Theo kết quả của một nghiên cứu quốc tế vừa được công bố trên Tạp chí Nature (Đức), chỉ trong vòng 35 năm, tỷ lệ cây nhiệt đới bị chết trong các khu rừng Australia đã tăng gấp đôi. Nguyên nhân là do sự nóng lên toàn cầu làm tăng khả năng hút ẩm của bầu khí quyển.
Các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Smithsonian (Mỹ), Đại học Oxford (Anh) và Viện Nghiên cứu Quốc gia (Pháp) về Phát triển Bền vững (IRD) đã sử dụng các bản ghi dữ liệu từ khắp các khu rừng nhiệt đới của Australia.
Nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ chết trung bình của các loài cây trong những khu rừng này đã tăng gấp đôi trong bốn thập kỷ qua. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện vòng đời của các loài cây nhiệt đới nơi đây đã giảm một nửa. Qua đó, cho thấy các hệ thống tự nhiên của Trái đất đã phản ứng với biến đổi khí hậu đối trong nhiều thập kỷ.
Các nghiên cứu gần đây ở rừng nhiệt đới Amazon còn cho thấy, tỷ lệ chết của cây nhiệt đới tăng lên đã làm giảm lượng carbon chìm (loại carbon chứa trong cơ thể sinh vật).
Rừng mưa nhiệt đới từ xưa đến nay luôn được coi là “bể chứa carbon”, đóng vai trò như một “chiếc phanh”, giúp giảm tốc độ biến đổi khí hậu thông qua việc hấp thụ khoảng 12% lượng khí thải carbon dioxide do con người gây ra.
Khi xem xét các loại hình khí hậu ghi nhận tỷ lệ chết cao nhất của các loài cây, nhóm nghiên cứu cho biết tác nhân chính là do khả năng hút ẩm của khí quyển ngày càng tăng. Khi bầu khí quyển ấm lên, nó hút nhiều độ ẩm hơn từ thực vật, dẫn đến việc cây thiếu nước và chết.
Ngoài ra, sự giảm sinh khối loài (khối lượng của các cá thể sinh vật sống trong một khu vực hoặc hệ sinh thái nhất định tại một thời điểm cụ thể) trong những thập kỷ qua vẫn chưa được bù đắp bằng lượng sinh khối thu được từ sự phát triển của cây và việc trồng cây mới. Điều này có nghĩa là sự gia tăng tỷ lệ chết đã gây ra sự giảm sút đáng kể về khả năng của rừng trong việc hấp thụ khí thải carbon.