vaccine Jynneos (còn được gọi là Imvanex và Imvamune), được chấp thuận ở Mỹ và châu Âu để ngăn ngừa bệnh đậu mùa ở khỉ và bệnh đậu mùa ở những người trên 18 tuổi.
Việc tiêm phòng đậu mùa định kỳ đã kết thúc ở Anh vào năm 1971 và ở Mỹ vào năm 1972.
Đợt bùng phát hiện tại có phải do chủng đậu mùa khỉ mới hay không?
Điều này vẫn chưa được khẳng định. Thực tế cho thấy nhiều trường hợp được báo cáo ở hàng loạt quốc gia cho thấy chắc chắn chủng này dễ lây hơn các chủng trước đó. Nhưng cũng có thể đây là kết quả của sự kiện tình cờ, giúp virus lan rộng hơn, ví dụ “bệnh nhân siêu lây nhiễm”.
Các quan chức y tế đang giải trình tự các mẫu virus, điều này sẽ cho biết liệu nó có khác biệt đáng kể với chủng đã được xác định trước đây ở Tây Phi hay không.
Các chuyên gia cũng kỳ vọng đợt bùng phát này có thể bị dập tắt bằng cách truy vết, giống những đợt bùng phát đậu mùa khỉ trước đây. Vương quốc Anh đang tiêm vaccine cho những người tiếp xúc có nguy cơ lây nhiễm cao, nhằm chặn đường lây của virus.
Mặc dù không loại trừ khả năng đậu mùa khỉ trở thành đại dịch, các chuyên gia vẫn lạc quan cho rằng nó khó có thể xảy ra. Trong khi đó, một số nhà nghiên cứu trước đây đã cảnh báo bệnh đậu mùa ở khỉ là mối đe dọa ngày càng tăng.