Tại Hội nghị COP26 tổ chức tại Glasgow, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã cùng lãnh đạo hơn 100 quốc gia ký cam kết giảm phát thải khí metan. Sản xuất lúa gạo đóng góp gần một nửa tổng lượng khí thải metan của Việt Nam và là trọng tâm của kế hoạch hành động giảm khí nhà kính. Để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí metan từ sản xuất lúa gạo xuống 30%, Việt Nam cần phải chuyển đổi phương thức canh tác của hàng triệu nông hộ nhỏ sang canh tác ít phát thải.
Mặc dù metan là chất ô nhiễm chỉ tồn tại trong thời gian ngắn so với carbon dioxide (khoảng 12 năm so với hàng trăm năm) song nguy cơ làm nóng lên toàn cầu của khí metan lại cao gấp 28 lần so với khí carbon dioxide. Điều này đồng nghĩa với việc giảm lượng khí thải metan có thể hạn chế quá trình nóng lên toàn cầu tương đối nhanh và hiệu quả.
Sản xuất lúa gạo là yếu tố đóng góp lớn vào việc phát thải khí metan do con người gây ra trên thế giới và Việt Nam là một trong số ít các quốc gia sản xuất gạo hàng đầu ký cam kết phát thải khí metan toàn cầu. Theo đó, các bên ký cam kết hành động để cùng giảm phát thải khí metan toàn cầu xuống 30% vào năm 2030. Tính khả thi của cam kết này phụ thuộc vào mức độ giảm khí metan thực tế ở cấp quốc gia.
Theo Báo cáo Quốc gia lần thứ ba của Việt Nam tới Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu, lượng khí thải metan trên toàn quốc là 99,5 tấn CO2 tương đương (MtCO2e) [1] vào năm 2019. Sản xuất lúa nước chiếm 43% tổng số, ở mức 42,7MtCO2e. Giả sử giảm phát thải khí metan đồng đều trên tất cả các lĩnh vực, thì mục tiêu 30% tương đương với giảm 12,8 triệu tấn CO2e hàng năm cho riêng sản xuất lúa nước.
Trong Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định cập nhật năm 2020, Việt Nam cam kết giảm 9% tổng lượng phát thải vô điều kiện và 27% có điều kiện với nguồn tài trợ quốc tế. Mức giảm 9% trong sản xuất lúa gạo sẽ tương đương với 3,8 triệu tấn CO2e. Chiến lược quốc gia để đạt được mục tiêu giảm phát thải trong sản xuất lúa gạo đưa ra các phương pháp thực dụng và tiết kiệm về quản lý nguồn nước, giảm đốt rơm rạ và chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các mục đích sử dụng khác. Các hệ thống quản lý cây trồng khác nhau, bao gồm các tiêu chuẩn của Nền tảng Sản xuất lúa gạo bền vững (SPR) và Hệ thống thâm canh lúa, có thể giúp nhân rộng các phương pháp giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Để đạt được mục tiêu giảm 30% lượng khí metan đòi hỏi phải giảm thêm 9 triệu tấn khí metan trong sản xuất lúa gạo. Việc giảm khoảng 5,5 triệu tấn CO2e là khả thi, nhưng sẽ yêu cầu các mục tiêu và đầu tư lớn hơn so với các kế hoạch quốc gia hiện tại do cần dựa vào nguồn tài chính quốc tế cho các hoạt động canh tác lúa ít phát thải.
Việt Nam cần phải đầu tư để cải thiện các kênh rạch hiện có và các hệ thống bơm để quản lý nước có kiểm soát. Những nỗ lực này phải được hỗ trợ bởi các chương trình tập huấn và chiến dịch nâng cao nhận thức để khuyến khích phương thức sản xuất quản lý nước tốt hơn. Tổng mức giảm thiểu từ quá trình chuyển đổi này ước tính là 9,5MtCO2e hoặc giảm khoảng 22%. Mục tiêu này tuy đầy tham vọng nhưng rất khả thi. 8% bổ sung phải được coi là đầy tham vọng vào thời điểm này, 8% còn lại sẽ đòi hỏi sự thay đổi mô hình trong chính sách nông nghiệp, ưu tiên giảm phát thải như một mục tiêu bao trùm trong sản xuất lúa gạo.
Chính phủ cũng có thể xem xét các cải tiến trong việc quản lý và sử dụng rơm rạ bằng cách khuyến khích việc sử dụng rơm rạ cho các mục đích phi canh tác theo phương pháp tiếp cận kinh tế tuần hoàn. Phương án này có thể làm giảm phát thải nhiều khí metan hơn nhưng việc thiếu dữ liệu chi tiết hiện tại cũng phần nào cản trở việc ước tính tiềm năng giảm thiểu của nó. Những đánh đổi do tác động tới tới chất lượng đất cũng cần được xem xét khi lập kế hoạch loại bỏ rơm rạ quy mô lớn. Các khoản đầu tư vào nghiên cứu và mở rộng quy mô như quản lý phân bón sáng tạo, chất phụ gia trong đất, các giống ngắn ngày và phát thải thấp cũng có thể góp phần đạt được mục tiêu giảm thiểu metan.
Thách thức ở đây là làm thế nào để triển khai các phương án giảm thiểu tới hàng triệu nông dân trên khắp Việt Nam. Canh tác phát thải thấp trước đây đã từng được thực hiện thành công. Thông qua chương trình khuyến nông cấp tỉnh, An Giang đã thúc đẩy thành công các phương pháp quản lý hiệu quả, được gọi là “1 phải 5 giảm”. Các chương trình phát thải thấp đã góp phần giảm hơn 2 MtCO2e mỗi năm nhờ các hệ thống canh tác có hệ thống tưới tiêu tốt và hồ sơ theo dõi các phương pháp sản xuất tiên tiến. Nhưng những điều kiện này không thể được coi là tiêu chuẩn cho cả nước.
Việc Việt Nam tham gia vào cam kết giảm thiểu khí metan mở ra cơ hội tiếp cận nguồn tài chính khí hậu quốc tế. Các quỹ này có thể chuyển nguồn lực vào các dự án phát triển nông nghiệp xanh ở các vùng nông thôn và đảm bảo nguồn vốn cho các nhóm nông dân thu nhập thấp bị đe dọa nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Ngoài ra, các bên tham gia cam kết với cấp cao nhất trong các phương pháp kiểm kê của IPCC nhằm nâng cao tính minh bạch, chính xác và khả năng so sánh của báo cáo kiểm kê khí nhà kính quốc gia. Điều này sẽ đòi hỏi sự phối hợp giữa các tổ chức chính phủ, tư nhân và quốc tế khác nhau để có thể tạo ra các hiệu ứng nhỏ giọt có lợi cho các nỗ lực giảm khí nhà kính toàn cầu cũng như xuất khẩu gạo của Việt Nam tới những người tiêu dùng có ý thức về môi trường.
Tác giả bài viết: Katherine M Nelson, Reiner Wassmann and Björn Ole Sander, Viện nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế
[1] Thước đo được sử dụng để so sánh lượng phát thải từ các khí nhà kính khác nhau trên cơ sở tiềm năng làm nóng lên toàn cầu (GWP) của chúng, bằng cách chuyển đổi lượng khí khác thành lượng khí cacbonic tương đương với cùng khả năng làm ấm toàn cầu.
Thùy Dung