Theo dự báo của Liên Hợp Quốc, mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 có thể xuống 3,1% khi cuộc chiến ở Ukraine đã làm tăng giá thực phẩm và hàng hóa toàn cầu và gia tăng sức ép lạm phát và ảnh hưởng tới khả năng phục hồi sau đại dịch.
Theo báo cáo Tình hình kinh tế thế giới và Triển vọng của Liên Hợp Quốc cho biết, sự sụt giảm trong triển vọng tăng trưởng được dựa trên tình hình của các nền kinh tế lớn nhất thế giới bao gồm: Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu cũng như phần lớn các nước phát triển khác và các nước đang phát triển.
Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể còn nguy cơ tiếp tục giảm nếu cuộc chiến ở Ukraine gia tăng cũng như xuất hiện các làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới. Theo báo cáo này, tăng trưởng kinh tế chậm và cuộc chiến ở Ukraine vốn đang khiến giá thực phẩm và phân bón gia tăng sẽ ảnh hưởng nặng nề tới các nước đang phát triển, gia tăng tỷ lệ nghèo và mất an ninh lương thực.
“Nền kinh tế của Liên minh châu Âu dự kiến sẽ tăng trưởng 2,7% trong năm 2022, giảm 3,9% so với mức dự báo trong tháng 1. Kinh tế Mỹ dự kiến sẽ tăng trưởng 2,6% trong năm 2022 và 1,8% trong năm 2023, giảm đáng kể so với mức dự báo trong tháng 1 với nguyên nhân chủ yếu do lạm phát cao kéo dài, các biện pháp siết chặt tiền tệ của Cục dự trữ liên bang và cuộc chiến ở Ukraine. Trung Quốc dự kiến sẽ có mức tăng trưởng kinh tế 4,5% trong năm 2022, giảm từ 8,1% trong năm 2021. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển được dự báo sẽ tăng 4,1% trong năm nay, giảm từ 6,7% trong năm 2021”, báo cáo của Liên Hợp Quốc nêu rõ.
Theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, cuộc chiến ở Ukraine đang gây ra một cuộc khủng hoảng tàn phá thị trường năng lượng toàn cầu, làm gián đoạn các hệ thống tài chính và gia tăng sự dễ bị tổn thương của các nước đang phát triển. Ông Guterres kêu gọi hành động nhanh và quyết đoán nhằm đảm bảo nguồn cung thực phẩm và năng lượng ổn định cho các thị trường mở và làm được điều này cần phải dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu và giải phóng các kho dự trữ cho các nước đang cần.
Trước đó, trong bản Báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ suy yếu trong cả năm nay và năm 2023, trong khi lạm phát tiếp tục ở mức cao. Bên cạnh những bất ổn gây ra bởi đại dịch Covid-19 và sự đứt gãy chuỗi cung ứng, cuộc xung đột Nga – Ukraine được coi là rủi ro chính, ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu.
MF dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay và năm 2023 sẽ chỉ đạt 3,6%, giảm lần lượt 0,8 và 0,2 điểm % so với mức dự báo được đưa ra hồi tháng 1/2022. Tăng trưởng trung hạn cũng sẽ giảm xuống mức 3,3% – thấp hơn so với mức trung bình 4,1% trong giai đoạn từ 2004 – 2013.
Ông Pierre-Olivier Gourinchas, Chuyên gia kinh tế trưởng của IMF nêu ra 3 lý do chính cho sự sụt giảm này. Thứ nhất, cuộc chiến Ukraine – Nga đang làm tăng giá năng lượng và hàng hóa trên thế giới, dẫn đến sản lượng ít hơn và lạm phát nhiều hơn. Lạm phát cao hơn ở hầu hết các quốc gia và dự kiến sẽ còn kéo dài. Thứ hai là sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc với việc đóng cửa thường xuyên hơn do đại dịch Covid-19. Ngoài ra, áp lực giá cả gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới khiến các ngân hàng trung ương buộc phải thắt chặt kiểm soát chính sách tiền tệ.
“Cuộc xung đột tại Ukraine là diễn biến mới nhất trong chuỗi cú sốc nguồn cung đã làm nền kinh tế toàn cầu điêu đứng trong những năm gần đây. Giống như sóng địa chấn, ảnh hưởng của nó sẽ lan truyền sâu rộng thông qua thị trường hàng hóa, liên kết thương mại và tài chính”, ông Pierre Olivier Gourinchas nhấn mạnh.
Theo IMF, sự đứt gãy nguồn cung nhiều loại hàng hóa quan trọng như nông sản, nhiên liệu, kim loại từ Nga và Ukraine sẽ khiến giá cả liên tục tăng mạnh. Tỷ lệ lạm phát tại các nền kinh tế phát triển sẽ ở mức 5,7%, còn các nền kinh tế đang phát triển mới nổi là 8,7% trong năm nay, cao hơn đáng kể so với dự báo đưa ra trước đó. Các quốc gia châu Âu và các thị trường mới nổi, được coi là nhóm đối tượng dễ chịu tổn thương hơn cả./.