Các nhà khoa học vừa công bố một nghiên cứu về tỷ lệ tử vong do ô nhiễm trên toàn thế giới. Mặc dù, đã có sự tiến bộ trong việc giải quyết ô nhiễm ở một số quốc gia, tình trạng ô nhiễm không khí và nhiễm độc chì vẫn tăng, khiến 9 triệu người thiệt mạng mỗi năm kể từ năm 2015.
Những con số báo động
Theo phân tích dữ liệu về mức độ ô nhiễm và tỷ lệ tử vong toàn cầu, trong giai đoạn từ 2015 đến 2019, ô nhiễm không khí do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đã khiến số ca tử vong do ô nhiễm tăng thêm 7%.
Trước đó, một bản nghiên cứu tương tự xuất bản vào năm 2017 cũng ước tính số người chết do ô nhiễm là khoảng 9 triệu người mỗi năm, nghĩa là trên thế giới, cứ 6 ca tử vong, có 1 ca là do ô nhiễm. Có thể thấy tỷ lệ tử vong do tác động của ô nhiễm môi trường ngang bằng với việc hút thuốc và thậm chí, cao hơn tỷ lệ tử vong do COVID-19, với khoảng 6,7 triệu người kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Tạp chí Lancet Planetary Health (Pháp) vừa công bố nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Washington (Mỹ) về mức độ tiếp xúc ô nhiễm tổng thể và nguy cơ tử vong thông qua dữ liệu phân tích năm 2019 của nghiên cứu Gánh nặng bệnh tật toàn cầu.
Nghiên cứu đã phân tích chi tiết các tác nhân gây ô nhiễm thông qua việc tách biệt các chất ô nhiễm truyền thống như khói hoặc nước thải với các chất ô nhiễm hiện đại hơn, như ô nhiễm không khí công nghiệp và hóa chất độc hại.
Tử vong do các chất ô nhiễm truyền thống đang giảm trên toàn cầu. Tuy nhiên, đây vẫn là một vấn đề lớn ở Châu Phi và một số nước đang phát triển khác. Điều này thể hiện rất rõ ở tình trạng ô nhiễm đất, nước và không khí ở Chad (một quốc gia ở Trung Phi), Cộng hòa Trung Phi và Niger – ba quốc gia đứng đầu thế giới về số người chết do ô nhiễm.
Nỗ lực khiêm tốn trong bối cảnh ô nhiễm gia tăng
Các giải pháp giảm ô nhiễm không khí trong nhà và cải thiện điều kiện vệ sinh của một số nước đã hạn chế đáng kể tỷ lệ tử vong, chẳng hạn như ở Ethiopia và Nigeria, số ca tử vong do ô nhiễm môi trường đã giảm thêm 2/3 trong 9 năm từ năm 2000 đến 2019.
Ngoài ra, vào năm 2021, Algeria là nước cuối cùng chính thức cấm xăng pha chì nhưng nhiều người vẫn phơi nhiễm với chất độc hại, chủ yếu là do việc tái chế pin axit-chì và chất thải điện tử . Các thực phẩm ô nhiễm cũng là thủ phạm khiến con người phơi nhiễm chì.
Ông Rachael Kupka, đồng tác giả của cuộc nghiên cứu kiêm Giám đốc điều hành của Tổ chức Global Alliance on Health and Pollution (GAHP) (New York, Mỹ) cho biết, số ca tử vong do tiếp xúc với các chất ô nhiễm hiện đại như kim loại nặng, hóa chất nông nghiệp và nhiên liệu hóa thạch đang tăng với tốc độ chóng mặt, 66% kể từ năm 2000.
Các nhà nghiên cứu cho hay, các ca tử vong do ô nhiễm đã khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 4.600 tỷ USD trong năm 2019, tương đương 6% sản lượng kinh tế toàn cầu, trong đó, các nước có thu nhập thấp và trung bình chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, với hơn 90% số ca tử vong được ghi nhận ở khu vực này.
Ngoài ra, theo các nhà khoa học, mặc dù nỗ lực giảm ô nhiễm không khí của một số thành phố, quốc gia lớn như Bangkok, Trung Quốc và Mexico đã đạt được thành công nhất định, mức độ ô nhiễm tại các quốc gia nhỏ hơn vẫn tiếp tục tăng cao
Nghiên cứu đã đưa ra danh sách 10 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi ô nhiễm không khí xét theo tỷ lệ tử vong lần lượt như sau: Chad; Cộng hòa Trung Phi; Niger; Quần đảo Solomon; Xôman; Nam Phi; Triều Tiên; Lesotho; Bungari; Burkina Faso.