Theo một nghiên cứu vừa được công bố trên Tạp chí AGU về nguồn nước mặt cho hơn 5.000 hệ thống nước công cộng, các vùng đất có rừng trên khắp nước Mỹ cung cấp cho 83 triệu người ít nhất 50% lượng nước của họ.
Rừng cung cấp 50% nguồn nước cho 83 triệu người
125 triệu người, tức khoảng 38% dân số nước Mỹ nhận được ít nhất 10% lượng nước từ rừng. Ở miền Tây khô cằn của quốc gia này, 39,5 triệu người nhận được hơn 50% lượng nước uống trên bề mặt của họ từ các khu rừng đang ngày càng bị đe dọa bởi cháy rừng.
Ông Peter Caldwell, nhà thủy văn tại Cục Kiểm lâm Mỹ và đồng tác giả của nghiên cứu mới cho biết, rừng phát triển tốt sẽ mang lại nguồn nước sạch và con người phụ thuộc vào rừng để cung cấp nước uống trên bề mặt.
Nghiên cứu cung cấp một bản cập nhật quan trọng cho bản đồ nước bề mặt của chúng ta đến từ đâu. Thông tin này có thể giúp các nhà quản lý rừng và các đơn vị cung cấp nước xác định các khu rừng quan trọng về mặt thủy văn để chúng có thể được ưu tiên cho việc quản lý hoặc bảo tồn rừng.
Nghiên cứu đã phát triển một cơ sở dữ liệu mới về chuyển nước giữa các lưu vực, giúp di chuyển nước mặt từ nơi dồi dào sang nơi không có nước. Nghiên cứu đề cập đến những con kênh ngoằn ngoèo ngoài trời như California Aqueduct và Dự án Central Arizona cung cấp nước uống cho Los Angeles và Phoenix. Nghiên cứu tập trung vào các vùng nước mặt như hồ, sông, suối vì việc truy tìm nguồn nước ngầm rất khó khăn ở quy mô quốc gia.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy, 69% lượng nước được vận chuyển đến Los Angeles thông qua chuyển giao giữa các lưu vực và 82% lượng nước nhập khẩu của Phoenix có nguồn gốc từ các vùng đất có rừng.
Trên khắp nước Mỹ, hàng năm, từ năm 2001 đến năm 2015, 594 lần chuyển giao đã chuyển đi 117 tỷ mét khối nước mỗi năm, gấp khoảng 5 lần lượng nước được báo cáo vào những năm 1980. Sự gia tăng phản ánh sự kết hợp của chất lượng dữ liệu cao hơn, nhiều lần chuyển quy mô nhỏ và sự gia tăng thực sự trong việc chuyển nước do nhu cầu nước ngày càng tăng trong vài thập kỷ qua.
Một số cộng đồng đô thị thu được hơn 50% lượng nước uống trên bề mặt của họ từ đất có rừng thông qua chuyển giao giữa các lưu vực, mở rộng một số lợi ích của đất có rừng cho cộng đồng đô thị.
Nhà thủy văn Ning Liu của Cục Kiểm lâm Mỹ và là tác giả chính của nghiên cứu chia sẻ: “Tôi rất ngạc nhiên bởi vai trò quan trọng của việc chuyển giao giữa các lưu vực trong việc cung cấp nước từ rừng cho các trung tâm dân cư lớn. Bộ dữ liệu chuyển giao liên lưu vực được cập nhật này đã mang lại cho chúng tôi cơ hội để có được bức tranh toàn cảnh về sự đóng góp của rừng đối với việc cung cấp nước”.
Quản lý rừng để lấy nước
Kết quả của nghiên cứu này có thể cung cấp thông tin về các quyết định quản lý rừng ở các lưu vực cấp nước, nhưng nó phụ thuộc vào việc ai là chủ sở hữu và quản lý rừng.
Trong khi 2/3 rừng ở phía Tây là Rừng Quốc gia do Cục Kiểm lâm Mỹ quản lý, chỉ 8% ở phía Đông, phần còn lại đa số thuộc sở hữu tư nhân. Ở phía Đông, 49% rừng thuộc sở hữu của gia đình và gần 75% trong số đó, có diện tích dưới 20 mẫu Anh (81 m2). Ông Caldwell cho biết, sự chắp vá về quyền sở hữu này gây ra những khó khăn trong việc quản lý tài nguyên nước trong khu vực về lâu dài.
Ông Caldwell cho biết thêm: “Nếu các khu rừng thuộc sở hữu tư nhân bị chia thành nhiều mảnh nhỏ hơn, chủ đất ngày càng khó tạo ra thu nhập từ những khu đất rừng đó. Khi chi phí để sở hữu đất rừng vượt quá thu nhập kiếm được, chủ đất có thể buộc phải bán đất của họ, đất sau đó có thể được phát triển, làm giảm chất lượng nước”.
Theo ông Caldwell, một giải pháp tiềm năng có thể là mang lại lợi nhuận kinh tế cho chủ đất đối với các dịch vụ hệ sinh thái liên quan đến nước mà rừng của họ cung cấp cho nguồn nước ở hạ nguồn.
Có những thách thức khác nhau ở miền Tây nước Mỹ, nơi mà việc mất rừng thuộc sở hữu tư nhân để phát triển ít bị đe dọa hơn so với các trận cháy rừng ngày càng phổ biến. Cháy rừng gây rủi ro cho nguồn cung cấp nước ở hạ lưu và những thành phố được kết nối thông qua chuyển giao giữa các lưu vực, chẳng hạn như Las Vegas và các thành phố trên khắp California. Công việc này có thể giúp ưu tiên các hoạt động quản lý rừng như tỉa thưa và giảm thiểu nhiên liệu ở các lưu vực cấp nước quan trọng.