Hiện nay, tại các tỉnh Tây Bắc có chung một thực trạng, các dự án phát triển hạ tầng xây dựng, dự án phát triển cây công nghiệp, cây đa mục đích, mục tiêu quy hoạch 3 loại rừng… là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến diện tích đất canh tác nông nghiệp của đồng bào DTTS bị thu hẹp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu đất sản xuất của người dân.
Nguyên nhân thiếu đất sản xuất vùng đồng bào DTTS
Theo báo cáo của các địa phương, PV Báo tài nguyên và Môi trường tổng hợp tại 5 địa phương, gồm Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái. Đến cuối năm 2021, có 98% đường xã và đường từ trung tâm xã đến trung tâm huyện được bê tông hóa; 99,3% hộ gia đình sử dụng điện; 98,6% thôn, bản có điện; trên 89% hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Việc thực hiện các chính sách đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng toàn diện, có hiệu quả, đã từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Tỷ lệ hộ nghèo của các tỉnh giảm từ 23,03% năm 2019 xuống còn 10,12% đến cuối năm 2020; trong đó tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số giảm từ 41,39% năm 2019 xuống còn 24,93% cuối năm 2020.
Vấn đề đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt của người đồng bào dân tộc thiểu số được các tỉnh quan tâm. Mặc dù vậy thì tình trạng bà con thiếu đất canh tác vẫn đang là một thực trạng ở nhiều địa phương của các tỉnh Tây Bắc.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc thiếu đất canh tác của người dân vùng đồng bào DTTS do địa hình đồi núi dốc, dân cư sống không tập trung, địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu nằm ở vùng sâu, vùng xa, núi cao nên nhu cầu về đất ở, đất sản xuất là rất lớn. Diện tích đất sản xuất của tỉnh phân bố không đều giữa các xã và huyện, diện tích đất nông nghiệp. Theo định mức đất ở, đất sản xuất ở tại các địa phương dành cho vùng đồng bào DTTS mỗi hộ có khoảng 400m2 đất ở và 2ha diện tích đất nương rãy canh tác.
Tuy nhiên, do đất trồng bị hoang hóa, sói mòn rửa trôi lớp đất màu mỡ.. khiến cho diện tích đất canh tác của bà con không đem lại hiệu quả kinh tế cao cho cây trồng, dẫn đến việc người dân ở một số huyện miền núi khó thoát nghèo. Cũng có một nguyên nhân khách quan khác, do điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý chủ yếu là đồi, núi cao, diện tích đồi, núi đá chiếm 80%, thường xuyên xảy ra lũ lụt, sạt lở đất làm xói mòn dần đất của đồng bào theo từng năm; việc đô thị hoá và xây dựng các công trình thủy điện, các khu, cụm công nghiệp làm mất đi một phần đáng kể đất sản xuất và đất ở… Còn có nguyên nhân chủ quan do nhu cầu đất ở, đất sản xuất của đồng bào là rất lớn trong khi quỹ đất của địa phương có hạn nên việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào còn hạn chế. Hơn nữa, tình trạng tách hộ ở riêng ngày một nhiều, cùng đó là công tác đào tạo nghề chưa gắn giải quyết việc làm, tỷ lệ lao động nông thôn chưa qua đào tạo chiếm gần 80% dân số, điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ, đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Giải pháp đồng bộ
Theo ông Nguyễn Đăng Nam, Phó Giám đốc Sở tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên thì để triển khai hiệu quả các chính sách về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, ngoài việc Chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và đào tạo nghề, chuyển nghề, giải quyết việc làm đối với hộ DTTS nghèo trong giai đoạn 2020- 2030. Bảo đảm cân đối các nguồn lực (chủ yếu là ngân sách T.Ư), chỉ đạo các địa phương lồng ghép các nguồn vốn để tập trung giải quyết dứt điểm các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể đã xác định. Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện ngay việc rà soát, đánh giá toàn bộ các chính sách đang thực hiện trên địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng DTTS. Từ đó nghiên cứu xây dựng một chính sách tổng thể, đồng bộ, rõ cơ chế, định mức phù hợp với đặc điểm vùng miền.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật về đất đai, nhất là việc giao đất, cho thuê đất, bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện quy hoạch, xây dựng các dự án, công trình có liên quan đến thu hồi đất ở, đất sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn miền núi, biên giới, vùng DTTS. Cần quy định điều kiện ràng buộc đối với các hộ thụ hưởng chính sách (kể cả đất ở và đất sản xuất) phải trực tiếp quản lý, sử dụng đất đúng mục đích, không được chuyển nhượng, mua bán, cho thuê trong thời hạn 10 năm được Nhà nước giao. Tích cực giải quyết việc làm phi nông nghiệp nhằm giảm áp lực nhu cầu đất sản xuất cho đồng bào DTTS.
Riêng với các địa phương, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chính sách pháp luật về đất đai. Khai thác hiệu quả quỹ đất ở, đất sản xuất thông qua công tác xã hội hóa, động viên gia đình, dòng họ, cộng đồng cho, tặng, nhượng lại đất ở, đất sản xuất cho các hộ DTTS nghèo thiếu hoặc không có đất ở, đất sản xuất. Tổ chức rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các dự án, xây dựng các công trình trên địa bàn vùng DTTS. Trong quá trình thẩm định quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi cần làm rõ phương án di dân, tái định cư, giải quyết đất ở, đất sản xuất; phương án tạo công ăn, việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp đối với các hộ bị mất đất. Nếu không bảo đảm được việc ổn định đời sống, nâng cao thu nhập cho các hộ di dân tái định cư đến nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ thì không thực hiện xây dựng các công trình.
Ngoài ra, cần chú trọng đến đầu tư khai hoang, thủy lợi, cải tạo đất để tạo quỹ đất sản xuất mới. Chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để thâm canh, tăng vụ, tăng hệ số sử dụng đất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi trên cơ sở sử dụng có hiệu quả diện tích đất hiện có trong điều kiện không mở rộng được diện tích đất sản xuất mới.