Một loại thực phẩm mới đang phát triển, được dùng cho vật nuôi nhưng có thể sẽ được con người đón nhận trong tương lai.
Đây phải chăng là lý do để Mekong Capital và Dragon Capital cùng đầu tư vào Entobel, một startup tham gia lĩnh vực này? Quỹ Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV) của Mekong Capital và Dragon Capital đã đầu tư tổng cộng 30 triệu USD vào Entobel (MEF IV rót 25 triệu USD, Dragon Capital rót 5 triệu USD).
Nuôi ruồi để sản xuất protein
Đây là lần gọi vốn thứ 2 của Entobel. Trước đó, năm 2019 Entobel đã huy động được 1 triệu EUR để nuôi giống ruồi lính đen (Hermetia illucens) và chế biến ra thành 3 sản phẩm: thức ăn chăn nuôi, phân bón hữu cơ và dầu ăn cho động vật. Ông Sjoerd Zwinkels, Giám đốc Tư vấn đầu tư của Mekong Capital, đánh giá, đây là một mô hình kinh tế tuần hoàn thực sự khi không có chất thải nào ra môi trường.
Entobel là công ty tham gia lĩnh vực nghiên cứu sản xuất protein (chất đạm) từ côn trùng, đặc biệt từ ruồi lính đen. Công ty có trụ sở đặt tại Singapore nhưng nhà máy sản xuất lại ở Việt Nam. Bởi vì, Entobel muốn tạo lợi thế cạnh tranh từ vùng nuôi có khí hậu nhiệt đới lý tưởng và ngay trung tâm của ngành nuôi trồng thủy sản lớn nhất toàn cầu. Từ đây, Entobel tiếp cận được nguồn cung nguyên liệu rõ nguồn gốc, ổn định quanh năm và tạo được chuỗi sản xuất khép kín. Startup do 2 doanh nhân người Bỉ là Gaëtan Crielaard và Alex de Caters sáng lập.
Cho đến thời điểm này, sau 8 năm nghiên cứu, thí điểm và thử nghiệm thành công, Entobel đã đi từ quy mô trang trại nhỏ ở đồng bằng sông Cửu Long lên thành nhà máy sản xuất chế biến côn trùng quy mô lớn tại Đồng Nai với công suất 1.000 tấn/năm (2019). Công ty cũng đang đầu tư nhà máy kế tiếp, dự kiến đưa vào hoạt động năm 2023 và hướng tới tầm nhìn trở thành nhà sản xuất protein từ côn trùng hàng đầu trên thế giới.
Ông Sjoerd Zwinkels tin rằng, qua việc sử dụng côn trùng để tạo ra một loại protein bền vững, Entobel đang giải quyết được một trong những vấn đề chủ chốt của thế giới là giúp giảm “dấu chân sinh thái” (environmental footprint) đối với chuỗi thực phẩm toàn cầu, đồng thời làm cho chuỗi giá trị thực phẩm an toàn và bền vững hơn. “Họ đã chứng minh rằng thức ăn chăn nuôi nguồn gốc từ côn trùng có thể được sản xuất ở quy mô công nghiệp với chất lượng cao và hiệu quả về chi phí so với bột cá”, ông Sjoerd Zwinkels chia sẻ.
Công nghiệp thực phẩm mới
Theo báo cáo của Greenpeace, chăn nuôi công nghiệp tại châu Âu đã tạo ra lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính còn nhiều hơn khí phát thải từ ô tô. Vì thế, nuôi và chế biến côn trùng sẽ là hướng đi tương lai, vừa thân thiện môi trường vừa cung cấp thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao.
Các công trình nghiên cứu khắp thế giới đã chỉ ra, thực phẩm bổ sung protein được chế biến từ côn trùng có thể tốt cho cơ thể hơn so với các loại thịt truyền thống. Ngoài ra, theo Học viện Bách khoa Leiria và Đại học Porto (Bồ Đào Nha), khoảng 2 tỉ người trên Trái đất từng ăn côn trùng đã không gặp phản ứng đặc biệt nào.
Côn trùng còn có tốc độ sinh sản và tăng trưởng khối lượng protein rất cao. Điển hình là loại ruồi sư tử đen ở Nam Mỹ có thể tăng trọng lượng gấp 500 lần chỉ trong 1 tuần, theo Đại học Wageningen (Hà Lan). Nếu được nuôi dưỡng thích hợp, ấu trùng ruồi sư tử đen có thể chứa tới 40% protein, 40% chất béo, canxi…
Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi các nước đầu tư nhiều hơn vào ngành protein từ côn trùng. Bởi khi toàn cầu ước đạt 9,7 tỉ người vào năm 2050 và có thể đạt đỉnh gần 11 tỉ người vào khoảng năm 2100, sản xuất nông nghiệp sẽ chịu áp lực rất lớn và thế giới có thể không còn đủ thịt để đáp ứng nhu cầu.
Hiện tại, có khoảng 2.100 loài côn trùng ăn được ghi nhận trên thế giới, theo nghiên cứu từ Wageningen. Tổng giá trị thị trường côn trùng ăn được ước đạt khoảng 1,2 tỉ USD vào năm 2023. Một số công ty đã tìm cách nuôi trồng, chế biến côn trùng thành nguyên liệu và thực phẩm, góp phần tạo nên một xu hướng quan trọng trên thị trường công nghệ thực phẩm toàn cầu. Công ty Hargol FoodTech (Israel) dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực nuôi châu chấu với sản phẩm là bột pha protein và mì ống rất được ưa chuộng tại châu Âu, Mỹ. Công ty Bay SpArk (Israel) thì nổi tiếng với sản phẩm bơ và bột protein từ nguyên liệu côn trùng.
Tuy vậy, trước mắt, ngành protein côn trùng đang tập trung phục vụ cho ngành thức ăn chăn nuôi và chăm sóc sức khỏe động vật. Năm 2018, Mỹ đã đồng ý đưa côn trùng và các loại ấu trùng xay nhuyễn vào làm thức ăn chăn nuôi cho gia cầm, chim, cá hồi… Trước đó, quy định của châu Âu cũng cho phép protein côn trùng được kết hợp trong công thức thức ăn thủy sản. Đây là cơ sở để hàng loạt công ty như Enterra Feed, EnviroFlight LLC (Mỹ), AgriProtein (Anh), Protix (Hà Lan), InnovaFeed, Ynsect (Pháp), Nutrition Technologies (Malaysia)… tham gia sâu vào lĩnh vực này.
RaboResearch (Hà Lan) dự đoán, hoạt động sản xuất protein côn trùng toàn cầu để làm thức ăn cho thủy sản, gia cầm, thú cưng có thể lên đến 500.000 tấn vào năm 2030. Con số này tính ra vẫn chiếm chưa tới 1% thị trường thức ăn chăn nuôi toàn cầu. Chặng đường chinh phục thế giới của ngành protein côn trùng còn dài, mở ra những cơ hội lớn lẫn thách thức không nhỏ cho các công ty tham gia sản xuất protein từ côn trùng.